Nghệ An quyết tâm giữ vững thành quả trong phòng, chống dịch

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, đang dần trở về trạng thái "bình thường mới".

Chú thích ảnh
Người dân khai báo y tế trước khi vào chợ Cọi, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Từ chỗ trên địa bàn tỉnh có nhiều huyện, thành phố, thị xã thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg với rất nhiều nguy cơ tiếp tục bùng phát dịch, nhưng với tinh thần nỗ lực của từng địa phương, của Sở Y tế, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương trong tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch, đang dần trở về trạng thái "bình thường mới".

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên cả nước, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nghệ An còn thấp thì những thành công trong phòng, chống dịch tại một số địa phương trong tỉnh sẽ là bài học, kinh nghiệm hay cho các địa phương khác trong cả nước phòng, chống dịch.

Phát huy vai trò đội tình nguyện
 
Ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, dịch COVID-19 tràn qua đã để lại nhiều dư âm, có cả những lo ngại, hoảng sợ cho không ít người dân. Làng quê đang yên bình, bỗng đâu xuất hiện các ca dương tính khiến cho cuộc sống người dân đảo lộn. Những ngày dịch đang căng thẳng, phức tạp, hiện hữu rõ nhất đó là việc xóm làng, khu dân cư, nơi ở bị phong tỏa, cách ly, rồi điều tra, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm… Ở những địa phương này, người dân trở nên quen thuộc với việc ra khỏi nhà là thấy những viền dây màu đỏ giăng trước ngõ, hay những lần cùng cộng đồng dân cư đi lấy mẫu, xét nghiệm. Nhưng nay những điều đó đã không còn.
 
Xuân Hòa là xã thuần nông của huyện Nam Đàn, được biết đến với những xóm làng bình yên, hằng ngày cuộc sống, sinh hoạt người dân cứ tuần tự như vốn có bao lâu nay. Chỉ trong thời gian ngắn, do tính chất phức tạp của các ca F0 xuất hiện trên địa bàn, xã đã phải thực hiện theo mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg. Nhớ lại những ngày "u ám" đó, một cán bộ xã cho biết, bắt đầu ngày 16/8 trên địa bàn xã phát hiện 2 trường hợp F0 đầu tiên, từ đó những ngày sau tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp dương tính, lúc cao điểm có đến 48 ca dương tính, trong đó có đến 10 trường hợp trong cộng đồng; xã trở thành "điểm nóng" dịch bệnh của huyện. Điều đáng nói là việc có cả nhân viên y tế của xã cũng dương tính với SARS-CoV-2, dẫn đến đội ngũ làm nhiệm vụ tuyến đầu từ cán bộ xã, nhân viên y tế, quân sự… đến Bí thư, xóm trưởng của một số xóm là F1 và đều bị cách ly tập trung.
 
Trước bối cảnh này, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn đã quyết định phân công một Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện và một Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp về xã để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cũng như điều hành các hoạt động tại xã.
 
Ngay sau khi được phân công về xã, các cán bộ này đã bắt tay ngay vào công việc, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các lực lượng và ngành y tế, người dân địa phương, công tác phòng, chống dịch tại Xuân Hòa đã đi đúng hướng, đến nay dịch cơ bản được kiểm soát.
 
Ông Phạm Văn Ái, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Nam Đàn - người được phân công về xã Xuân Hòa cho biết, vào thời điểm dịch đang căng thẳng, trên cơ sở đặc thù của địa bàn, lãnh đạo xã đã kêu gọi các xóm thành lập đội tình nguyện trong công tác phòng, chống dịch, mỗi xóm có 5-7 người tham gia với nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền cho bà con về công tác phòng, chống dịch; kiểm soát, nắm bắt thông tin ở trong nhân dân để tổ chức truy vết, lấy mẫu; thực hiện các công việc khác trong phòng, chống dịch.
 
Là xã nông nghiệp, thời điểm xảy ra dịch đang vào mùa thu hoạch lúa Hè-Thu, trong bối cảnh xã thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhiều gia đình bị cách ly, phong tỏa, không thể ra đồng để thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, lãnh đạo xã tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa cho người dân bằng việc hợp đồng mỗi xóm một máy gặt và thành lập tổ thu hoạch tình nguyện lúa cho người dân; bà con chỉ việc ở nhà và nhận lúa thu hoạch do lực lượng tình nguyện đem về ngay trước cửa nhà mình.
 
Đoàn thanh niên xã cũng thành lập các tổ đội tình nguyện chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho các gia đình đang bị cách ly. Đối với địa bàn thành phố khi cách ly, người dân chỉ cần lương thực, thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm duy trì cho cuộc sống các thành viên trong gia đình nhưng ở địa bàn nông thôn có điểm khác, đó là phải tính đến việc cung cấp thức ăn cho cả trâu bò, lợn gà và các vật nuôi khác. Đoàn thanh niên của xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, người dân có nhu cầu chỉ việc đăng ký, chuyển tiền qua tài khoản hoặc bằng hình thức khác, các loại thức ăn này đều được cung cấp ngay trước cửa nhà.
 
Đó là ở xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn), còn ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) với những khó khăn, đặc thù riêng, nếu không có cách làm phù hợp sẽ rất khó khống chế được dịch. Đây là xã có nhiều công dân đi làm ăn xa ở trong và ngoài tỉnh, khiến việc quản lý di chuyển dân cư gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu trở về địa phương của con em trong xã là rất lớn. Trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27/4, xã có 112 người phải cách ly tập trung, 302 lượt người phải cách ly tại nhà; toàn xã có 26 trường hợp dương tính, trong đó có 3 người là lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung.
 
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng trên phạm vi cả nước và cả tỉnh, xã Sơn Thành đã gặp phải sự cố rất đáng tiếc, đó là 3 cán bộ phục vụ trong khu cách ly tập trung của xã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Xã đã tổ chức rút kinh nghiệm về sự việc này, phân công lại lực lượng, kịp thời rà soát, sàng lọc, khoanh vùng, truy vết, tổ chức cách ly các F1 có liên quan, cùng với đó xử lý, khắc phục hậu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
 
Cấp ủy, chính quyền, ban lãnh đạo xã đã bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên; tổ chức họp, quán triệt và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đề ra các nhiệm vụ cụ thể. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã giao nhiệm vụ cho Chi ủy, Chi bộ, Ban chỉ huy xóm, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, phân công gắn với trách nhiệm cho từng Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách từng cụm, điểm nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của từng xóm, từng hộ gia đình, báo cáo hằng ngày, thường xuyên hoặc đột xuất về Ban Chỉ đạo để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Ở Sơn Thành, mỗi người dân khi đến cách ly tập trung đều được xã cấp phát một nhiệt kế để tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe với sự hướng dẫn của nhân viên y tế thông qua điện thoại, mạng zalo, facebook, chỉ thực sự cần thiết nhân viên y tế mới trực tiếp vào khu cách ly để gặp trực tiếp, chăm sóc. Những người đi cách ly tập trung còn được cấp một thùng rác cá nhân, một bình xịt hóa chất cầm tay, trong đó hướng dẫn cách pha chế, lau chùi, sát khuẩn trong phòng ở khu cách ly.
 
Với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù địa phương, đến nay dịch COVID-19 tại Sơn Thành đã được kiểm soát; người dân không còn tâm lý bất an, lo lắng như trước.
 
Kiểm soát chặt người từ ngoài vào

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các điều kiện của người dân khi muốn ra vào thành phố Vinh. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Thành phố Vinh là trung tâm của tỉnh Nghệ An, số lượng người bị dương tính với SARS-CoV-2 lớn thứ 2 so với các huyện, thành phố, thị xã khác trong tỉnh, với 648 trường hợp dương tính được phát hiện tính đến 6 giờ ngày 25/9.
 
Dịch COVID-19 đã lan trên diện rộng đến các phường, xã và các khối, xóm dân cư, với các nguồn lây chủ yếu là chợ đầu mối và từ một số chợ trên địa bàn cũng như các khu vực, địa phương khác.
 
Để nhanh chóng khống chế dịch, Thành ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo quyết liệt; phối hợp, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vinh cho biết, đợt dịch trước, thành phố có 80 ca dương tính, phải mất đến 20 ngày mới kiểm soát được thì nay với hàng trăm ca dương tính, chỉ trong khoảng một tháng thành phố đã cơ bản khống chế được. Chính vì vậy, từ chỗ cả thành phố phải thực hiện mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg thì nay thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg với nhiều hoạt động dần được nới lỏng để sớm chuyển về trạng thái "bình thường mới".
 
Ông Trần Ngọc Tú cho biết thêm, đối với đặc thù của thành phố Vinh, việc kiểm soát chặt chẽ người từ bên ngoài vào, trong đó có người đi từ các vùng dịch trong và ngoài tỉnh về là việc làm quan trọng, quyết liệt  nhất.
 
Thực tế tại thành phố Vinh cho thấy, ngay khi dịch tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đang diễn ra căng thẳng, phức tạp, bên cạnh việc kiểm soát dịch bên trong, thành phố cũng phải kiểm soát tốt người từ bên ngoài vào. Để làm được việc này, thành phố Vinh đã thành lập 14 chốt ở khu vực vành đai xung quanh thành phố; các phường, xã cũng thành lập các tổ để kiểm tra; ngoài ra thành phố còn duy trì các tổ tuần tra, kiểm tra lưu động.
 
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố xác định, trong thời gian chưa an toàn, dịch chưa kiểm soát được, việc quản lý công dân đi lại, ra vào thành phố phải được làm một cách chặt chẽ, đúng quy định. Việc làm này là để kiểm soát phòng, chống dịch chứ không phải để gây phức tạp, khó khăn về mặt hành chính, giấy tờ khi ra vào thành phố.
 
Trong khi đó, thị xã Hoàng Mai là tuyến đầu, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An, có Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, vào lúc cao điểm có 20 ca dương tính, 857 F1, 17.720 người đi từ vùng dịch trở về. Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Lê Trường Giang cho biết, trong công tác phòng, chống dịch, thị xã nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân các thành viên trong Thường trực, Thường vụ Thị ủy, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; phân công cụ thể các Ủy viên Thường vụ chịu trách nhiệm toàn diện ở trên địa bàn được phân công; các ủy viên, thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trên địa bàn và theo lĩnh vực. Ví dụ, nếu dịch để xảy ra ở chợ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã và các lãnh đạo liên quan phải chịu trách nhiệm.
 
Thị xã cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về thành lập, hoạt động của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng. Ngoài việc thành lập ở mỗi thôn, khối, tổ dân cư một Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, lãnh đạo thị xã còn yêu cầu các địa phương dựa trên tổ tự quản an toàn văn minh để thành lập Tổ phòng, chống COVID cộng đồng và Tổ phòng, chống COVID của khối xóm, tổ dân cư. Đến nay toàn thị xã đã có 683 tổ, với 2.378 thành viên tham gia Tổ phòng, chống COVID cộng đồng. Các thành viên đều được tập huấn hoặc được cung cấp các bảng kê nội dung hoạt động, nhiệm vụ của tổ.
 
Thị xã yêu cầu các địa phương tiến hành ký cam kết với các hộ gia đình và đã có 27.154 bản cam kết được ký, đảm bảo 100% số hộ trên địa bàn được ký cam kết, trong đó có nội dung được quán triệt đến từng hộ gia đình đó là khi có người đi đến, trở về từ vùng dịch thì phải khai báo kịp thời, chính xác, đầy đủ với Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, trạm y tế xã phường để giám sát, kiểm soát dịch.
 
Ông Lê Trường Giang cho biết thêm, với cách làm này, các xã, phường trên địa bàn đã quản lý được số người thường xuyên có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp xúc nhiều với bên ngoài. Đơn cử, thông qua cách làm này, thị xã đã thống kê, quản lý được có 76 người thường xuyên có các hoạt động tại chợ đầu mối thành phố Vinh - ổ dịch lớn nhất tỉnh Nghệ An vào thời điểm đó. Lập tức ngay sau đó, thị xã đã tiến hành test nhanh, phân loại, quản lý để tuyên truyền phòng, chống dịch, khai báo y tế, quản lý theo quy định, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
 
Cùng với các biện pháp trên, thị xã thực hiện các giải pháp để nhận diện, dự báo trước các nguy cơ trên cơ sở đánh giá các trường hợp dương tính và các trường hợp F1, F2 trên địa bàn thị xã cũng như các thông tin có liên quan ở các địa phương khác trong tỉnh, trong nước để triển khai sớm các giải pháp phù hợp với đặc thù tại địa phương.
 
Qua một tháng tập trung cao độ cho việc phòng, chống dịch, nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đã rút ra được các bài học quý trong phòng, chống dịch COVID-19. Vấn đề đặt ra với các địa phương hiện nay là làm sao và làm cách nào để dịch không quay trở lại, duy trì cho được trạng thái "bình thường mới", nhanh chóng khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội. Hy vọng với cách làm phù hợp, sát đúng, cùng sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, đúng hướng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An, các địa phương trong tỉnh sẽ giữ được những thành quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Phú Yên xây dựng phương án phục hồi kinh tế trong tình hình mới
Phú Yên xây dựng phương án phục hồi kinh tế trong tình hình mới

Ngày 25/9, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị thảo luận xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trong điều kiện mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN