Nghệ An: Loại trừ yếu tố gây ngộ độc trong nước ngọt miễn phí phát cho học sinh

Ngày 30/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả điều tra về việc các học sinh phải vào trạm y tế điều trị sau khi uống nước ngọt được phát miễn phí.

Theo đó, ngày 17/3/2021, ngay sau khi nhận được thông tin về việc các học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Vinh) vào điều trị tại trạm y tế sau khi dùng đồ uống miễn phí trước cổng trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp điều tra, xác minh sự việc, đồng thời gửi mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.

Chi cục đã lấy mẫu của chai nước có nhãn hiệu Nước uống chứa chiết xuất cam thật Goodmood (NSX: 020321 A14, HSD 021221 22B do Công ty TNHH nước giải khát Suntorry Pepsico Việt Nam, địa chỉ: Cao ốc Sheraton, số 88, đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất), gửi Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, không phát hiện các yếu tố có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trong mẫu nước uống được phát miễn phí cho học sinh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An nhận định: Loại trừ yếu tố gây ngộ độc thực phẩm có trong sản phẩm Nước uống chứa chiết xuất cam thật Goodmood của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam) và có khả năng các em học sinh gặp hiện tượng rối loạn tiêu hóa do uống một lượng lớn nước có ga cùng một lúc.

Trước đó, như đã đưa tin, vào đầu giờ học chiều 16/3, một nhóm người dừng xe ô tô trước cổng Trường Tiểu học Quang Trung rồi phát chai nước uống miễn phí cho học sinh. Hiệu trưởng nhà trường dùng loa kêu gọi các em học sinh không uống nước có nguồn gốc chưa rõ ràng, giao nộp các chai nước đã được phát cho nhà trường. Kết quả, nhà trường thu lại được 183 chai nước ngọt. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức họp khẩn để yêu cầu giáo viên lấy danh sách học sinh đã uống nước ngọt miễn phí để theo dõi sức khỏe. Có 53 học sinh cho biết đã uống loại uống này. Đến khoảng 16 giờ 15 phút cùng ngày, lần lượt 6 học sinh lớp 4D có triệu chứng đau bụng lâm râm, trong đó 2 em có kèm nôn mửa. Các em đã được cô giáo đưa sang Trạm Y tế phường Quang Trung theo dõi, xử lý. Ba em khác không có biểu hiện bất thường nhưng vẫn được chuyển sang trạm y tế để theo dõi do gia đình yêu cầu. Đến 21 giờ 30 phút ngày 16/3, sức khỏe các học sinh ổn định và các em đã về nhà.

Qua sự việc trên, ông Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, yêu cầu Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố Vinh thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học; giám sát các yếu tố nguy cơ ngộ độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có sự cố xảy ra.

Bích Huệ (TTXVN)
Việc cứu chữa cho chùm ca bệnh nghi ngộ độc tại Kon Tum gặp khó khăn
Việc cứu chữa cho chùm ca bệnh nghi ngộ độc tại Kon Tum gặp khó khăn

Ông Võ Văn Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, việc cứu chữa cho 4 bệnh nhân trong chùm ca bệnh nghi do ngộ độc ở thôn Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông đang gặp khó khi không có thuốc đặc trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đang tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa cho người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN