Chị Nguyễn Thị Hải Yến, ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh, có con 2 tháng tuổi cho biết, sắp đến ngày tiêm mũi thứ nhất vắc xin "6 trong 1" phòng bệnh cho con, nhưng chị ra Trạm Y tế phường hỏi thì được nhân viên y tế trả lời vắc xin loại này đã hết và không biết khi nào mới có lại, khiến chị vô cùng lo lắng.
"Nhân viên y tế cũng tư vấn cho tôi, nếu muốn thì có thể sử dụng vắc xin dịch vụ thay thế với giá hơn 800.000 đồng/mũi tiêm. Tuy nhiên, đây là số tiền không nhỏ đối với thu nhập của vợ chồng làm công nhân như chúng tôi. Để phòng bệnh hiệu quả phải tiêm đủ 3 mũi liên tiếp trong 3 tháng thì chúng tôi khó có khả năng đáp ứng đủ", chị Yến nói.
Chị Nguyễn Thị Hương, ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, mới sinh con đầu lòng nên rất lo ngại cho sức khỏe của con. Vì vậy, dù ở xã có chương trình tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ, nhưng chị Hương vẫn xuống Vinh để tiêm cho con đúng liều. Nhưng dù đã đem con trực tiếp đến phòng tiêm chủng Safo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, chị cũng phải ôm con về mà không tiêm được mũi nào.
Tương tự, chị Lê Thị Bích Duyên cũng lặn lội chở con từ huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đến để mong được tiêm cho con mũi vắc xin 6 trong 1. Nhưng đến nơi, chị lại được hẹn đến cuối tuần và phải bắt taxi để trở về. Chị chia sẻ: Con của chị đã 6 tháng nhưng "năm lần bảy lượt" đi đi về về, vẫn chưa tiêm được mũi đầu. Hiện bác sỹ đã hẹn lịch, nhưng chị vẫn sợ nhà ở xa, đến nơi thì lại hết thuốc.
Tìm hiểu ở Phòng tiêm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An được biết: Trước đây, khi nguồn cung ứng còn khá dồi dào, mỗi ngày Phòng tiêm khoảng 300 mũi vắc xin 6 trong 1. Nhưng nay, một tuần chỉ có khoảng 100 liều và chủ yếu chỉ ưu tiên cho trẻ tiêm mũi nhắc lại.
Trẻ có nhu cầu tiêm mũi 1 hầu như không đáp ứng được. Lý do khan hiếm là bởi hiện nay các phòng tiêm không chủ động được lượng trẻ đăng ký, nên không dám lấy nhiều liều về để dự phòng. Trong khi đó, để bảo quản vắc xin 6 trong 1 yêu cầu hết sức khắt khe, nhiệt độ phải đảm bảo từ 2 đến -8 độ C. Nếu nhiệt độ không đảm bảo, vacxin sẽ nhanh hư hỏng và thiệt hại rất lớn.
Ngay ở Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, kho lưu trữ cũng chỉ tích trữ được một lượng vắc xin nhất định vì còn ưu tiên cho các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Vắc xin 6 trong 1 được chỉ định để phòng 6 bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt - Viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenza týp b (Hib) trong 1 mũi tiêm, giúp giảm số lần tiêm chủng cho trẻ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiện trên thị trường có hai loại vắc xin 6 trong 1, đó là vắc xin 6 trong 1 Hexaxin của Pháp và vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của Bỉ.
Mặc dù hai loại vắc xin này xuất hiện từ khá lâu, nhưng nhiều tháng nay luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Từ tháng 12/2018, sau khi Bộ Y tế chuyển vắc xin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng từ vacxin Quinvaxem sang vacxin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) và xuất hiện sự cố bất thường ở một số trẻ, phụ huynh có con nhỏ thực sự lo lắng.
Vì thế, mặc dù trong chương trình, toàn bộ các mũi vắc xin 5 trong 1 được tiêm miễn phí, nhưng nhiều phụ huynh vẫn từ chối. Thay vào đó, họ đăng ký tiêm dịch vụ mũi 6 trong 1 để an tâm và phòng được thêm bệnh.
Do nhu cầu của phụ huynh rất lớn, nên hiện nay trên thị trường Nghệ An giá tiêm cũng chênh lệch khá nhiều. Ở Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, một mũi tiêm 6 trong 1 của Bỉ là 855.000 đồng; của Pháp là 920.000 đồng. Trong khi đó, ở Bệnh viện Phụ sản Quốc tế, cả hai loại vắc xin đồng giá 1.525.000 đồng.
Tại phòng tiêm chủng Bibicare trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Vinh, giá niêm yết là 1.050.000 đồng (của Bỉ) và 1.200.000 đồng (của Pháp). Thực tế cũng cho thấy, dù giá vắc xin chênh lệch rất nhiều, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không biết và cố gắng bằng mọi cách để có một liều vắc xin cho con.
Bác sỹ Hoàng Ngọc Đàn, Trưởng phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, cho biết: Hiện mỗi năm Nghệ An có khoảng 60.000 trẻ dưới 6 tuổi và Chương trình tiêm chủng mở rộng đáp ứng đầy đủ, miễn phí các mũi tiêm 5 trong 1 cho trẻ.
Về phía phụ huynh, nhu cầu tiêm 6 trong 1 là chính đáng nếu có khả năng về kinh tế. Tuy nhiên, trong thời điểm khan hiếm vắc xin, bác sỹ Hoàng Ngọc Đàn khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng và có thể thay thế bằng vắc xin 5 trong 1 (dịch vụ) hoặc vắc xin 5 trong 1 của Chương trình tiêm chủng quốc gia và không phải quá lo ngại về chất lượng.
Ngoài ra, thông tin tiêm vắc xin 6 trong 1 sẽ tránh các phản ứng phụ là không đúng vì bất cứ vắc xin nào trẻ cũng sẽ có các hiện tượng như đau, sốt nhẹ. Trong trường hợp nếu có các triệu chứng bất thường như: Sưng đau tại chỗ tiêm (khóc thét), khó chịu sốt cao, bỏ bú, nôn mửa, phải đến ngay bệnh viện.
Bên cạnh đó, bác sỹ Đàn cũng khuyên người dân không nên "chạy" theo dịch vụ, mà bỏ qua thời kỳ vàng để tiêm vắc xin phòng bệnh cho con. Trong đó, thời điểm tốt nhất là từ 2 - 12 tháng tuổi. Các mũi tiêm cần được tiêm liên tục theo đúng lịch tiêm chủng quy định.
Dự kiến, năm 2019, tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ sẽ còn kéo dài, vì vậy cho trẻ tiêm theo Chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp thiết thực nhất hiện nay. Qua đó, người dân tiết kiệm được chi phí, phòng bệnh kịp thời và tránh tình trạng "sốt" vắc xin dịch vụ kéo dài như lâu nay.