Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.182 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 141; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.093; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 948 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 9/6 có thêm 1 bệnh nhân là BN326 (nữ, 20 tuổi) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam hiện còn 16 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.
Về thanh toán chi phí điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân nước ngoài, hầu hết các bệnh nhân quốc tịch nước ngoài điều trị COVID-19 tại Việt Nam đều mua Bảo hiểm du lịch và được các hãng này chi trả chi phí điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Hiện đã có các BN được bảo hiểm du lịch chi trả gồm: BN26: tổng chi phí đã được bảo hiểm thanh toán là 538 triệu đồng; BN23: tổng chi phí đã được bảo hiểm thanh toán là 284 triệu đồng; BN30: tổng chi phí được bảo hiểm thanh toán viện phí hơn 333 triệu đồng và một số chi phí khác trị giá 7,6 triệu đồng.
Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Sáng 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, số ca mắc trên thế giới còn lớn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua là rất đáng trân trọng, gần 2 tháng qua đã không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Nhấn mạnh đến định hướng công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hàng đầu là đảm bảo Việt Nam an toàn để phát triển bền vững trong trạng thái "bình thường mới". Thứ hai là quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập; tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; không chỉ chú ý đến kinh tế mà cần coi trọng cả quan hệ chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là các đối tác dịch bệnh giảm hẳn, có thể hợp tác với nước ta.
Đưa ra một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng đặt ra yêu cầu hàng đầu cho công tác phòng, chống COVID-19 trên tinh thần không được lơ là, chủ quan nhất là ở các khu vực biên giới, đường bộ, đường biển, hàng không, các cửa khẩu. Đi đôi với đó là tạo điều kiện cho việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Mục tiêu nữa, rất quan trọng là phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo "từng bộ, ngành, từng địa phương đều có kế hoạch cụ thể để phấn đấu, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thu ngân sách theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị để phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm như vấn đề kinh tế số, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng đồng ý tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề, để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam theo địa chỉ. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Ngoại giao đề xuất các đường bay, chuyến bay phù hợp. UBND các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm cách ly, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định.
Bộ Tài chính trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, trên cơ sở quy định pháp luật, xem xét việc thu phí cách ly, đặc biệt là thu phí điều trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.Việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.
Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước mà chưa về được, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ngành Hàng không tổ chức và tăng tần suất các chuyến bay đưa các đối tượng này về nước trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi.
Về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay với các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.
Thủ tướng đồng ý với các đề xuất tại phiên họp cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke; đồng thời chỉ đạo Bộ Công an, các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là việc buôn bán, sử dụng ma túy.
Chuyến bay thứ 3 từ Mỹ chở 340 công dân Việt Nam hồi hương an toàn
Chuyến bay VN1 chở hơn 340 công dân Việt Nam về nước từ Mỹ đã hạ cánh an toàn ở Hà Nội sáng 9/6. Đây là chuyến bay thứ 3 do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, Vietnam Airlines và các cơ quan liên quan của Mỹ thực hiện.
Chuyến VN1 được khai thác bằng máy bay lớn nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787-10, chở hành khách chủ yếu là là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa… hồi hương.
Trước đó, chuyến bay chiều đi từ Việt Nam chở theo một số công dân Mỹ về nước, cùng hơn 2 tấn khẩu trang được Vietnam Airlines hỗ trợ UBND TP Hà Nội vận chuyển miễn cước.
Trở về từ vùng dịch, chuyến bay tiếp tục tuân thủ những quy định nghiêm ngặt nhất về phòng chống dịch bệnh. Toàn bộ hành khách, phi hành đoàn đều mặc đồ bảo hộ y tế toàn thân và được đo thân nhiệt trước khi lên tàu. Để hạn chế khả năng lây nhiễm qua vật tiếp xúc nhiều lần, chuyến bay chỉ phục vụ đồ ăn đóng gói sẵn và dụng cụ ăn uống dùng 1 lần.
Vietnam Airlines triển khai tổ bay gần 30 người, lớn gần gấp 1,5 lần so với các chuyến đường dài thường lệ, nhằm đảm bảo an toàn bay và nghiệp vụ trong suốt hành trình dài xuyên lục địa. Chuyến bay khứ hồi VN1 giữa Hà Nội và San Francisco, với điểm dừng tại Alaska (Mỹ) trên chiều về, có tổng thời gian thực hiện là 33 giờ.
Ngay sau khi hạ cánh tại Nội Bài, tất cả hành khách đều được tổ chức kiểm tra sức khỏe, cách ly theo quy định. Tàu bay được khử trùng toàn bộ khoang hành khách, buồng lái trước khi tiếp tục khai thác.