Ngày 14/4: Việt Nam thêm 1 ca mới mắc COVID-19; nhiều ca bệnh mất dấu F0, nguy cơ tiềm ẩn

Tính đến 18 giờ ngày 14/4, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 ca mới mắc COVID-19, là người đã từng đi chăm người bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, nâng tổng số lên 266 ca mắc. Theo Bộ Y tế, nhiều ca bệnh COVID-19 bị mất dấu F0, nguy cơ tiềm ẩn lây lan ra cộng đồng.

Trong tổng số ca mắc 266 trường hợp mắc COVID-19, có 160 người từ nước ngoài chiếm 60,2%, 106 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,8%.

Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 68.968, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 601 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 13.455 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 54.912 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 14/4 đã có 23 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, cụ thể gồm: 17 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ chi; 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh. Số các bệnh nhân đang điều trị là 97 ca bệnh tại 14 bệnh viện.

ASEAN ưu tiên hàng đầu kiểm soát và ngăn chặn lây lan dịch COVID-19

Tại Hội nghị trực tuyến Cấp cao Đặc biệt ASEAN về COVID-19 sáng 14/4, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên ASEAN đã phát biểu, thảo luận; thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất về đoàn kết và hợp tác trong khối cũng như với các đối tác, khẳng định đây chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Các Nhà Lãnh đạo đánh giá những nỗ lực chung của ASEAN đã mang lại kết quả ban đầu đáng khích lệ. Đến nay, số ca nhiễm trong khu vực ASEAN thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỉ lệ chung của thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nước thành viên ASEAN đã chung tay cùng Việt Nam ứng phó đại dịch ngay từ những ngày đầu. Thủ tướng hoan nghênh các nước ủng hộ các đề xuất của Việt Nam như lập Quỹ hợp tác ứng phó COVID-19 của ASEAN, lập kho dự phòng vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch bệnh, sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của Quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh, lập Nhóm công tác đặc trách của các quan chức cao cấp thông tin ASEAN về chống tin giả…

Trong phát biểu, Thủ tướng Chính phủ giới thiệu về những thành quả Việt Nam đạt được trong kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường, cung ứng nhu yếu phẩm, bao gồm cả lương thực theo yêu cầu của các nước.

Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần phối hợp đảm bảo an toàn, hỗ trợ công dân bị tác động của dịch bệnh; đồng thời có những bước đi chung giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch và đề xuất các biện pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh như chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối tái thiết du lịch và các hoạt động kinh doanh và xã hội.

Kết thúc Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao Việt Nam kịp thời hỗ trợ các nước kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều ca bệnh COVID-19 bị mất dấu F0, nguy cơ tiềm ẩn lây lan ra cộng đồng

Việt Nam vừa qua đã ghi nhận nhiều ca bệnh bị mất dấu F0, không rõ nguồn lây, khiến cho việc truy tìm ca bệnh trở nên phức tạp, khó khăn; nhiều nơi đành coi ca dương tính phát hiện như F0 để khoanh vùng, kiểm soát.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại bản biên giới Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Một số trường hợp mắc COVID-19 mà không tìm được F0 vừa qua đã được ghi nhận như: Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai do không xác định được nguồn lây ban đầu, sau đó dịch lây lan mạnh. Hay trường hợp bệnh nhân số 237 (nam, người Thuỵ Điển) không biết tình trạng mắc bệnh đã đi đến nhiều nơi, ở nhiều khách sạn và đi tới tại 4 bệnh viện là Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân số 251 (64 tuổi, ở Bình Lục, Hà Nam), điều trị tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 20/3, có con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên những người được khoanh vùng có tiếp xúc với người bệnh đều có kết quả âm tính, vì vậy đây được coi là ca lây nhiễm trong cộng đồng khi chưa xác định được nguồn lây.

Hay mới đây là trường hợp bệnh nhân số 243 (ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), đã khiến nhiều nghi vấn đặt câu hỏi, liệu có phải bệnh nhân ủ bệnh 23 ngày sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai về hay không? Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã làm cả xét nghiệm kháng thể nhưng chưa phát hiện kháng thể ở bệnh nhân này. Điều này cho thấy bệnh nhân số 243 không phải mắc COVID-19 từ ổ dịch Bạch Mai, mà là mới mắc bệnh gần đây, nhưng chưa rõ lây bệnh từ đâu.

Về các trường hợp mất dấu F0, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết: Những trường hợp trên đã chứng minh cho việc dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã lây lan trong cộng đồng, mặc dù con số này chưa nhiều. Điều này cho thấy đã có sự lây truyền mới trong cộng đồng.

Công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 14/4, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đại diện tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về việc Mặt trận các cấp tham gia giám sát quá trình phân bổ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong lúc người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc làm, thu nhập do dịch bệnh, gói hỗ trợ của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi to lớn của người dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, việc phân bổ hỗ trợ cần được thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc trục lợi. Với vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là ở cơ sở sẽ tham gia triển khai, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh để các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng đối tượng.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng cam kết, toàn bộ số tiền, hàng mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước gửi đến Mặt trận để ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được Mặt trận phân bổ kịp thời, đảm bảo không xảy ra sai sót, thất thoát.

Chia sẻ với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những khó khăn mà người lao động gặp phải trong đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ tin tưởng sự kết nối của Mặt trận các cấp sẽ tăng cường tình đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, để sự gắn bó, đồng lòng của cả hệ thống chính trị sẽ góp thêm nguồn lực giúp đất nước vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Hà Nội là phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 14/4, tại buổi làm việc với Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội và các cơ quan nội chính của thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng: Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với các cấp, ngành của thành phố là phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng lưu ý về một số tồn tại trên địa bàn thành phố như: Tình trạng khiếu kiện tập trung đông người; tham nhũng vặt diễn biến phức tạp; án hành chính còn tồn đọng nhiều; việc thu hồi tài sản ở một số vụ việc, vụ án còn chưa được giải quyết triệt để...

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cán bộ, đảng viên làm công tác nội chính cần nâng cao ý thức về vai trò, vị trí của công tác nội chính trong hệ thống chính trị; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật đến nhân dân, cán bộ, đảng viên, song song với đó là nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân đối với công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Nhận định sau đại dịch COVID-19, tới đây các tranh chấp pháp lý sẽ rất phức tạp như: Giải quyết các vướng mắc về hợp đồng lao động, thuê mặt bằng..., cùng với đó là tình hình an ninh nông thôn dự báo có nhiều chuyển biến phức tạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan nội chính của thành phố cần chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, sớm có phương án giải quyết các vụ việc phức tạp. Đây cũng là thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình hình tệ nạn và tội phạm diễn biến phức tạp, vì vậy Thành ủy nhất trí với đề xuất của Công an thành phố Hà Nội về việc sớm mở đợt cao điểm về đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối tượng chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm dịch COVID-19 nhận án phạt nghiêm khắc

Ngày 14/4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Văn Mạnh, sinh năm 1996, trú tại thôn Mỹ Thịnh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, về tội chống người thi hành công vụ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Hà, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 8/4, Trần Văn Mạnh điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang đi từ nhà sang thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, để giao thịt bò. Khi Mạnh đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 của xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà), một cán bộ làm nhiệm vụ tại đây yêu cầu Mạnh dừng xe và giải thích về việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19, như bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, đo thân nhiệt, khai báo y tế... Không những không chấp hành, Mạnh còn có lời nói lăng mạ, xúc phạm và dùng ghế inox hành hung nhân viên tại chốt kiểm dịch.

Căn cứ quy định của pháp luật, ngày 9/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an huyện Hưng Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Mạnh để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xét tính chất mức độ, hành vi vi phạm pháp luật của Trần Văn Mạnh, Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Mạnh 9 tháng tù giam.

Đây là vụ án chống người thi hành công vụ liên quan đến dịch COVID-9 đầu tiên tại tỉnh Thái Bình được đưa ra xét xử. Vụ án cũng như hình phạt là bài học cảnh tỉnh đối với những ai không chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

XM/Báo Tin tức
Khi nào người dân nhận được tiền hỗ trợ do tác động của dịch COVID-19?
Khi nào người dân nhận được tiền hỗ trợ do tác động của dịch COVID-19?

Bạn đọc hỏi: Mới đây Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP, trong đó có gói hỗ trợ những người dân bị tác động của dịch COVID-19 khoảng 62.000 tỷ đồng. Vậy khi nào người dân sẽ nhận được tiền hỗ trợ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN