Nhận thức được vấn đề đó, thế giới đã đề ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, buộc ngành nhựa phải chuyển đổi. Trong bối cảnh đất nước đang "chuyển mình" tiến vào kỷ nguyên mới, ngành nhựa Việt Nam phải nhìn nhận rõ thách thức và cơ hội, tìm ra được giải pháp phù hợp để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Nhân công làm việc trực tiếp phân loại rác vô cơ để thành sản phẩm có thể tái chế. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Bài 1: Khó khăn phân loại rác thải nhựa tại nguồn
Trong xu thế toàn cầu đang hướng đến Net Zero, ngành nhựa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các thách thức cũng mở ra những cơ hội mới để ngành nhựa Việt Nam chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam, nhựa tái chế chính là cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam phát triển trong tương lai. Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng, các giải pháp tuần hoàn; trong đó có ngành nhựa có thể tạo ra tới 6 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030.
Bà Nguyễn Hải Yến, Điều phối viên Chương trình Đổi mới nhựa của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Việt Nam đã để mất hoặc lãng phí 75% giá trị vật liệu nhựa, tương đương khoảng 2,9 tỷ USD/năm. Chính phủ Việt Nam đã chủ động ban hành quy định và thực thi chính sách về hạn chế nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, cũng như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu gom, xử lý chất thải và tái chế sản phẩm, bao bì. Đây được xem là một trong những công cụ rất hữu hiệu, tạo thuận lợi và cơ hội tốt cho nhựa tái chế, nhựa sinh học và nhựa phân hủy sinh học phát triển.
Việt Nam hiện tiêu thụ sản phẩm nhựa rất lớn, chiếm 70-80%, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm 20-30% năng lực sản xuất của ngành. Trong khi đó, các nước đang hạn chế dần việc xuất, nhập khẩu phế liệu. Quốc tế cũng đang yêu cầu các quốc gia phải có trách nhiệm xử lý phế liệu thải ra của nước mình. Thời gian tới, để có thể nhập được phế liệu từ nước ngoài về để tái chế là rất khó khăn. Do vậy, nguồn rác thải nội địa chính là nguồn tài nguyên cho ngành tái chế nhựa phát triển.
Theo bà Mỹ, với công nghệ phát triển như hiện nay cùng chính sách hỗ trợ đúng hướng của Nhà nước đã, đang và sẽ tạo cơ hội cho nhựa tái chế, nhựa sinh học và nhựa phân hủy sinh học phát triển mở rộng thị trường. Việc phân loại rác tại nguồn và phát triển mạng lưới thu gom không chỉ tạo cơ hội việc làm mà còn tạo cơ hội cho ngành tài chế nhựa có được nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cao.
Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới có các đơn vị tái chế phi chính thức tồn tại song song bên cạnh những đơn vị tái chế chính thức. Bà Nguyễn Dạ Quyên, Giám đốc Công ty CEL, đơn vị vừa công bố Bản đồ chuỗi giá trị tái chế nhựa của Việt Nam gần đây cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 18 làng nghề chuyên tái chế tham gia vào chuỗi giá trị tái chế nhựa từ những năm 1980 với hơn 3.000 hộ gia đình, mỗi năm xử lý khoảng 500.000 tấn rác thải nhựa. Mặc dù chưa được chuẩn hóa và chưa đảm bảo các quy định về môi trường, nhưng các đơn vị này có ưu thế về mạng lưới thu gom rác thải rộng khắp và khả năng xử lý linh hoạt.
Theo bà Quyên, nếu Việt Nam tận dụng tốt và có cách tích hợp hiệu quả khu vực này vào khu vực tái chế chính thức, sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả tái chế nhựa tại Việt Nam.
Bà Huỳnh Thị Mỹ cho biết: Với khoảng 4.000 doanh nghiệp và hơn 250.000 lao động, năm 2024 ngành nhựa đạt doanh thu 31,3 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2023. Ngành nhựa đã và đang có nhiều đóng góp đáng ghi nhận đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, ngành nhựa cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Các thị trường lớn như EU, một số bang của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, Ấn Độ… đã ban hành luật cấm nhựa sử dụng một lần và đánh thuế đối với nhựa có hàm lượng tái chế thấp.
Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 cũng đã cam kết dẫn đầu khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương, loại bỏ 100% nhựa dùng một lần, túi nhựa không phân hủy sinh học khỏi các điểm du lịch ven biển và đảm bảo các khu bảo tồn biển hoàn toàn không có rác thải nhựa vào năm 2030.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, quy định rõ lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; quy định rõ trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì, trong đó có sản phẩm và bao bì nhựa của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tham gia vòng đàm phán thứ ba Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa.
Những áp lực đó buộc các doanh nghiệp phải cải tiến, thay đổi công nghệ, mới có thể tồn tại và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, ngành nhựa Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất và logistics tăng cao, thiếu công nghệ sản xuất hiện đại.
Chương trình thu gom, phân loại rác tại nguồn. Ảnh: TTXVN phát
Ông Nguyễn Thi, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hiệp hội Nhựa và các tổ chức có liên quan cho thấy, lượng nhựa sử dụng tính theo đầu người tại Việt Nam đã tăng từ 3,8kg năm 1990 lên gần 81kg năm 2019, nhưng chỉ tái chế được khoảng 27% rác thải nhựa; 56% bị chôn lấp; 17% còn lại bị thất thoát ra môi trường.
Lý giải vấn đề này, các doanh nghiệp đều cho rằng, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là vấn đề phân loại rác thải nhựa tại nguồn, thiết lập mạng lưới thu gom, đặc biệt là các loại nhựa có giá trị thấp. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã bắt buộc phân loại rác tại nguồn bắt đầu từ năm nay, nhưng hầu như vẫn chưa áp dụng được, do cơ sở hạ tầng thu gom chưa đồng bộ.
Theo bà Lê Phượng, Giám đốc Công ty Thịnh vượng Plastics, nếu nhựa được thu gom và phân loại một cách triệt để, các doanh nghiệp sẽ có được nguồn nguyên liệu tốt để tái chế. Vì kỹ thuật và công nghệ tái chế không phải là bài toán quá khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Một thách thức nữa là việc chuyển đổi sang vật liệu thân thiện với môi trường đòi hỏi chi phí sản xuất cao hơn, làm tăng giá thành sản phẩm, gây áp lực cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp.
Bà Lê Dung, Chánh Văn phòng Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam bày tỏ, có một điều khá nghịch lý là mọi người vẫn nghĩ rằng, nhựa tái chế rẻ hơn nhựa nguyên sinh, nhưng thực chất không phải như vậy. Trước đây, việc tái chế nhựa trong các làng nghề không quá quan tâm đến việc xử lý ô nhiễm nên giá thành các sản phẩm tái chế này sẽ rẻ hơn. Nhưng hiện nay, để làm đúng và đạt được các yêu cầu về xử lý ô nhiễm môi trường, chi phí để tạo ra hạt nhựa tái sinh cao hơn rất nhiều so với việc mua hạt nhựa nguyên sinh.
"Các doanh nghiệp đầu tư chuẩn chỉnh đang phải cạnh tranh với làng nghề về chi phí, về hóa đơn đầu vào, về thu gom và rất nhiều vấn đề khác", Giám đốc dự án của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, bà Trương Thanh Thúy chia sẻ.
Bài cuối: Giải pháp phù hợp với khả năng người Việt