Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bao bì Trường Thịnh (Ninh Bình)n điều hành máy móc trong quá trình sản xuất. Ảnh: Đức Phương/TTXVN
TS. Phạm Việt Anh, chuyên gia về phát triển bền vững, thành viên Hội đồng tư vấn Chương trình Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững của Tạp chí Nhịp cầu đầu tư cho rằng, thế giới và Việt Nam đã nhận thức rõ, tuần hoàn và tái chế là giải pháp để phát triển bền vững. Kinh tế càng tăng trưởng, đầu vào để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ càng cạn kiệt, đầu ra là rác thải và ô nhiễm sẽ càng tăng. Với nền kinh tế tuần hoàn, việc phát triển kinh tế nhưng không làm cạn kiệt tài nguyên, giảm rác thải và ô nhiễm sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, để tuần hoàn và tái chế, theo TS. Phạm Việt Anh cần phải có công nghệ. Công nghệ đó phải hướng đến tuần hoàn và tái tạo. Nếu công nghệ không hướng đến tuần hoàn và tái tạo sẽ chỉ làm gia tăng mức tiêu thụ tài nguyên, gia tăng phát thải gây ô nhiễm môi trường. TS. Phạm Việt Anh dẫn chứng, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, mặc dù giúp xe đi được quãng đường dài hơn với lượng nhiên liệu ít hơn, nhưng cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe nhiều hơn. Nhiên liệu tiêu thụ và lượng phát thải vẫn tăng, không mang lại giá trị phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, rác thải nhựa vẫn tăng trưởng nhanh hơn khả năng tái chế. Do vậy, để hỗ trợ ngành tái chế nhựa phát triển, theo TS. Phạm Việt Anh, thị trường rất cần bàn tay của nhà nước. Đó là chính sách về hạn ngạch cạn kiệt tài nguyên, hạn ngạch tiêu thụ nhựa nguyên sinh phải giảm dần theo thời gian; tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nguyên sinh trong khi giảm thuế cho sản xuất xanh; có chính sách ưu đãi đầu tư công nghệ tái chế xanh, có thực chứng khoa học. Chế tài và chính sách hỗ trợ của nhà nước cần đi thẳng vào doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp giảm thì người tiêu dùng sẽ giảm.
Theo TS. Phạm Việt Anh, các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Nguồn tài nguyên tái tạo lớn nhất của doanh nghiệp chính là con người. Nếu biết khai thác đúng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn có những giải pháp mới, giải quyết được bài toán tuần hoàn và tái chế ngay tại địa phương.
Chia sẻ từ góc độ quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Đình Đáp, Chuyên viên chính Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Mặc dù Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc chứng minh mô hình đang làm là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Để tháo gỡ vướng mắc này, thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ phối hợp với Hiệp hội Nhựa và các hiệp hội khác để hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết, hiệp hội đang tích cực tham gia và phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng tiêu chí nhãn sinh thái và thiết kế sinh thái cho các sản phẩm của ngành nhựa và nhựa tái sinh, đặc biệt là nhựa PET tái sinh. Mục đích nhằm thúc đẩy ngành nhựa chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy người tiêu dùng yên tâm sử dụng nhựa tái chế do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tái chế, Hiệp hội đang khuyến khích các hội viên hạn chế sản xuất các sản phẩm phối trộn từ nhiều loại nhựa khác nhau. Đơn cử như đối với ly nhựa sử dụng một lần, hiệp hội đang khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế, giảm dần việc sử dụng nhựa PS, chỉ sử dụng nhựa PET và PP.
Liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, mặc dù ngành nhựa Việt Nam là ngành nhập siêu, nhưng trong bối cảnh biến động về chính sách thuế toàn cầu, đặc biệt là thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các quốc gia ngày càng có xu hướng gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Một số mặt hàng nhựa xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với với việc bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bà Mỹ dẫn chứng, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với hộp nhựa Polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện Hiệp hội đang tích cực hỗ trợ hội viên và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ứng phó với các vụ kiện này.
Theo bà Mỹ, song hành với thách thức luôn là cơ hội mới. Doanh nghiệp nào xác định được thách thức của mình là gì, chắc chắn sẽ nhìn ra và tận dụng được cơ hội mới, vượt qua thách thức. Việc chủ động nâng cao năng lực thu gom, phân loại rác tại nguồn sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu tái chế ổn định và chất lượng.
Việc chủ động đầu tư máy móc công nghệ mới, sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau, từ doanh nghiệp làm nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất thành phẩm đến doanh nghiệp tái chế. Tất cả phải liên kết thành chuỗi giá trị tuần hoàn.
Các sản phẩm tái chế từ rác thải tại “Vườn tái chế - NNC” (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN
Gợi ý về giải pháp nâng cao hiệu quả cho công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa, bà Lê Phượng, Giám đốc công ty Thịnh vượng Plastics đã chia sẻ kinh nghiệm của nước ngoài. Theo bà Phượng, một số nước đã đặt các trạm phân loại và thu mua rác thải nhựa ngay tận nhà dân. Cách làm đó giải quyết được vấn đề phân loại rác thải nhựa ngay tại nguồn, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và chi phí cho hoạt động tái chế ở giai đoạn sau.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hội, Phó Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển sản xuất thương mại Nhựa Sài Gòn cho rằng, để phát triển bền vững ngành nhựa, cần xây dựng hệ thống chuỗi thu gom rác thải nhựa. Hiện công ty đang triển khai dự án đặt 20 trạm thu gom rác thải nhựa ở các điểm công cộng như công viên, nhà ga, bến xe, các trường đại học, ký túc xá… Từ đó, làm cơ sở để tính toán xây dựng chuỗi thu gom, phân loại rác thải nhựa hiệu quả, phục vụ cho hoạt động tái chế.
Chia sẻ từ góc độ công ty vừa công bố Bản đồ chuỗi giá trị tái chế nhựa tại Việt Nam, bà Nguyễn Dạ Quyên, Giám đốc công ty CEL cho rằng, trên hành trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, chúng ta có rất nhiều cảm hứng từ các quốc gia khác, nhưng mỗi nước lại có những đặc thù riêng. Các giải pháp áp dụng ở Việt Nam cần phải địa phương hóa để phù hợp với điều kiện và khả năng của người Việt.
Với đặc thù là một trong số rất ít nước trên thế giới có các đơn vị tái chế nhựa phi chính thức, đây chính là lực lượng đã làm cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trở thành hiện thực từ rất sớm. Theo bà Quyên, Việt Nam cần có chính sách và giải pháp để tiêu chuẩn hóa và nâng cấp các đơn vị này trở thành bộ phận chính thức của chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam, góp phần giúp hoạt động tái chế nhựa ở Việt Nam thật sự chuyển đổi xanh.
Góp ý thêm về các giải pháp giúp phát triển bền vững ngành nhựa, theo ông Phạm Hồng Quân, nhà sáng lập Chương trình Race to Net Zero, Việt Nam có thể tính toán sử dụng tín chỉ nhựa - một công cụ tài chính tương tự như tín chỉ carbon để góp phần giải bài toán tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo ông Quân, tín chỉ nhựa có thể là nguồn lực tài chính đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế rác thải nhựa; hỗ trợ người thu gom rác không chính thức; thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án quản lý rác thải nhựa, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tái chế rác thải đô thị. Điều này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh.