Ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em

Hiện nay, do môi trường sống, đặc điểm tâm sinh lý nên một số trẻ em dễ có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành và ngược đãi. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các biện pháp can thiệp sớm nhằm bảo vệ các em trước các nguy cơ trên.

Xu hướng gia tăng

Gần đây, có rất nhiều vụ bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khiến dư luận rất bức xúc. Ví dụ như vụ các bảo mẫu tại Cơ sở trông trẻ Phương Anh (quận Thủ Đức) đánh đập, hành hạ nhiều trẻ em trong giờ ăn. Tại đây, các bảo mẫu bạo hành thường đánh vào mông, tay, đầu các bé, bé nào nôn ói thức ăn ra ngoài sẽ được hốt lại để đút tiếp… Hoặc hình ảnh các bảo mẫu tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức) đánh đập, lấy dép tát vào mặt, cấu véo các trẻ bị nhiễm HIV trong giờ ăn… Không chỉ có trường hợp bảo mẫu bạo hành trẻ em, mà ngay khi ở nhà, nhiều trẻ em cũng bị chính ba, mẹ, người thân của mình bạo hành, ngược đãi. Điển hình là vụ người cha dượng tên Nguyễn Nhân Từ (ngụ quận Gò Vấp) đánh con 3 tuổi đến rách gan, dập tinh hoàn, đa chấn thương… phải nhập viện cấp cứu.

Trẻ em có quyền được bảo vệ chăm sóc tránh những nguy cơ bị ngược đãi, bạo hành.

Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (LĐ TB & XH TP HCM), cho biết, tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, xâm hại từ gia đình, cha mẹ, thầy cô… đang có chiều hướng gia tăng và diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, nhóm trẻ em lang thang, mồ côi, trẻ lao động sớm, trẻ nhiễm HIV... là nhóm có nguy cơ cao dễ bị tổn thương, xâm hại, ngược đãi, lạm dụng nhiều hơn cả. Các em này, thường thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, cộng đồng và khả năng nhận biết, các kỹ năng tự phòng vệ của các em còn nhiều hạn chế.

“Trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại trẻ em là thuộc trách nhiệm của gia đình, xã hội, đặc biệt là thuộc các cấp chính quyền địa phương. Thành phố “cũng đã xây dựng hệ thống bảo vệ các em ở các cấp để kịp thời theo dõi sát vụ việc, hướng dẫn can thiệp, hỗ trợ, giúp trẻ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng”. “Theo quy định, bất cứ trường hợp bạo hành, xâm hại, ngược đãi trẻ em tùy theo mức độ đều phải được can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật, không ph̉ân biệt người gây ra hành vi đó là ai, kể cả cha mẹ ruột, thầy cô, hoặc những người thân thiết nhất đối với trẻ”, bà Phụng cho biết thêm.

Cần can thiệp sớm

Ông Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người (Cục Cảnh sát Hình sự thuộc Bộ Công an) cho biết: “Các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự theo Bộ Luật hình sự. Còn những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn hạn chế. Chẳng hạn, mọi hành vi vi phạm đều chưa được xử phạt hết, hình thức xử phạt chưa tương xứng và đủ sức răn đe.

“Để can thiệp sớm đối với trẻ bị xâm hại, ngược đãi, các đơn vị ban ngành cần tuyên truyền cho các đối tượng dễ bị xâm hại nhận thức được các hành vi nào là xâm hại, ngược đãi để đi khai báo. Thông tin rộng rãi những khu vực, những nơi có thể dễ bị xâm hại để các em né tránh, không nên qua lại. Khi trẻ bị xâm hại, cần kịp thời báo ngay cho cơ quan chính quyền, công an để lập tức xử lý, giải quyết. Các trường hợp đến trễ, rất khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để phục vụ công tác điều tra...”, ông Phạm Văn Phòng cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thành Phụng, để ngăn chặn kịp thời việc trẻ em bị ngược đãi và xâm hại, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em, người dân nên chủ động báo ngay cho chính quyền địa phương để có các biện pháp can thiệp, cũng như có cơ sở xử lý đối với các đối tượng gây ra hành vi xâm hại với trẻ em. Ngoài ra, chính các bậc cha mẹ “cũng cần quan tâm hơn nữa đến tâm sinh lý của trẻ. Khi xảy ra bất kỳ tình huống nào ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, cha mẹ cần phải tiếp xúc trao đổi với trẻ để nắm bắt kịp thời thông tin và tìm ra cách giúp đỡ cho trẻ tốt nhất.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu là mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN