Ngăn chặn quốc lộ thành... phố

Nhiều quốc lộ (QL) đang bị hàng quán xâm lấn hành lang an toàn và bị “băm nát” bởi hàng nghìn điểm đấu nối trái phép, thậm chí trở thành những “tuyến phố” với đèn tín hiệu giao thông... Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.


Bám quốc lộ mưu sinh


Tuyến QL5 đi qua tỉnh Hưng Yên là một điển hình cho việc xâm lấn hành lang an toàn giao thông (ATGT). Theo kiểu hiệu ứng dây chuyền, tại nhiều đoạn đường, nhà nhà, người người bung ra bán hàng, mở quán... dọc trục giao thông. Tuyến đường này còn bị “băm nát” bởi hàng nghìn điểm đấu nối trái phép, hệ quả của việc người dân mở đường dân sinh hoặc nhà máy, khu công nghiệp bám sát QL, mở đường giao thông. Thậm chí, có đoạn đường đã trở thành tuyến phố, với đèn tín hiệu giao thông. Với thực tế này, từ cung đường kiểu mẫu, tuyến đường này đã biến thành “đường tử thần”, thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng. Cánh lái xe tải, xe container qua tuyến đường này thường xuyên phải căng mắt để tránh những thanh niên “liều mình” đứng ở ngay trên đường QL để vẫy khách vào hàng quán nằm hai bên đường.


Hàng quán lấn chiếm sát đường quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Nam. Ảnh: CTV

 

QL5 khi mới đưa vào khai thác đã giúp giảm hành trình Hà Nội - Hải Phòng xuống còn 1,5 giờ, giúp đời sống dân cư 4 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng thay đổi theo hướng đô thị hóa. Tuy nhiên, kể từ khi QL5 trở thành một “tuyến phố”, hiện nay, để đi từ Hà Nội đến Hải Phòng có khi phải mất đến 2,5 giờ, chưa kể nếu gặp TNGT, tắc đường.


QL2 (cũ) đoạn qua huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) chỉ dài hơn 1 km, nhưng theo Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông 238 (Khu Quản lý đường bộ II) đã có hàng chục doanh nghiệp san lấp hành lang đấu nối vào QL mà không xin phép để phục vụ cho việc kinh doanh. QL2 đoạn qua các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng (Phú Thọ), tình trạng lấn chiếm hành lang để buôn bán đang diễn ra phổ biến. Từ km93 - km109, lòng đường, hành lang giao thông thành nơi bơm nước mui, bán cơm bình dân, với trên 20 điểm kinh doanh. Hàng ngày, hàng đoàn xe khách, xe tải nặng thường xuyên dừng đỗ tại khu vực này, tràn ra cả lòng đường QL.
Tuyến tránh QL6 đoạn qua Hòa Bình dài 8 km, từ km70 - km78 được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Cho đến nay, nguy cơ phố hóa của đoạn tuyến này đang hiện hữu bởi những cây xăng, quán ăn và cả nhà dân mọc lên san sát...


Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II (Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Lâm cho biết: 19 tuyến QL có tổng chiều dài 2.400 km do Khu quản lý đều có chung tình cảnh hành lang ATGT bị lấn chiếm. QL1 đoạn Phủ Lý - Ninh Bình, sau khi được mở rộng, người dân dọc tuyến đã tự ý cải tạo, san lấp mặt bằng hai bên đường làm nhà và đấu nối đường QL vào nhà. Trên QL5, đường Hồ Chí Minh... mặt đường trở thành nơi bày bán hàng, phố “vẫy”, phơi nông sản... Còn trên QL3 qua huyện Phú Lương (Thái Nguyên) thậm chí người dân lấp ruộng, lấn hết hành lang ATGT làm nhà...


Đáng lo ngại như các chuyên gia nhận định, vì mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giãn dân và xây dựng các khu công nghiệp, nên nhiều địa phương đã “bật đèn xanh” cho vi phạm. Thậm chí có nơi, chính quyền địa phương cấp đất, giao đất trong hành lang ATGT.


Nâng cao trách nhiệm địa phương


Lãnh đạo nhiều địa phương bày tỏ, các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương hiện nay đều muốn chọn vị trí nằm ven các tuyến QL, thuận lợi về giao thông. Điều này đã gây sức ép với chính quyền cơ sở, khi mục tiêu thu hút đầu tư để phát triển kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu.

Việc phố hóa QL vốn đã diễn ra từ lâu, nhiều vi phạm bị giải tỏa rồi lại tái lấn chiếm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, hết ra quân thì đâu lại vào đấy. Các chuyên gia cho rằng, thực tế này là hệ quả của một thời gian dài buông lỏng quản lý đường bộ.


Đơn cử, nhiều đoạn của QL1A đang trở thành tuyến phố dài, với những làng xóm, thị trấn, thị xã, thành phố nối tiếp nhau. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì lề đường QL trở thành vỉa hè, được sử dụng làm nơi kinh doanh... Nhiều địa phương có QL đi qua quy hoạch khu dân cư, đô thị dọc theo QL, lấy QL làm trục chính, tạo thành chuỗi khu dân cư liên tục, nhất là các tỉnh miền Trung. Thực tế này nếu không được xử lý dứt điểm trong các quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông từ Trung ương đến địa phương, thì tình trạng phố hóa QL sẽ tiếp tục “bóp chết” những con đường, gây lãng phí lớn trong đầu tư ngân sách và gia tăng vấn nạn TNGT.


Khoảng 3 năm trở lại đây, vi phạm của người dân lại gia tăng, năm sau cao hơn năm trước từ 15 - 20%. Trong khi đó, việc xử lý của các địa phương chủ yếu lại tập trung vào các vụ nhỏ lẻ như giải tỏa hàng quán, mái che, mái vẩy... và rất ít địa phương huy động đồng bộ máy móc, thiết bị, liên ngành cưỡng chế vi phạm hành lang ATGT hay phá bỏ, rào lại các điểm đấu nối trái phép...


Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phạm Quang Vinh, phạm vi đất ngoài hành lang ATGT đường bộ hoàn toàn thuộc quản lý của các địa phương. Vì vậy, việc chính quyền địa phương quy hoạch các khu dân cư, trường học, khu công nghiệp ven các tuyến QL, thậm chí cả các tuyến đường tránh QL, thì ngành GTVT cũng không thể can thiệp được. Do không có sự ràng buộc trách nhiệm, nên mặc dù Tổng cục đã có nhiều văn bản kiến nghị các địa phương khi thấy có những bất hợp lý trong quy hoạch dân cư, khu công nghiệp theo các tuyến giao thông, nhưng tất cả đều không hiệu quả. Do đó, vai trò, trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, xử lý vi phạm hành lang ATGT cực kỳ quan trọng.

 

Bộ không thể làm thay

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), hội viên Hiệp hội Cầu đường Việt Nam Mai Văn Hồng nhận xét: Cái gốc của vấn đề là thiếu một chính sách tổng thể, từ việc quy hoạch các khu dân cư, khu công nghiệp đến việc vận động, tuyên truyền người dân. Đặc biệt, quan trọng là vai trò của chính quyền các địa phương. Thực tế cho thấy, với những quy định như hiện nay thì vấn đề bảo vệ hành lang ATGT đường bộ hoàn toàn được giao cho chính quyền địa phương, Bộ GTVT không làm thay được. Cũng đã có quy định đền bù để giải tỏa hành lang, nhưng chính quyền các địa phương cũng không thể thực hiện được điều này vì không có cơ chế, không bố trí được nguồn kinh phí.

 

Đường vừa xong, người dân đã dọn nhà mới

Trưởng phòng ATGT (Khu Quản lý đường bộ II) Nguyễn Văn Tam cho biết: Đến nay đã có khoảng 80% các đô thị, khu dân cư tại các tỉnh phía bắc từ Thanh Hóa trở ra có tuyến tránh QL. Mục đích của việc xây dựng các tuyến tránh QL là để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm nguy cơ mất ATGT khi đường đi qua khu đông dân cư. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị phá sản bởi tốc độ nhà dân bám đường tại các tuyến tránh cũng đang gia tăng chóng mặt... Có một thực tế đáng lo ngại là khi xây dựng các tuyến tránh QL, chủ đầu tư và nhà thầu chỉ quan tâm đến việc xây dựng trên phần đất được bàn giao từ bên trong mốc giải phóng mặt bằng, còn bên ngoài thì là việc của địa phương. Nếu địa phương chỉ cần xao nhãng quản lý, thì đường vừa xong, người dân cũng kịp dọn lên nhà mới.

 

Nhiều “điểm đen” trên QL5

Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 240 (Khu Quản lý đường bộ II) Nguyễn Ngọc Cường cho biết: Trước đây, khoảng 70% chiều dài QL5 có hành lang thông thoáng, nay nhà cửa, công trình bám hai bên QL5 mọc lên như nấm, chiếm dụng lòng lề đường... Từ lâu, QL5 đã tồn tại khá nhiều “điểm đen” thường xuyên ùn tắc, tai nạn, lộn xộn, như: Ngã tư chợ Đường Cái, Phố Bần, Phố Nối (Hưng Yên), ngã tư Bến Hàn, Tiền Trung (Hải Dương)... Thống kê cho thấy, TNGT trên tuyến QL5 chiếm khoảng 35% tổng số vụ của các địa phương có QL đi qua. Đặc biệt, QL5 tập trung nhiều khu công nghiệp, nên đến giờ vào và tan ca, giao thông khá phức tạp, thường xuyên ùn tắc tại những điểm giao cắt.


 

Tiến Hiếu thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN