Theo đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Cùng với việc rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường cũng được quan tâm để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Các đơn vị chức năng cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo yêu cầu cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh nông thôn và các ngành kinh tế khác.
Phun thuốc dưỡng hạt lúa tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Ngoài ra, các đơn vị cũng hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Đồng thời, phổ biến, nhân rộng các mô hình canh tác bền vững theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; xây dựng các mô hình sử dụng hiệu quả phân bón, giảm sử dụng phân bón hóa học.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải trong giết mổ, sơ chế và chế biến động vật, sản phẩm động vật.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện quản lý chất lượng thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường, điều kiện sản xuất kinh doanh giống và chất lượng giống thủy sản. Kiểm soát chất lượng nước cấp, nước thải và chất thải trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân cư.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành thì vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn gia tăng như lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. P hát triển nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi còn tự phát, không phù hợp với quy hoạch và chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; thiếu các quy định về thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi; ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi có dấu hiệu gia tăng...
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất về bảo vệ môi trường còn thấp; đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đúng mức. Việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm; bộ máy quản lý còn bất cập, phần lớn chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều nội dung chưa phù hợp với điều kiện của các vùng, miền hoặc chưa cụ thể. Công tác thanh, kiểm tra môi trường chưa được chú trọng...