Nền nhiệt giảm sâu, người dân vùng cao ứng phó với rét đậm, rét hại

Ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên cho biết, trong 2 ngày 28 và 29/12, tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại ở vùng cao.

Chú thích ảnh
Người dân đốt củi sưởi ấm cho gia súc.

Trong ngày 30/12, không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng lên, rét đậm, rét hại tiếp tục xảy ra ở một số nơi, đợt rét đậm rét hại này có khả năng kéo dài đến ngày 4/1/2019, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 7 đến 9 độ C; vùng núi cao nhiệt độ giảm sâu xuống từ 3 đến 5 độ C, có nơi dưới 3 độ C; đặc biệt tại một số nơi vùng núi cao như đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo), vùng núi cao của các huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa nền nhiệt giảm sâu, có khả năng xảy ra băng giá, sương muối.

Khảo sát từ ngày 29/12, tại các xã vùng lòng chảo Mường Thanh của huyện Điện Biên, nằm dọc quốc lộ 12 như: Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Pồn… do nhiệt độ giảm sâu, thời tiết quá lạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tại các địa phương này, người dân đã hạn chế việc ra đồng, lên nương rẫy; nhiều gia đình đã phải đốt những đống lửa to để ngồi quây quần sưởi ấm. Công tác sửa chữa, che chắn lại cho chuồng trại kín gió, khô ráo nhằm giữ ấm cho gia súc, gia cầm đã được người dân tích cực thực hiện trong những ngày qua. Việc tích trữ lương thực (cỏ, thân cây chuối…), nhốt gia súc trong chuồng, không thả rông ra bãi, mé rừng cũng được người dân chú ý thực hiện.

Chú thích ảnh
Rét đậm, rét hại có thể gây ảnh hưởng đến việc gieo cấy kịp khung thời vụ của người nông dân.

Riêng khu vực đèo Cò Chạy dài hơn 10km (thuộc địa bàn xã Thanh Nưa và Hua Thanh, Mường Pồn của huyện Điện Biên), thời tiết rất lạnh, luôn có sương mù bao phủ, hạn chế đến tầm nhìn, đường ướt, trơn nên các phương tiện giao thông di chuyển trên quốc lộ 12 khi qua đây gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều người dân ở xã Hua Thanh, sinh sống trên đèo Cò Chạy, nhiệt độ thấp nhất tại khu vực này khoảng từ 1h đến 7h sáng cùng ngày, nền nhiệt dao động từ 3 đến 6 độ C; nếu không có nắng mà có mưa nhỏ thì đến tận trưa, thời tiết vẫn rất lạnh, người dân không đi ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết, quan trọng.        

Tại các huyện vùng cao như Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Tủa Chùa… những ngày qua, nhiệt độ giảm sâu lúc về đêm và gần sáng; thời tiết diễn biến cực đoan nên cuộc sống của người dân, nhất là ở các địa phương vùng cao đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính quyền và người dân địa phương đã phải thực hiện các biện pháp để ứng phó với giá rét cho vật nuôi, cây trồng.

Tại các xã vùng cao Quài Tở, Tỏa Tình, Quài Cang (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), thời điểm vào sáng sớm đến gần trưa rất lạnh; các bản làng vùng cao như Hua Sa A, Tỏa Tình, Háng Tàu, Chế Á, Lồng (xã Tỏa Tình) vẫn bị hơi nước và mây mù bao phủ, nền nhiệt ngoài trời ở mức từ 6 đến 8 độ C. Dọc tuyến quốc lộ 279 từ trung tâm thị trấn Tuần Giáo lên đỉnh đèo Pha Đin, người dân sinh sống hai bên đường đã phải đốt lên những đống lửa to để sưởi ấm, tránh giá rét và hạn chế đi làm.

Theo ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Địa giới hành chính xã Tỏa Tình nằm trọn trên đèo Pha Đin với hơn 500 hộ dân, hơn 2.100 nhân khẩu; toàn xã có hơn 30ha diện tích ao nuôi thủy sản, hơn 2.100 con gia súc (trâu, bò, dê, lợn…), hơn 8.000 con gia cầm. Khu vực Pha Đin là vùng có nền nhiệt giảm sâu nhất mỗi khi tỉnh Điện Biên xảy ra rét đậm, rét hại. Người dân địa bàn xã Tỏa Tình sinh sống ở các khu vực có độ cao khác nhau: dưới 800 mét, từ 800 mét đến 1.000 mét và từ 1.000 mét đến hơn 1.700 mét (đỉnh Pha Đin) so với mực nước biển nên những ngày qua, rét đậm rét hại xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Sùng A Chứ cho biết thêm: Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn khi nhiệt độ giảm sâu; người dân phải đốt lửa trong nhà, bên hiên nhà và ngoài đường để sưởi ấm, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt; hoạt động sản xuất nông nghiệp, lên nương, rẫy đã phải trì hoãn từ nhiều ngày qua.

Ông Vàng A Dình, người dân sinh sống trên đèo Pha Đin cho biết nhà ông có đàn gia súc (trâu, dê, lợn) gần 20 con và nhiều gà, ngan. Trước đây, theo thói quen thì hay thả gia súc, gia cầm quanh nhà, trên núi. Nhưng thời tiết lạnh quá, sợ gia súc, gia cầm chết rét nên nhiều ngày qua phải nhốt trong chuồng, đến bữa thì cho ăn đầy đủ bằng nguồn thức ăn đã dự trữ trước đây; nước uống cho gia súc thì pha thêm chút muối biển và dùng nước ấm.

Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, người dân các xã Quài Tở, Quài Cang, Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đã di chuyển đàn gia súc, nhất là trâu, bò, dê xuống vùng thấp hơn hoặc sang vùng có nhiệt độ cao hơn để tránh rét; chủ động che chắn chuồng trại, bổ sung nguồn thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong thời tiết giá lạnh.

Chị Mùa Thị Lầu, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Nhiều ngày qua rồi, thời tiết lạnh lắm, buốt hết chân tay, không làm được việc gì đâu; quần áo ấm, chăn đệm của gia đình cất kỹ giờ phải đưa ra sử dụng hết rồi nhưng vẫn lạnh, phải đốt lửa trong nhà để mọi người sưởi ấm.

Ông Sùng A Chứ cho biết: Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, xã đã có thông báo, cảnh báo tình hình rét đậm, rét hại đến tất cả các bản, các bản cũng đã họp, tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho người, gia súc, gia cầm và cây trồng. Người dân đã tích trữ lương thực cho vật nuôi từ 4 ngày qua, đồng thời che chắn chuồng trại, lán chăn nuôi gia súc, gia cầm để tránh gió lùa. Ở những vùng cao trên 1.000 mét, người dân cũng đã chủ động lùa đàn, di chuyển đàn gia súc xuống vùng thấp hơn hoặc sang vùng có thời tiết ấm hơn.

Tại các huyện vùng cao khác như Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé… công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân; phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi đang được các địa phương tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở các xã tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình phức tạp của thời tiết rét đậm, rét hại có chiều hướng diễn biến cực đoan trong nhiều ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đề nghị, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ngành, đơn vị, các huyện, thị, thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; hướng dẫn, thông báo đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, cây trồng và con người, nhất là đảm bảo sức khỏe cho người già, trẻ em; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại, giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn tinh và thô cho vật nuôi; không thả rông và đưa gia súc, gia cầm về nơi tránh trú an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Tin, ảnh: Tuấn Anh- Hải An (TTXVN)
 Người Hà Nội chống chọi với mưa rét kỷ lục 9 độ C
Người Hà Nội chống chọi với mưa rét kỷ lục 9 độ C

Không khí lạnh tràn về gây mưa rào, nền nhiệt Hà Nội giảm xuống còn 9 độ C. Trong tiết trời lạnh và rét người dân Thủ đô co ro ra đường từ sáng sớm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN