Trao đổi với PV Báo Tin tức, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội dành thời gian phân tích việc TP Hà Nội nêu nguyên tắc đặt tên xã, phường sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trong đó ưu tiên giữ lại các tên gọi đặc thù như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội việc đặt tên phường, xã mới sau sáp nhập ở Hà Nội, xét về mặt hành chính là một bước đi có tính toán kỹ lưỡng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, nhất là trong bối cảnh số hóa đang trở thành xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, khi đi vào chiều sâu văn hóa, lịch sử và bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, ông Bùi Hoài Sơn không khỏi trăn trở với những tên xã, phường mới được đặt như thế nào cho phù hợp. Bởi Hà Nội không đơn thuần là một thành phố, mà là nơi kết tinh hồn cốt dân tộc, nơi mỗi tên làng, tên phố, tên phường đều mang trong mình một phần ký ức tập thể, một phần lịch sử của dân tộc.
Hiện có 526 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Bùi Hoài Sơn nêu ví dụ những cái tên như: Hàng Đào, Hàng Mã, Bạch Mai, Kim Liên, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… không chỉ là định danh địa lý, mà còn là biểu tượng văn hóa, là niềm tự hào, là chốn nương tựa tâm hồn của bao thế hệ người Hà Nội.
Do vậy, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn băn khoăn với việc thay thế hoặc giản lược những cái tên đã trở thành biểu tượng của phường, xã thành “Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2” hay “Đan Phượng 1, Đan Phượng 2”, liệu có phải chúng ta đang từng bước làm nhạt đi sắc màu văn hóa vốn có của mảnh đất này.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, tên gọi không chỉ để gọi, mà nó là linh hồn của một vùng đất, là nơi neo giữ truyền thống, là niềm kiêu hãnh của cộng đồng dân cư. Mỗi cái tên cũ đều có tiếng nói riêng, có lịch sử riêng. Nếu chọn cách “đánh số”, liệu có phải chúng ta đang đối xử với Hà Nội như một khu đô thị mới vô hồn, thay vì là một thành phố giàu chiều sâu văn hóa?
"Thật đáng mừng khi Hà Nội vẫn dành ưu tiên cho những cái tên mang giá trị lịch sử, văn hóa, được cộng đồng nhân dân đồng thuận. Việc bảo lưu tên quận cho các phường sau sáp nhập, như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… là một bước đi đúng đắn, thể hiện sự trân trọng đối với truyền thống và bản sắc. Cách làm này nên được nhân rộng, để từng tên gọi mới không phải là sự đứt đoạn, mà là sự tiếp nối hài hòa giữa quá khứ và hiện tại", ông Bùi Hoài Sơn nói.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, điều quan trọng nhất trong quá trình sắp xếp và đặt tên, cần lắng nghe tiếng nói của người dân, những người sống, gắn bó và lưu giữ ký ức với vùng đất ấy. Khi cộng đồng cảm thấy được tôn trọng, được tham gia vào việc quyết định tên gọi của nơi mình sinh sống, tên phường mới thực sự có hồn, có sức sống và được bảo vệ qua thời gian.
"Hà Nội là thành phố của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đặt tên cho những phường, xã mới không chỉ là bài toán hành chính, mà là trách nhiệm gìn giữ bản sắc, là nghệ thuật chạm vào trái tim của một đô thị hơn nghìn năm tuổi. Và chính cách đặt tên – nếu làm đúng – sẽ là cây cầu bắc nhịp cho sự phát triển bền vững và nhân văn của Thủ đô", Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn nói thêm.
Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện ngày 3/4, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nêu nguyên tắc đặt tên các xã, phường mới sau sáp nhập.
Với đơn vị hành chính trong nội đô lịch sử, có truyền thống văn hoá lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô, TP Hà Nội sẽ lựa chọn tên quận trước khi sáp nhập đặt cho tên phường sau sắp xếp.
Bốn quận nội đô lịch sử của TP Hà Nội hiện nay gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Căn cứ theo tiêu chí trên, ông Trần Đình Cảnh nêu ví dụ, tên Hoàn Kiếm hiện nay sẽ đặt cho cấp phường sau sắp xếp.
Quận Đống Đa (17 phường), sau sắp xếp tên quận hiện nay được đặt cho một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn quận Hai Bà Trưng (15 phường), sau sắp xếp tên quận hiện nay được đặt cho một đơn vị đặt tên là Hai Bà Trưng, một đơn vị đặt tên là Bạch Mai...