Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Nâng cao ý thức


Thế nào là tham gia giao thông có văn hóa? Đó đơn giản chỉ là những hành động bình thường khi tham gia giao thông như: Đi đúng làn đường, phần đường, không vượt đèn đỏ, tuân thủ quy định về tốc độ, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.


Văn hóa giao thông cũng có thể là tự giác chấp hành quy định kể cả khi không có bóng dáng cảnh sát; sẵn sàng giúp đỡ người khuyết tật, người già, phụ nữ, trẻ em; chấp hành các quy định chung khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng...


Lập biên bản người điều khiển xe máy không mang giấy tờ xe tại chốt đường Láng- Nguyễn Chí Thanh vào đêm 16/9/2012.
Ảnh: Viết Tôn


Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Hà Nội vẫn còn nhiều người thiếu hiểu biết về pháp luật và văn hóa khi tham gia giao thông. Một điều tưởng rất đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn đối với nhiều người đó là thiếu tôn trọng và nhường nhịn nhau trên đường. Thói quen mạnh ai nấy đi, bất chấp quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, đèo ba, đèo bốn, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, rú ga, bóp còi inh ỏi... là những hành vi thiếu văn hóa, nhưng vẫn hàng ngày diễn ra trên đường phố thủ đô.


Thực trạng trên không chỉ là sự yếu kém về việc thực hiện Luật GTĐB mà là sự suy thoái trong cách ứng xử. TNGT xảy ra hàng năm làm nhiều gia đình mất đi người trụ cột, nhiều người phải mang thương tật suốt đời không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình mà còn gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Chính vì vậy cần xây dựng VHGT để tăng cường thực hiện nếp sống, lối sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật; Đồng thời từng bước hình thành và thực hiện nếp sống và VHGT cho cộng đồng.


Cũng có thể nói rằng ý thức VHGT của người dân bị ảnh hưởng từ nền văn hóa nông nghiệp, nông thôn, đi lại tự do, ít để ý đến luật lệ. Hiện nay người dân ngoại tỉnh lên sinh sống ở Hà Nội khá nhiều nhưng vẫn giữ thói quen đi lại ở quê, chưa thích hợp với đô thị.


Giải pháp nào để xây dựng VHGT


Năm nay, Hà Nội tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp nhằm giảm tối thiểu 10% số vụ tai nạn, người chết, bị thương do TNGT và 20% số vụ ùn tắc giao thông. Ngoài ra, thành phố cũng kiên quyết xử lý nạn đua xe trái phép; triển khai ra quân hiệu quả năm ATGT trên toàn địa bàn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh, sắp xếp lại điểm trông giữ phương tiện...


Hà Nội đã yêu cầu cả hệ thống chính trị, các lực lượng vào cuộc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật cho người dân dưới nhiều hình thức kết hợp với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi như: Điều khiển phương tiện khi uống rượu bia vượt quá nồng độ quy định, vi phạm tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, làn đường, đi vào đường cấm, đỗ dừng không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn...


Nâng cao ý thức người tham gia giao thông là vấn đề quan trọng nhất của việc xây dựng VHGT ở thủ đô. Người tham gia không chỉ nắm và hiểu rõ luật mà còn phải tự thay đổi nhận thức, lối sống. Để có được ý thức tốt khi tham gia giao thông, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, góp ý kịp thời cho người dân để tránh những hành vi không hay khi va chạm.


Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao tinh thần ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng làm công tác quản lý giao thông. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin, tài liệu để người dân nhận thức đầy đủ về VHGT, trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức xử lý ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, va chạm, TNGT cho người dân. Giáo dục, tuyên truyền ATGT, VHGT ở mọi lứa tuổi, cấp học, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Đưa giáo trình giao thông vào giảng dạy thường xuyên.


Trong VHGT người lớn cần làm gương cho trẻ nhỏ, thầy cô làm gương cho học trò. Tạo nhiều diễn đàn xung quanh vấn đề ATGT, lắng nghe và thu nhận tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của thế hệ trẻ sẽ giúp các em dễ tiếp nhận và thay đổi chính hành vi của mình khi tham gia giao thông.


Để xây dựng VHGT cần xây dựng phong cách bao dung, nhường nhịn, chia sẻ khi tham gia giao thông. Thực hành VHGT là thể hiện phong cách lịch sự, văn minh, xóa bỏ thói quen xấu, tùy tiện, từng bước hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Thực tế cho thấy tình trạng từ việc va quệt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới những xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng là một dấu hiệu đáng báo động về VHGT. Qua đó cũng có thể nhận thấy, một trong những điểm cốt lõi trong VHGT chính là hành vi tôn trọng và nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường.


Tuy nhiên, xây dựng VHGT phải nói đến việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, đèn chiếu sáng, biển báo... đạt chuẩn quốc tế, đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường hiện đại. Tổ chức hài hòa mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, nhằm phát huy tối đa nguồn lực giao thông đô thị. Tăng cường hợp tác phối hợp giữa ban ngành liên quan để quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý. Bên cạnh đó, đồng bộ hóa công tác quản lý, điều hành, rà soát lại toàn bộ các văn bản luật pháp, kịp thời bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng một hành lang ATGT, thuận tiện cho người tham gia giao thông.


Lê Sơn

Văn hóa giao thông dưới góc nhìn của CSGT
Văn hóa giao thông dưới góc nhìn của CSGT

Xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) ở Hà Nội không phải chuyện bây giờ mới nói nhưng kết quả đạt được thì thực sự chưa đáng kể. Những lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đường đến mức lực lượng chức năng phạt không xuể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN