Nâng cao y đức và “văn hóa xếp hàng”

ThS Phạm Đức Mục (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã trao đổi với Tin tức xung quanh các giải pháp của Bộ Y tế để giải quyết “vấn nạn” “cò” BV.

 

´Thưa ông, “cò” BV không chỉ có đối tượng là những người ngoài BV mà còn có sự tham gia và tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên y tế. Vậy, ông đánh giá như thế nào về các biện pháp xử lý “cò” hiện nay và Bộ Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo các BV như thế nào?


“Cò” BV chính là sản phẩm của tình trạng quá tải trong một thời gian dài. Đến nay, các BV đã có rất nhiều các biện pháp để hạn chế tình trạng “cò” BV như thay đổi quy trình khám, chữa bệnh; luân chuyển bác sỹ phòng khám, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với công an trên địa bàn… để hạn chế tình trạng “cò” BV. Đã có một số nhân viên y tế bị đình chỉ công tác, nhưng chủ yếu rơi vào đối tượng là bảo vệ, hộ lý. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, để xảy ra tình trạng một số nhân viên y tế tiếp tay cho “cò” BV, trước hết là trách nhiệm của giám đốc các BV. Giám đốc BV cần làm quyết liệt hơn, có chế độ kiểm tra theo dõi sát sao, thưởng phạt nghiêm minh thì chắc chắn sẽ kiểm soát được các nhân viên y tế tiếp tay cho “cò” và biến mình thành “cò” BV.


Để chấn chỉnh hiện tượng “cò” BV, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các BV phải tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục cán bộ viên chức trong giao ban hàng ngày về việc thực hiện y đức. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người dân ý thức biết chờ đợi, biết xếp hàng (văn hóa xếp hàng) theo nguyên tắc người đến trước phải được khám chữa bệnh trước, trừ khi cấp cứu, để từng bước hạn chế vấn nạn “cò” BV.

´Bộ Y tế có đưa công tác chấn chỉnh “cò” BV vào tiêu chí để đánh giá chất lượng các BV hàng năm không, thưa ông?


Sau hội nghị này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ tham mưu để lãnh đạo bộ có văn bản chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các sở y tế phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với chính quyền và công an địa phương trong xử lý “cò” bệnh viện. Mặt khác, trong kiểm tra BV năm 2012, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để đưa ra tiêu chí kiểm tra, giám sát hoạt động “cò” ở các BV để đánh giá chất lượng và xét danh hiệu thi đua đối với các BV...


´Mô hình cấp số cùng với ghi thông tin bệnh nhân là một biện pháp mà BV Nhi TW đang thực hiện để hạn chế “cò”. Theo ông, có nên áp dụng rộng rãi cách làm này?


Hoạt động của “cò” rất tinh vi và phức tạp. Trong đó, có việc xếp hàng lấy số và bán lại sổ khám cho người bệnh để kiếm lời. Việc kiểm soát khâu phát sổ khám kết hợp với ghi tên bệnh nhân vào hệ thống máy tính là một biện pháp hiệu quả, giúp hạn chế “cò”. Tuy nhiên để thực hiện chống “cò” BV phải thực hiện rất nhiều giải pháp khác nhau. Về giải pháp của BV Nhi TW, chúng tôi sẽ phải có buổi khảo sát đánh giá hiệu quả của nó vì trên thực tế mỗi BV có những đặc thù riêng.


Xin cảm ơn ông!

Giải quyết tình trạng “cò” bệnh viện: “Cò” từ trong ra ngoài bệnh viện
Giải quyết tình trạng “cò” bệnh viện: “Cò” từ trong ra ngoài bệnh viện

“Vấn nạn”"cò" bệnh viện đang ngày càng nhức nhối, gây mất an ninh trật tự, tốn kém cho người bệnh và làm người dân giảm lòng tin về y đức của người thầy thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN