Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, nhiều tuyến sông, kênh đã “biến dạng” do việc xâm lấn hành lang bảo vệ, lấp rạch làm dự án và nạn xả rác tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.
Lấn sông, lấp rạch
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 39 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm, phát sinh thêm 2 vị trí. Đến nay, thành phố đã xử lý 6 vị trí, còn lại 35 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm.
Riêng tại Quận 7, có tới 10 trường hợp lấn chiếm tại rạch Bà Bướm, rạch Sông Tân, rạch Tam Đệ, rạch Cây Me, Rạch Bần Đồn, rạch Ông Đội làm thu hẹp lòng rạch, hạn chế khả năng thoát nước. Còn tại Quận 12, việc đầu tư xây dựng Khu Dân cư An Sương đã lấp rạch để đặt cống D600.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố, trên toàn tuyến sông Sài Gòn có khoảng 83 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp với thương mại, dịch vụ, khu công viên kết hợp khu vui chơi giải trí với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454 ha.
Các dự án đầu tư không được giao đất thuộc phạm vi hành lang an toàn bờ sông nên không ai quản lý, đầu tư trong khi pháp lý chưa có, thiếu nguồn lực, dẫn tới thực hiện manh mún, bị lấn chiếm trái phép. Tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (công trình phụ trong các công trình nhà ở tư nhân), xây dựng bến neo đậu ca-nô, kinh doanh nhà hàng, quán cafe… còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, do sự phát triển của thành phố nóng và chưa đồng bộ, cộng với việc xem nhẹ, buông lỏng quản lý, các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố đã bị lấn chiếm, hình thành các khu nhà trên các sông, kênh, rạch và các khu dân cư xây dựng mới được cấp phép ở sát bờ sông, rạch thoát nước.
Cùng với việc lấn sông là tình trạng xả rác tràn lan nhiều kênh thoát nước bị vô hiệu chức năng. Đơn cử, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước gồm kênh A41, kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản. Tuy nhiên, phần vì tiến độ dự án cải tạo kênh diễn ra chậm chạp, phần vì kênh ngập rác, các miệng cống bị bịt, dòng chảy trở nên chật hẹp đã dẫn tới ngập cục bộ khu vực vực sân bay.
Thực tế cho thấy, kênh A41 đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình) rác thải chất đầy, nhiều đoạn mặt kênh bị bồi lấp nặng nề, một số ống thoát nước bị tắc nghẽn. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8m và 6m, sâu 3,5m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5m.
Tương tự, chỉ trong một ngày ra quân dọn dẹp trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát, đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp, lực lượng chức năng đã xử lý sơ bộ hơn 1.000 tấn rác.
Trước thách thức tưởng dễ mà khó xử lý này, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã phải ban hành Chỉ thị 19/CT-TU thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Tuy đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận nhưng rõ ràng việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường, kênh rạch không phải cứ nói là làm được trong “một sớm một chiều”.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật nhìn nhận, việc lấn chiếm kênh, rạch tồn tại từ rất lâu. Hệ thống kênh, rạch có vị trí xung yếu thoát nước cho cả khu vực nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy thu hẹp nghiêm trọng. Nhiều vị trí đã được hợp pháp hóa giấy tờ, trách nhiệm giải tỏa thuộc UBND các quận, huyện nhưng tiến độ rất chậm.
Địa phương chịu trách nhiệm quản lý đất đai, kênh, rạch và có trách nhiệm cưỡng chế để hoàn trả lại mặt bằng đã lấn chiếm. Những trường hợp do lịch sử để lại, có những vị trí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì địa phương phải tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để khôi phục lại hiện trạng. Còn các dự án khu dân cư, khu đô thị đã có quy định việc san lấp kênh, rạch phải thay thế bằng cống hộp có tiết diện bằng hoặc lớn hơn kênh, rạch bị san lấp.
Để xứ lý vấn để rả rác ra kênh rạch, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành cho biết, Sở Xây dựng đang phối hợp với UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố, đôn đốc yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh việc thực hiện dự án đang thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, thanh thải các chướng ngại vật chặn dòng ảnh hưởng gây ngập tại các tuyến đường.
Đối với việc giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vũ Văn Điệp cho hay, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị đang có dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực đường Phan Huy Ích, cũng như kênh Hy Vọng. Nếu trả lại nguyên trạng kênh này như ban đầu thiết kế sẽ không còn ngập nặng như những trận mưa vừa qua.
Bao giờ có hồ điều tiết?
Trong quy hoạch thoát nước mưa (Quy hoạch 752) của Thủ tướng Chính phủ xác định nội dung quan trọng là xây dựng 104 hồ điều tiết. Các hồ được xây dựng dưới 3 dạng là hồ hở kết hợp cảnh quan, hồ ngầm theo công nghệ mới và dạng bể chứa nước mưa.
Tuy nhiên, đến nay, ngoài hồ điều tiết ngầm thí điểm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), các hồ điều tiết tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang nằm… trên giấy. Nguyên nhân là diện tích làm hồ điều tiết lớn, chưa xác định được vị trí cụ thể phù hợp, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế, nhiều tuyến đường xung quanh khu vực quy hoạch hồ điều tiết vẫn chưa thể hết ngập mỗi khi mưa lớn, kéo dài.
Vừa qua, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đề xuất hơn 475 tỷ đồng làm 7 hồ điều tiết tại Công viên Hoàng Văn Thụ, vòng xoay Lê Văn Sỹ - Nguyễn Trọng Tuyển quận Tân Bình, Công viên Làng Hoa quận Gò Vấp, Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh quận 10, sân bóng đá Trường Đại học Bách khoa, tại dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận và khuôn viên Cây xanh đối diện Công An phường 25, quận Bình Thạnh.
Trong khi đó, hồ điều tiết lớn như Khánh Hội (quận 4, quy mô 4,8ha), Bàu Cát (quận Tân Bình 0,4ha), Gò Dưa (quận Thủ Đức 14,3ha) với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa thể tiến hành do vướng thủ tục đầu tư, huy động nguồn vốn và tìm quỹ đất.
Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), để chống ngập cho thành phố, ngoài các giải pháp cứng (xây dựng hệ thống cống thoát nước) thì phải kết hợp giải pháp mềm; trong đó, có việc xây dựng các hồ điều tiết với nhiệm vụ giữ lại một lượng nước khi mưa quá lớn.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Minh Hòa cho rằng, để giải quyết ngập lụt thành phố có thể tiến hành đồng thời hai giải pháp là khơi thông lại hệ thống kênh rạch như kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Miếu Nổi, Bùng Binh... và xây dựng hồ điều tiết lớn ở nơi trũng nhất của thành phố, sau đó chuyển ra sông bằng hệ thống kênh ngầm.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, các dự án xây hồ điều tiết trước đây chỉ là dự kiến và sẽ được đưa vào quy hoạch điều chỉnh về thoát nước và thủy lợi mà thành phố đang triển khai. Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng các hồ điều tiết bằng các hình thức từ ngân sách hoặc đối tác công tư (PPP).
Bài cuối: Giải bài toán quy hoạch