Năm Nhâm Thìn theo khoa học cổ phương Đông

Năm 2011 đã qua, hầu như mọi người chỉ nghĩ là một năm cũ đã qua và một năm mới sẽ tới. Thế kỷ 21 lại có thêm một năm nữa đi vào lịch sử và cũng có thêm một năm mới bắt đầu kế tiếp, đó là năm 2012.

Nhưng với cách nhìn của Khoa học cổ Phương Đông thì khác, khi nói rằng năm Tân Mão qua đi thì năm Nhâm Thìn sẽ đến, tức là nói con Mèo của năm cũ ra đi, con Rồng của năm mới bay đến thay thế và làm chủ trong suốt cả năm mới đó. Vậy năm mới đến sẽ có những gì nổi bật cần suy ngẫm?

Trước tiên nói về hai chữ Nhâm Thìn, người xưa luận rằng “Nhâm biến vi vương”, có nghĩa là Nhâm thì thành vua, còn Thìn là con Rồng, tức năm Nhâm Thìn có tượng là con Rồng làm vua. Nhưng năm Nhâm Thìn có Ngũ hành thuộc Thủy, Ngũ hành chi tiết gọi là Trường lưu Thủy, nên ta có thể diễn giải về Trường lưu Thủy như sau:

Trường lưu Thủy là dòng nước chảy liên tục, chuyển động không ngừng theo năm tháng mà không bao giờ biết nghỉ. Dòng nước này vượt qua hàng trăm ghềnh thác của núi rừng, đi qua hàng vạn dặm đường trên các vùng đồng bằng châu thổ, khi thì gầm réo vang rền, ầm ầm như bão tố, khi thì nhẹ nhàng êm dịu như hát ru vạn vật. Loại Thủy này luôn chảy quanh co, uốn lượn theo dòng cố định, để tạo nên hai bên bờ dòng chảy những miền đất đai phì nhiêu màu mỡ, làm cho Bình địa Mộc (các loại cây sống ở vùng đồng bằng) luôn xanh tốt, phục vụ cho đời sống của con người và vạn vật.

Loại Thủy này cần có Đại địch Thổ (đất khu lớn) rắn chắc để cho Thủy tạo được hình dáng uốn lượn và có thêm uy phong, vì dòng chảy quanh co liên tục của Thủy sẽ làm nên những vùng đất có Phong Thủy đẹp, gọi là vùng đất có “thế bao vòng đắc địa”. Thủy này cũng rất cần có các loại Kim hỗ trợ, sàng lọc, để cho Thủy càng thêm tinh khiết.

Trong 64 Trùng Quái Dịch học thì năm Nhâm Thìn ứng với Trùng quái “Thủy Phong Tỉnh”, có tượng Thủy (là nước) ở trên, và Mộc (là gỗ) ở dưới, đó là tượng của một cái giếng nước và một cái gầu gỗ dùng để múc nước.

Nước giếng là của thiên nhiên, còn cái gầu là do con người làm ra để múc nước. Con người dùng nước giếng để cung cấp cho đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Giếng và gầu không phân biệt người sang hay hèn, người lành hay dữ, người nào lấy nước giếng cũng được, giếng đều phục vụ tận tình. Cho nên Trùng quái Dịch “Thủy Phong Tỉnh” có nghĩa về sự chuyên phục vụ, cống hiến hết mình, làm ơn cho tất cả mọi người.

Nước giếng vơi rồi lại đầy, dòng nước mát phục vụ con người và vạn vật không bao giờ hết, chỉ có gầu là cần thay đổi. Như vậy có thể thấy rằng cái Đức của giếng là phục vụ, một sự phục vụ vô tư, vô tận. Người quân tử nên học cái Đức này của giếng để tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.

Nhưng muốn lấy nước phải có dây buộc vào gầu, nếu buộc gầu không cẩn thận sẽ làm rơi gầu hay làm vỡ gầu, thì không những không lấy được nước trong giếng, mà còn làm mất đi niềm mong đợi, hy vọng của bao con người cùng vạn vật đang chờ nước. Điều này được ví như những người chưa được học tập đầy đủ mà đã thực hành công việc, hiệu quả công việc sẽ không cao, nên rất khó có thể thành công trong sự nghiệp.

Năm Nhâm Thìn là năm có tượng về con Rồng đang phun mưa, tưới nước ngọt cho muôn vật trên mặt đất, tính chất này rất hợp với đặc điểm và công việc của Rồng, cho nên nếu người nào sinh vào năm Thìn đều được gọi là người tuổi Rồng, và người đó mang hành Thủy.

Nghe tên Rồng, nhìn hình dáng của con Rồng, suy nghĩ về con Rồng trong thần thoại đã khiến cho tư tưởng của người tuổi Rồng bay bổng, như đang vẫy vùng trong không gian vô tận, mặc sức mà tưởng tượng ra mọi công việc, tạo ra mọi phương pháp để tung hoành. Minh chứng cho điều này là người tuổi Rồng có phẩm cách riêng, có những ý tưởng riêng mà người tuổi khác khó có thể nắm bắt được.

Người tuổi Rồng luôn khoan dung, đại lượng, có sức khỏe dồi dào, coi cuộc sống là một ngọn lửa rực rỡ sắc màu, luôn luôn sôi động. Tiềm năng của người tuổi Rồng rất lớn, khát vọng thì cuồng nhiệt, cháy bỏng như dòng lửa phun ra từ miệng của con Rồng trong cổ tích.

Người tuổi Rồng rất hiếu thuận, luôn quyết đoán trong mọi công việc, nhưng không xảo quyệt, luôn vô tư, khảng khái giúp đỡ mọi người.

Nhưng tính cách của Rồng cũng có những điểm cần lưu ý, Rồng luôn luôn coi mình là trung tâm của Vũ trụ, lúc nhỏ Rồng hay hiếu động, lớn lên thích gánh vác những nhiệm vụ quan trọng, vì sẵn có tiềm năng nên Rồng hay khua chiêng gióng trống, rầm rộ hành sự. Về điểm này nếu làm thái quá sẽ tổn hại đến công năng của chính bản thân Rồng.

Mặt khác người tuổi Rồng vì có công năng nên dễ tự cao tự đại, say mê quyền lực. Nhưng trong suy nghĩ lại rất cẩn thận, có tính toán trong mọi việc, nhất là trong làm ăn kinh tế. Cho nên, nếu cạnh tranh với người tuổi Rồng thường là khó khăn, và hầu như không thể.

Người tuổi Rồng không thích vòng vo, khi đã quyết thì đó là sắc lệnh của vua, đầy uy quyền và năng lực chứa ẩn trong đó. Cách nói của người tuổi Rồng vừa văn minh, vừa thân tình, nhưng thực ra là những lời nói trói buộc, dứt khoát, mà khi đó đối phương chỉ có thể hoặc là giải quyết bằng vũ lực, hoặc là phải tự rút lui.

Người tuổi Rồng luôn có duyên và thu được nhiều thành công hơn là thất bại, thường thẳng thắn trình bày các quan điểm của mình, dám nói dám làm, quyết tâm đến mức có thể tự mình đơn thương độc mã, làm đi làm lại cho đến khi thành công mà không cam chịu thất bại.

Là người có năng lực, suốt đời lao động không ngừng nghỉ, có tài và có lộc, nhưng tài lộc nhiều khi cũng bị thất thường, lúc lên lúc xuống, về già mới được ổn định. Nhưng người tuổi Rồng luôn tự hào vì có nhiều công sức đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc.

Nữ giới mang tuổi Rồng là quý nhân phù trợ cho các tuổi khác, là người thích tham gia về chính trị, muốn nam nữ luôn được bình đẳng, bình quyền. Là người nghiêm túc trong mọi lĩnh vực, trong ăn mặc sinh hoạt thường thích đẹp, nhưng không cầu kỳ, thích đơn giản và tiện lợi, thích mộc mạc mà không cần những thứ trang sức hoa mỹ.

Nữ tuổi Rồng có lòng tự trọng rất cao, không muốn người khác nhìn mình như một vị thánh nhân mà chỉ cần sự tôn trọng của họ. Đặc biệt nữ tuổi Rồng không bao giờ phụ lòng mong mỏi của mọi người.

Về Khí hậu năm Nhâm Thìn là năm có Chủ khí là Thái dương hàn Thủy Tư thiên, Thái âm thấp Thổ Tại tuyền. Sáu thời kỳ của Chủ khí (người chủ) sẽ làm chủ trong năm theo thứ tự từ đầu năm đến cuối năm là: Quyết âm phong Mộc (mùa Xuân), Thiếu âm quân Hỏa (cuối Xuân đầu Hạ), Thiếu dương tướng Hỏa (mùa Hạ), Thái âm thấp Thổ (cuối Hạ đầu Thu), Dương minh táo Kim (mùa Thu), Thái dương hàn Thủy (mùa Đông).

Nhưng sáu thời kỳ Chủ khí này sẽ tương đương với sáu thời kỳ Khách khí (người khách) của năm Nhâm Thìn, cũng theo thứ tự là: Thái âm thấp Thổ, Dương minh táo Kim, Thái dương hàn Thủy, Quyết âm phong Mộc, Thiếu âm quân Hỏa và Thiếu dương tướng Hỏa.

Như vậy về khí hậu năm Nhâm Thìn sẽ có sự thay đổi thất thường, mùa Xuân vẫn có khí thấp Thổ (ngày trời ẩm ướt), đầu mùa Hạ đã xuất hiện khí táo Kim (ngày trời khô hanh). Giữa mùa Hạ vẫn còn khí hàn Thủy (ngày trời mát mẻ, lạnh giá), sang đầu mùa Thu lại trở nên có nhiều gió, và về mùa Đông vẫn có những ngày nắng nóng như mùa Hạ.

Vì Chủ khí là khí hậu chủ đạo trong các mùa, còn Khách khí chỉ là những đợt khí đến bất chợt rồi lại đi ngay, chính việc Khách khí đến và đi bất ngờ này đã tạo nên sự thất thường của thời tiết. Nửa năm đầu thời tiết diễn ra không được thuận lợi, nửa năm sau tuy có thuận hơn, nhưng vẫn có những sự thay đổi bất thường về nắng, mưa, bão, lũ, trong từng khu vực.

Như vào giữa mùa Hạ, Chủ khí là Thiếu dương tướng Hỏa (tiết trời nóng nực) thì Khách khí lại là Thái dương hàn Thủy (ngày trời giá rét), tức là về mùa Hạ mà vẫn có những ngày giá rét, tuy nhiệt độ không bằng mùa Đông, nhưng cũng là những biểu hiện về sự khắc nghiệt của thời tiết. Hay như vào mùa Đông, Chủ khí là Thái dương hàn Thủy (tiết trời lạnh giá) thì Khách khí lại là Thiếu dương tướng Hỏa (ngày trời nóng bức), tức là thời tiết đã sang mùa Đông mà vẫn còn có những ngày nắng nóng.

Sau cùng ta thấy: trong bản đồ Cửu tinh của năm Nhâm Thìn có sao Lục bạch Kim bay vào cung Trung tâm làm chủ trong một năm, sao Lục bạch Kim là sao tốt, nên sẽ có tài lộc tụ về. Tại cung Trung tâm còn có sao chủ Vận (sao làm chủ trong hai mươi năm) là Bát bạch Thổ tinh, cũng là sao tốt, khí Bát bạch Thổ sinh cho khí Lục Bạch Kim, làm cho khí Kim càng thêm vượng, nên ở cung này còn có sự may mắn trong việc thu nạp tài lộc.

Năm Nhâm Thìn có sao Ngũ hoàng sát bay vào phương Đông Nam, nên phương Đông Nam trong năm Nhâm Thìn là phương có nhiều sát khí, do đó mà ít gặp thuận lợi. Ngoài ra, các phương có sao tốt của năm Nhâm Thìn là phương Tây (Bát bạch Thổ) và phương Đông Bắc (Cửu tử Hỏa), còn ở các phương khác thì khí của các sao chỉ được ở mức trung bình.

Đặc biệt hai phương Bắc và phương Nam năm Nhâm Thìn sẽ có những thay đổi bất thường, gây ảnh hưởng đến con người và vạn vật, nên rất cần có các phương án phòng chống, cảnh bị ở hai phương này.

Hoa Đào, hoa Mai bắt đầu nở, báo hiệu mùa Xuân về, con người cũng như vạn vật lại bước vào một năm mới, tiến đến những niềm tin yêu mới. Trước cảnh sắc muôn màu của mùa Xuân, cảm nhận về một năm mới đến với niềm mong ước ở tương lai sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp, vững bền hơn.


Hà Nội ngày 11 tháng 11 năm 2011

Khương Văn Thìn - Nhà nghiên cứu Dịch học và Phong thủy học

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN