Mùa tuyển sinh 2011: Mất cân bằng trong việc lựa chọn ngành học

Cứ đến mùa tuyển sinh, chuyện “đầu ra, đầu vào” luôn là nỗi trăn trở của học sinh, phụ huynh và những người làm quản lý giáo dục. Mùa tuyển sinh năm nay, lãnh đạo không ít trường đại học kêu rằng, chỉ tiêu còn nhiều nhưng không tuyển được thí sinh. Sự mất cân bằng trong lựa chọn ngành học đang thể hiện rõ nét.

Đây là thời điểm nước rút với thí sinh cả nước. Vì hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo tuyến Sở Giáo dục - Đào tạo (GD – ĐT) đã kết thúc và đến ngày 21/4 sẽ kết thúc nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có tổ chức thi. Theo thống kê ban đầu tại nhiều điểm nộp hồ sơ và các sở GD – ĐT, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay tiếp tục giảm so với năm ngoái và khối A vẫn áp đảo các khối thi khác. Vậy đây có phải là sự lựa chọn khôn ngoan của thí sinh không?

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Khối A "đắt hàng", khối C vẫn "ế"

Theo thống kê của Sở GD – ĐT Hà Nội, mùa tuyển sinh năm 2010, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối A chiếm tỷ lệ cao nhất với 55,4%, tiếp đến là khối D: 21,5%, khối B: 13,4%, khối C: 5,2%, số còn lại là của các khối thi khác. Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ, CNTT có xu hướng tăng hơn. Trường ĐH Thương mại có số lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nhất với 10.175 hồ sơ, Viện ĐH Mở: 9.636 hồ sơ, ĐH Công nghiệp: 9.319 hồ sơ… Thời điểm này, tuy Sở GD – ĐT vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo ghi nhận của PV Tin Tức, tại nhiều điểm nhận hồ sơ của Sở thì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay tiếp tục giảm đáng kể và khối A, nhóm ngành kinh tế vẫn ở vị trí đầu bảng, trong khi khối C vẫn bị thí sinh chê. Học sinh có lực học giỏi lựa chọn thi vào các trường "tốp trên" như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng. Học sinh có lực học trung bình - khá thì thi vào ngành kinh tế thuộc các trường tốp giữa như Viện ĐH Mở, Đại học Công đoàn, Đại học Thương mại, hoặc các trường đại học đa ngành.

Các ngành khoa học xã hội ngày càng đìu hiu. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trường nhận được hơn 2.200 hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ, thì có tới hơn 1.100 hồ sơ ĐKDT khối A nhưng chỉ có 3 hồ sơ ĐKDT khối C! Theo khảo sát tại nhiều trường THPT, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng vào học ban Khoa học xã hội nhân văn rất ít, khi phân ban, nhiều trường THPT tuyển không đủ một lớp, thậm chí nhiều trường THPT không có ban C. Học sinh hiện nay chỉ tập trung vào các môn tự nhiên vì có nhiều trường, nhiều ngành để dự thi và cơ hội việc làm cao hơn. Điều này dẫn đến thực tế, điểm chuẩn khối C chỉ dao động 14 điểm trở lên mà nhiều ngành vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển đến NV2, NV3. Đơn cử như trường ĐH Sư phạm Hà Nội II, năm 2010, ngành học Thư viện - Thông tin, Việt Nam học điểm chuẩn chỉ có 15 nhưng đã phải xét tới cả NV3 mới đủ chỉ tiêu tuyển sinh…

Đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, năm nào khối C cũng có tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu và buộc các trường phải chuyển sinh viên sang ngành học khác hoặc gửi qua các trường khác có đào tạo cùng ngành. Do vậy, nhiều trường đại học chỉ mở 2 - 3 ngành thuộc khối C.

Hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng tại trường THPT Gia Định (TP.HCM). Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Theo ghi nhận tại những điểm thu hồ sơ tại Hà Nội cũng như thống kê từ các tỉnh, năm nay trung bình mỗi thí sinh nộp 2 bộ hồ sơ. Điều này cũng cho thấy thí sinh đã có những cân nhắc. Tuy nhiên, sự chênh lệch đăng ký dự thi vào các khối thi, ngành học ngày càng có khoảng cách xa.

Thí sinh thờ ơ với ưu đãi

Có một thực tế là không ít lĩnh vực liên tục thiếu lao động, trong khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào những ngành liên quan đến lĩnh vực này lại liên tục giảm trong những năm qua, chẳng hạn với ngành nông – lâm – ngư. Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD - ĐT cho biết: “Các ngành học thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững đất nước, đặc biệt trong điều kiện thế giới có nguy cơ khan hiếm lương thực, thực phẩm, thì sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cần được xem là một lợi thế”.

“Những ngành học truyền thống luôn gắn với các ngành kinh tế lớn, phát triển đa dạng cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, trong khi thị trường việc làm lại luôn có nhu cầu và ít bị cạnh tranh hơn. Vì vậy, việc đăng ký vào học các ngành truyền thống là chắc chắn. Mặt khác, đây luôn là những ngành đào tạo có thế mạnh về năng lực, kinh nghiệm, truyền thống đào tạo”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Lý, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh than thở: “Mức cầu lao động ngành chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm… rất lớn nhưng các em thí sinh thì lại thờ ơ”.

Cơ hội “đầu ra” khả quan như vậy nhưng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành này ngày càng ít ỏi, khiến không ít trường vất vả.

Ông Phùng Quốc Việt, Phó hiệu trưởng ĐH Hùng Vương, Phú Thọ bày tỏ: “Năm nào trường cũng xin Bộ được miễn, giảm học phí cho các thí sinh theo học những ngành này nhưng vẫn không thu hút được thí sinh”.

Tại những hội thảo quốc gia về việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cho thấy, những ngành như: Nông, lâm, thủy sản, bảo hiểm, cơ khí… là những ngành nghề khát nhân lực. Cũng theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trong những năm tới, những ngành dịch vụ sẽ phát triển nhanh chóng. Những ngành như: Điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… sẽ tiếp tục phát triển.

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, thí sinh khi lựa chọn ngành học hôm nay phải nghĩ đến việc làm trong tương lai. Vì tính đến khả năng của thị trường lao động vào thời điểm 4 – 5 năm sau, khi ra trường.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GD – ĐT:
Tăng cường tư vấn hướng nghiệp
Thí sinh chọn các ngành kinh tế do sau khi ra trường, các em dễ tìm được việc với thu nhập cao, trong khi đó khối ngành xã hội rất khó xin việc hoặc thu nhập rất thấp. Đây là tình trạng không chỉ của Việt Nam mà là của nhiều nước trên thế giới nên phải có các biện pháp thu hút nhân lực vào các ngành xã hội.
Thực tế, đây là vấn đề cần có sự quan tâm của các bộ, ngành khác chứ Bộ GD – ĐT không thể tạo việc làm được sau khi sinh viên ra trường. Yêu cầu tăng cường tư vấn hướng nghiệp ngay từ lúc học sinh còn học bậc phổ thông là sự khởi đầu có ý nghĩa. Việc này cũng rất cần sự chung tay của các ngành. Đồng thời giữa các trường đại học và doanh nghiệp nên có sự gắn kết.

Ông Phan Mạnh Tiến, Vụ Phó Vụ Giáo dục ĐH và sau ĐH:
Không cho những trường mới thành lập mở ngành kinh tế
Bộ GD - ĐT có chủ trương không cho những trường ĐH mới thành lập mở ngành kinh tế. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, cũng chỉ hạn chế được phần nào thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế. Nếu để cho các trường mới thành lập mở thêm ngành kinh tế thì số lượng thí sinh tiếp tục đăng ký vào ngành kinh tế ngày càng nhiều.


Lê Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN