Ông Phạm Văn Nhuận, Trưởng ban Hành giáo giáo họ Yên Cư vui mừng cho biết: Họ đạo Yên Cư có trên 1.200 giáo dân với hơn 300 hộ chung sống ở 5 xóm. Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nên họ đạo Yên Cư được sinh hoạt tôn giáo thuận lợi. Bà con giáo dân được vay vốn phát triển sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật được huyện thường xuyên quan tâm... Nhờ vậy, số hộ giáo dân nghèo hàng năm đều giảm 3,5%, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ 90% trở lên, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm đều giảm...
Để có được kết quả này, họ đạo Yên Cư đã tích cực vận động các gia đình giáo dân sống theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo", "kính Chúa, yêu nước", thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bà con giáo dân luôn tự hào rằng trong giáo họ chưa bao giờ có tình trạng không chấp hành nghĩa vụ quân sự, nợ đọng hoặc dây dưa trốn thuế nhà nước. Mọi đợt huy động sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như làm đường, kênh mương... đều được tất cả các gia đình nghiêm chỉnh thực hiện và tham gia nhiệt tình. Trong các buổi hội họp, sinh hoạt của các hội đoàn, giáo dân đều được kết hợp tuyên truyền về phát triển kinh tế gia đình, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội... Cứ nhà nọ nhìn gương nhà kia cùng thi đua phấn đấu.
Đông đảo người dân đến chụp ảnh tại Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) - nơi được trang hoàng rực rỡ để đón Giáng sinh 2010. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Ở họ đạo Yên Cư, nghề trồng hoa hình thành được hơn chục năm nay. Nhiều gia đình đã biết làm kinh tế bằng nghề trồng hoa, không tốn đất sản xuất mà lại cho thu nhập cao gấp chục lần so với trồng lúa. Theo tính toán của bà con, những diện tích trồng hoa thường cho thu nhập từ 60 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ngoài ra, trong họ đạo còn có nhiều gia đình như chị Nguyễn Thị Thúy, anh Nguyễn Xuân Mười phát triển chăn nuôi theo qui mô lớn, có từ 50 đến 100 con lợn nái ngoại, mỗi năm có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên...
Đặc biệt, họ đạo Yên Cư nay không còn nhiều thủ tục rườm rà trong việc tổ chức tang lễ như trước, đám cưới không hút thuốc lá, không còn tình trạng tảo hôn, không có người sinh con thứ ba...
... Đến giáo xứ Đại Lãm
Ở giáo xứ Đại Lãm, xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang), bà con giáo dân cũng đang náo nức đón chờ đêm lễ Noel và Tết Dương lịch 2011. Ngôi nhà thờ lớn của giáo xứ được trang hoàng bằng các băng rôn khẩu hiệu, đèn trang trí, cây thông Noel rực rỡ sắc màu.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng thôn Đại Lãm, quản giáo họ Đại Lãm, Ban hành giáo giáo xứ Đại Lãm cho biết: Thôn Đại Lãm có gần 400 hộ dân sinh sống thì có 95% là đồng bào công giáo. Họ giáo ở đây chủ yếu làm nghề nông và một số gia đình kết hợp kinh doanh buôn bán. Thông thường một năm bà con giáo dân Đại Lãm trồng 3 vụ dưa hấu, cây màu và 1 vụ lúa mùa. Theo tính toán của ông Huấn, trồng cây dưa hấu đã mang lại thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài trồng dưa hấu, giáo dân Đại Lãm còn trồng thêm hành, tỏi, ớt và các loại cây dược liệu cũng mang lại nguồn thu khá (trung bình khoảng 12 – 16 triệu đồng/sào).
Hiện nay, toàn thôn có khoảng 200 hộ gia đình có con em đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia. Hàng năm, số lao động đi xuất khẩu gửi về hàng chục tỷ đồng cho các gia đình. Nhờ vậy, cùng với sản xuất nông nghiệp tại chỗ, đồng bào công giáo Đại Lãm đã có cuộc sống ngày càng khá giả. Đến nay, đã có trên 70% số hộ gia đình ở Đại Lãm có mức sống khá và giàu (thu nhập hàng năm đạt từ 60 triệu đến 200 triệu đồng trở lên).
Hàng năm ở Đại Lãm còn có hàng chục con em người công giáo thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. 100% đường trong thôn được cứng hóa, trải thảm bê tông. Tất cả các hộ dân đều có điện sử dụng. Họ giáo không có người nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội.
Thu Hằng - Việt Hùng