Mùa cưới, mùa lo

Quan niệm “trăm năm chỉ có một lần”, nên cô dâu chú rể thường “thoáng tay” trong các khoản dịch vụ cho ngày tân hôn, miễn sao vui, hạnh phúc. Dĩ nhiên, phải tính toán từng khoản thật chi li để ngày vui thêm vui mà không lãng phí, quan trọng hơn là không bị… “móm”. Cô dâu lo rạc cả người, còn chú rể thì gầy tóp má. Còn đối với thực khách dự tiệc cũng không kém phần trăn trở. Vì họ phải “chạy sô” đi ăn “cơm bụi giá cao”, phải móc “hầu bao” méo cả mặt. Chỉ lãi nhất là các cửa hàng dịch vụ cho thuê đồ cưới, đông khách.


Mất ăn, mất ngủ


Trên chiếc xe máy cà tàng, Chè chở Ngọc khắp thành phố Vũng Tàu để chọn đồ cưới. Bụi đường và nắng nóng cũng không làm cho họ nản lòng. Trò chuyện với tôi, Ngọc cho biết: “Em đi 8 cửa hàng rồi mà tiệm nào cũng nói giá quá cao. Một chiếc váy cưới xê-rê trắng họ hét 1,2 triệu đồng; bộ áo vét của chú rể 400.000 đồng, hoa cưới 600.000 đồng. Mượn cho ông bà già từ quê vào hai bộ hết 840.000 đồng, nguyên trang điểm mặt hết 560.000 đồng... Chỉ các khoản dịch vụ này đã ngốn gần 5 triệu đồng, bằng gần 2 tháng lương của em, ấy là chưa kể thuê xe hoa, xe ca chở khách”.

 

Ký khăn hồng mừng hạnh phúc cho bạn.


Ngọc là công nhân giầy da quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa) còn Chè ở Hà Tây (cũ). Với đồng lương chưa đầy 4 triệu đồng/tháng, trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, cả năm nay chắt bóp, cô tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng. “Với số tiền này, dù ít nhưng cũng đủ cho một khoản, đỡ lo. Chúng em quyết định đặt tiệc ở nhà hàng ĐX. Giá rẻ nhất là 1.800.000 đồng/bàn, chưa kể bia, thuốc lá. Tiền đá và phục vụ 50.000 đồng/bàn. Nhà hàng chỉ khuyến mãi MC và nhạc sống, còn tất cả mình phải lo hết.


Trăm năm mới có một ngày, biết là vui và hạnh phúc nhưng cũng rất lo sau ngày cưới phải “kéo cày trả nợ” rồi lấy gì mà ăn, mà ở” - Chè tâm sự. Sao hai em không tổ chức đơn giản gọn nhẹ, bánh kẹo mời bạn bè theo nếp sống mới? “Không được anh ơi. Bây giờ ở thành phố Vũng Tàu chẳng đâu tổ chức kiểu ấy. Bánh kẹo cũng phải đi nhà hàng, có khi tốn kém hơn. Mà tổ chức ở nhà lấy chỗ nào bày biện. Hơn nữa khách đến dự tiệc cưới, họ cũng muốn gặp gỡ, giao lưu chúc mừng cô dâu chú rể. Thôi thì mình cứ làm cho bằng bạn bằng bè, lỗ lãi không tính ở đây”.


Hôm Ngọc và Chè đi mua giường cưới, chăn, ga, đệm đã ngốn gần chục triệu đồng. “Chúng em mới có 3 triệu thôi, còn lại “cắm” thẻ công nhân và bằng lái xe của anh ấy. Ngày cưới đến nơi rồi mà mời mọc chưa xong, tiền thì cạn kiệt, vợ chồng em lo quá, chẳng ngủ được”, Ngọc tâm sự.


Nỗi khổ của thực khách


Nếu cái “sướng” của cô dâu chú rể là hạnh phúc tràn đầy, bạn bè đông vui trong ngày cưới, thì cái khổ của người dự tiệc là phải “móc hầu bao” ăn “cơm bụi giá cao”. Họ phải chạy sô tuần dăm ba tiệc cưới. Mỗi lần “chạy sô” như thế, họ phải móc túi từ 300.000 - 500.000 đồng, tùy theo “chạy sô” ở nhà hàng hay khách sạn mà bỏ phong bì cho phù hợp. Và với đồng lương trên dưới ba triệu đồng như công nhân giầy da, 5 triệu đồng nếu là công chức nhà nước, bộ đội, giáo viên, mà đi 5 đám cưới/tháng coi như tháng đó “ngậm bồ hòn khen ngọt”.

 

Các bữa tiệc cưới luôn phải hoành tráng để “bằng bạn bằng bè”.


Anh Nguyễn Văn Đức là bộ đội cho biết: “Có ngày, nhà tôi đi 3 đám cưới. Tôi chỉ “chạy sô” được hai đám còn lại giao cho bà xã. Mà đám cưới bây giờ bèo lắm cũng phải mừng 300.000 đồng đối với nhà hàng bình dân. Còn đối với khách sạn Sammy, nhà hàng Maxim phải bỏ phong bì ít nhất 500.000 đồng, vì họ đặt đã ít nhất 2 triệu đồng/mâm. Nếu mình đi 200.000 đồng coi như ăn không, cô dâu chú rể lỗ to. Chỉ cần một tháng có 3 tiệc cưới coi như tháng đó cả nhà chỉ đủ tiền ăn cơm với rau muống”. Cô giáo Yến Trang, trường Cao đẳng cộng đồng sau khi đi dự một tiệc cưới ở khách sạn về bụng đói meo than thở: “Từ đầu mùa cưới đến giờ, em đã đi dự 18 đám cưới.


Đi cưới mà chạy sô như ca sĩ. Có chủ nhật, em đi dự 2 tiệc cưới cùng một nhà hàng, mừng thiệp đám bên này, ăn ở đám bên kia. Sinh viên chúng em nói vui đó là “ăn cơm bụi giá cao”. Bạn bè không đi không được, cùng cơ quan không đi khó coi lắm, mà có thân thiết gì đâu. Họ đâu có biết bọn em chạy tiền đi đám cưới như chạy gạo từng bữa”. Bác Lê Thế Anh, Bí thư chi bộ khu phố 4 ở phường 11 than thở: “Rách việc lắm, không đám cưới nào của con em cán bộ phường mà nó “quên” mình. Mình có biết chúng là ai đâu. Không đi thì gặp bố mẹ chúng khó coi, mà đi thì mất bữa. Anh tính lương cán bộ về hưu như tôi thì có đáng là bao, vậy mà tuần này tôi có 4 đám cưới và một đám giỗ mãi tận Hắc Dịnh (huyện Tân Thành). Tiền đâu mà đi đám bây giờ!”.


Dịch vụ được mùa


Theo chị Nga là người chuyên trang điểm, cho thuê váy cưới ở cửa hàng dịch vụ cưới trọn gói nhà hàng ĐX, thành phố Vũng Tàu thì chi phí trọn gói cho một tiệc cưới, cô dâu chú rể phải bỏ ra 12 đến 15 triệu đồng. Chỉ riêng váy và hoa cưới giá bình dân nhất từ 800.000 - 1.200.000 đồng. Một tấm hình cô dâu chú rể treo trước cổng hoa là 600.000 - 900.000 đồng, quay phim 6 triệu/2 buổi/2CD, trang điểm mặt cô dâu 600.000 đồng… Đó là giá chung hiện nay. Nếu đặt 35 - 40 bàn/400 khách, nhà hàng sẽ có khuyến mãi và tặng quà đồng hồ lưu niệm, khuyến mãi đội múa và các dịch vụ khác, cả thảy 3 triệu đồng. Còn lại cô dâu chú rể phải trả hết.


Ở thành phố Vũng Tàu có nhiều tiệm trang điểm cô dâu nổi tiếng, nhưng phải kể đến các tiệm trang điểm ở đường Ba Cu. Ở trung tâm này, ngày thứ bảy chủ nhật, cô dâu phải xếp hàng chờ trang điểm. Nếu trang điểm mặt, uốn tóc, dán mi giả là 800.000 đồng. Thêm một bó hoa hồng trắng là 1,2 triệu đồng, thêm 4 quả lễ và một khay đựng vàng là 1,5 triệu đồng. Quân bình ở đây thứ bảy chủ nhật có 16 đến 20 cặp chú rể cô dâu đến trang điểm mặc đồ cưới. Chị Hồng chuyên gia trang điểm ở tiệm Tơ Duyên cho biết: “Tùy theo khách mà lấy giá cho hợp lý. Chúng tôi khuyến mãi nhiều hoặc giá mềm cho bộ đội, công nhân, giáo viên nhưng không quá 3%. Đa phần các em đến đây ít băn khoăn về giá cả vì tiền nào của ấy. Giá cao nhất với cô dâu chú rể là Việt kiều hoặc người nước ngoài”…


Thành phố Vũng Tàu bắt đầu vào mùa cưới, ngày nào cũng có xe đón cô dâu. Đôi uyên ương tưng bừng hạnh phúc, người dự tiệc vui vầy trong tấm thiệp chúc mừng, cửa hàng áo cưới thì hớn hở vì thu được nhiều lợi nhuận… Song bên cạnh niềm vui ấy, là bao lo toan của cô dâu chú rể, bao nhọc nhằn của những người lao động thu nhập thấp.



Bài và ảnh: Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN