Môi trường ô nhiễm nặng vì đốt rơm rạ

Sau khi thu hoạch lúa, ở nhiều nơi, người dân đốt rơm rạ để lấy tro bón ruộng. Theo các chuyên gia, việc làm này vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Chất ô nhiễm nguy hiểm

Mới bắt đầu vào mùa gặt, nhưng hầu hết những cánh đồng tại Hoài Đức, Hà Nội đã chuyển thành những mảng màu đen lố nhố, bởi thói quen đốt rơm rạ của người dân nơi đây. Con đường đê, đường làng, thậm chí cả đường quốc lộ mù mịt khói rơm rạ. Khi chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Thanh (xã Phương Quan, Hoài Đức) đang đốt dở đống rơm từ ruộng, vừa dụi mắt đỏ lên vì khói, bà Thanh cho biết, hầu hết mọi người đều đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, bởi bây giờ ít nhà nuôi trâu bò, đất cũng không nhiều mà tích rơm rạ như trước, nên đốt đi để lấy tro bón ruộng.

Người dân Hoài Đức (Hà Nội) đốt rơm rạ sau khi gặt. Ảnh: Thu Trang


Tại thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội), bà con nông dân đã bắt đầu vào mùa gặt được mấy ngày nay. Chị Nguyễn Thị Hiền (người dân xóm 4) cho biết, cứ vào chính vụ gặt thì cả làng phải sống chung với khói rơm rạ, mặc dù ý thức được việc đốt rơm sau thu hoạch sẽ không tốt cho môi trường, tuy nhiên, các hộ dân không có giải pháp nào khác để xử lý số rơm sau mỗi vụ mùa. “Sau khi rơm đốt sẽ thành tro. Tro này được ủ khoảng 2 - 3 tháng rồi đem bón cho các ruộng trồng rau”, chị Hiền cho biết.

Chính từ những thói quen này của bà con nông dân ngoại thành, mà nhiều năm nay, cứ đến mùa gặt, là người dân nội thành Hà Nội lại sống trong cảnh “sương mù”. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lo ngại, người dân vẫn chưa ý thức được khói rơm rạ gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe như thế nào. “Đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui vào phổi sâu, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư”, ông Tùng khuyến cáo.

Tìm giải pháp công nghệ

Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, đốt rơm rạ tại đồng không chỉ gây ô nhiễm, mà đó còn là sự lãng phí lớn. Đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho lúa, nên xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để bón. Đồng thời, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại thiên địch có ích, làm mất cân bằng sinh thái, một trong những nguyên nhân gây phát sinh sâu bệnh trên đồng ruộng.

Theo các nhà khoa học, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Khi đốt đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, việc đốt đồng sẽ làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt đồng nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.

Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Theo tính toán, cứ sử dụng một tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ, người nông dân đã tiết kiệm được một lượng phân NPK tương đương gần 500.000 đồng. Sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ, còn tạo ra vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất lúa của nông dân, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế, tăng năng suất và cải tạo đất.

Hiện nay, Tập đoàn Biogroup đã tiến hành nghiên cứu thành công việc sử dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ và chuyển giao công nghệ ở một số địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Bạc Liêu... Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế vẫn còn khó khăn, tại nhiều nơi, người dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ.

Tại nhiều địa phương, rơm rạ đã được tận dụng để trồng nấm, tuy nhiên, mô hình này cũng chưa được phổ biến rộng rãi và còn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Hội Nông dân xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) đã tổ chức khóa học hướng dẫn nông dân sử dụng rơm để trồng nấm. Tuy nhiên, cách làm này mới chỉ được áp dụng tại thôn Vĩnh Ninh, nơi đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, việc trồng lúa đã có quy mô lớn, chuyên nghiệp. Còn tại thôn Quỳnh Đô, do chưa thực hiện dồn điền đổi thửa nên việc gặt lúa vẫn diễn ra lẻ tẻ. Việc các hộ đốt rơm khó kiểm soát. Hơn nữa, theo người dân, do địa phương đất chật người đông nên khó áp dụng mô hình trồng nấm từ rơm (vốn đòi hỏi phải có mặt bằng, diện tích rộng).

Ông Hoàng Dương Tùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản khuyến nghị các địa phương hạn chế việc đốt rơm rạ để tránh tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân. “Việc đốt rơm rạ phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Vì vậy, các địa phương cần tuyên truyền cho bà con hiểu tác hại của việc này. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ cần có nghiên cứu để có giải pháp xử lý đối với rơm rạ sau thu hoạch hiện nay, để có công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác”, ông Tùng kiến nghị.

Thu Trang - Hoàng Dương
Hải Dương: Tái diễn nạn đốt rơm, rạ vào mùa thu hoạch
Hải Dương: Tái diễn nạn đốt rơm, rạ vào mùa thu hoạch

Tại Hải Dương hiện đang bước vào mùa thu hoạch lúa, tình trạng phơi rơm, rạ, tuốt lúa, đốt rơm, rạ trên đường lại tiếp tục tái diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN