Môi trường kêu cứu từ lưu vực sông Đồng Nai - Bài cuối: Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai sẽ làm gì?

Tính toán của các chuyên gia môi trường, đến năm 2020, tải lượng ô nhiễm do chất thải tại lưu vực sông Đồng Nai (ĐN) sẽ tăng gần 2 lần so với thời điểm hiện nay, bao gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn.

Bất cập trong công tác quản lý

Ông Võ Văn Chánh – PGĐ Sở Tài nguyên &Môi trường tỉnh ĐN cho biết bất cập lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông ĐN chính là những bất đồng trong quản lý, do mâu thuẫn lợi ích trong phát triển kinh tế vùng miền. Được thành lập hơn 3 năm, do chủ tịch UBND các tỉnh, thành luân phiên làm chủ tịch nhưng hiệu quả của Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông ĐN không cao và chỉ mang tính chất hình thức là chính. “Người cầm trịch chưa phát huy hết vai trò điều phối các dự án liên quan đến 12 tỉnh, thành, mà chỉ bó hẹp trong dự án tại địa phương do mình lãnh đạo và ít có tác động cũng như sự ảnh hưởng đến quyết định của những tỉnh, thành khác liên quan đến sông ĐN” - ông Chánh nói.

Ở một khía cạnh khác, theo nhiều người trong cuộc, công cụ quản lý môi trường ở Việt Nam như luật, chế tài... vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đơn cử, Nhà máy Giấy Tân Mai - đối tượng bị người dân nghi ngờ thải chất thải nguy hại ra sông Cái làm cá bè chết hàng loạt, mới đây tỉnh Đồng Nai chỉ xử phạt 2 triệu đồng do thải mùi hôi thối, khó chịu... Mặc dù Nghị định 117 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Nghị định 81, nhưng qua thời gian thực thi vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như mức phạt chưa cân đối cũng như lập lờ các mức độ vi phạm về chất thải nguy hại, dễ tạo ra sự không công bằng trong các quyết định xử phạt; quy định mức xử phạt hành chính cao nhưng những biện pháp mạnh, mang tính răn đe vẫn chưa thể áp dụng thực tế...

Rất nhiều các đại công ty, siêu dự án... đang triển khai dọc lưu vực sông Đồng Nai.


Nhìn góc độ xa hơn, việc gia tăng ô nhiễm lưu vực sông ĐN còn do sự phân tán trong việc cấp phép, quản lý và bảo vệ chất lượng nước. Cụ thể, là đơn vị cấp phép đầu tư kinh doanh phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư không quản lý yếu tố môi trường đã dẫn đến thực trạng nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải. Các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương... để tình trạng ô nhiễm tràn lan do sự phát triển của ngành mình nhưng rất khó quy trách nhiệm hoặc tìm giải pháp khắc phục triệt để... Chính tình trạng mạnh ai nấy làm, không có một đầu mối quản lý đã làm cho tình hình càng rối ren hơn.

Nan giải bài toán bền vững

Khác với tỉnh ĐN khi các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung dọc theo lưu vực sông ĐN, thì tại tỉnh Bình Dương, hầu hết các khu công nghiệp, cụm dân cư sầm uất đều tập trung ở phía tây sông Sài Gòn. Tuy nhiên, do quỹ đất tại đây đã được lấp đầy, tỉnh Bình Dương đang hướng quy hoạch về phía đông, tận dụng lợi thế đất gò đồi dọc theo sông ĐN. Theo đó, tại đây sẽ có 6 khu công nghiệp được tỉnh đầu tư xây dựng với quy mô gần 6.000 ha. Tương tự, rất nhiều tỉnh khu vực hạ lưu như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đang ấp ủ những dự án hoành tráng về kho cảng biển, mở rộng khu công nghiệp... trên lưu vực sông ĐN. Việc xả thải của các doanh nghiệp sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặt chất lượng nước sông ĐN trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng hơn.

Trong khi đó, sau phản ánh gay gắt của dư luận, tỉnh Lâm Đồng đang xem xét lại việc triển khai 2 nhà máy thủy điện 6 và 6A ở khu vực thượng nguồn sông ĐN. Theo quy hoạch, 2 dự án trên khi hoàn thành sẽ chiếm và làm ngập hơn 280 ha đất rừng, trong đó thủy điện ĐN 6 thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ làm ngập khoảng 170 ha đất rừng. Các chuyên gia môi trường nhận xét: Rừng - với chức năng giữ nước cho đầu nguồn, sẽ lại bị triệt phá gần như hoàn toàn và những dòng suối đổ về sông ĐN cũng sẽ cạn dần. Để hình thành một con sông với dòng chảy ổn định cần một thời gian rất dài, chỉ vì lợi ích trước mắt chặn dòng làm thay đổi lưu lượng, dòng chảy là điều phải tính toán hết sức cẩn thận vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của rất nhiều người ở vùng hạ du.

“Nhưng điều đáng lo là công tác quy hoạch vùng không theo kịp thực tế, đang gây xung đột về lợi ích giữa các tỉnh trong lưu vực. Mâu thuẫn ngày càng tăng khi không có cơ chế cụ thể tách biệt giữa phát triển kinh tế khu vực hạ nguồn và thượng nguồn. Ví dụ: Để nâng cơ cấu phát triển công nghiệp, các tỉnh thượng nguồn có thể thu hút những dự án gây ô nhiễm mà khu vực hạ lưu “chê” dù biết sẽ ảnh hưởng ”, ông Tào Mạnh Quân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương cho biết. Thực tế, nhiều dự án có mức ô nhiễm môi trường cao như dệt, nhuộm, giày da... bị tỉnh Bình Dương “chê” đã được các nhà đầu tư chuyển lên các tỉnh khu vực thượng nguồn. Đã đến lúc, Chính phủ cần có quy hoạch cụ thể sắp xếp lại cơ cấu phát triển kinh tế giữa các tỉnh thượng và hạ nguồn; trong đó, quy định rõ các nhóm ngành, nghề từng khu vực phát triển. Ví dụ hạ nguồn tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp; trong khi khu vực thượng nguồn ngoài việc giữ cho được rừng thì chỉ phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch thân thiện với môi trường.

Ông Stephane Mahial – GĐ Công ty TNHH thương phẩm Atlantic: “Nâng cao ý thức tự giác chấp hành của mỗi doanh nghiệp”
Có mặt tại tỉnh Lâm Đồng gần 10 năm, với mặt hàng chủ yếu là nông sản nên lượng nước thải ra môi trường nhiều, từ lâu chúng tôi luôn tự giác chấp hành những quy định của nước sở tại về bảo vệ môi trường. Hiện lưu lượng nước thải của chúng tôi vào khoảng 7.000 m3/đêm, dùng trong công đoạn đánh bóng hạt cà phê giúp cho bề mặt hạt đẹp hơn. Nước thải của chúng tôi mang tính chất hữu cơ, vì vậy chúng tôi đã đầu tư nhiều hồ lắng và cuối cùng xử lý hóa chất trước khi thải ra môi trường. Các chất trầm lắng này chúng tôi sử dụng lại để làm phân bón cho vườn cây của công ty. Để phát triển bền vững, chúng tôi nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài khi đến kinh doanh tại một quốc gia nào đó cần nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành những quy định. Tuy nhiên điều quan trọng là phải làm sao nâng cao được ý thức tự giác đó bằng những văn bản luật chặt chẽ, cũng như công tác hậu kiểm, tuyên truyền vận động.

Ông Huỳnh Văn Chín – GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng: “Nỗ lực của tỉnh là đảm bảo độ che phủ của rừng đạt khoảng 61%”
Nhận thức được tầm quan trọng của một tỉnh ở khu vực thượng nguồn lưu vực sông ĐN trong việc bảo vệ rừng, chúng tôi đã đề ra quyết tâm bảo vệ cho được độ che phủ của rừng trên địa bàn khoảng trên dưới 61%. Đây là chỉ tiêu khó nhưng là việc phải làm. Hiện chúng tôi đã hoàn chỉnh đề án bảo vệ lưu vực sông ĐN và đang xúc tiến thực hiện. Nhiệm vụ của tỉnh là ưu tiên bảo vệ rừng, trong đó chú trọng những dịch vụ hỗ trợ giữ cho rừng, hạn chế chất thải do khai khoáng có thể làm ô nhiễm lưu vực sông ĐN... Để hạn chế khó khăn về vốn trong việc bảo vệ rừng, theo tôi cần có một chính sách ưu đãi nhất định với lãi suất ưu đãi và mang tính dài hơi.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Môi trường kêu cứu từ lưu vực sông Đồng Nai - Bài 2: Sông chứa nước thải
Môi trường kêu cứu từ lưu vực sông Đồng Nai - Bài 2: Sông chứa nước thải

“Sông Đồng Nai nước trong lại mát...” - câu ca dao một thời nói về sông Đồng Nai có lẽ không lâu nữa sẽ trở thành quá vãng, khi mà dòng nước “trong, mát” ngày nào hiện đang bị đe dọa. Đau đáu cho câu hỏi tại sao, chúng tôi đã làm một hành trình ngược lên đầu nguồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN