Tại buổi họp báo Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, theo ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, hai Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã quy định nhiều giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hoá tồn tại thời gian qua.
Ông Hà Minh Hiệp cho biết, trước đây, cơ chế quản lý theo phân loại hàng hóa nhóm I, nhóm II, dẫn đến thực tế có những sản phẩm rủi ro cao, nhưng lại do doanh nghiệp công bố chất lượng. Đây là điều bất cập.
Luật mới quy định phân loại hàng hoá sản phẩm theo mức độ rủi ro, phương thức được hầu hết các nước trong khối ASEAN đang áp dụng.
Theo đó, việc quản lý chặt chẽ với các sản phẩm hàng hoá thuộc nhóm rủi ro cao theo phân loại đã được quốc tế áp dụng. Những hàng hoá có nguy cơ rủi ro cao phải có đánh giá của bên thứ ba, không để doanh nghiệp tự đánh giá. Với nhóm hàng hoá rủi ro trung bình đến thấp, doanh nghiệp có thể tự đánh giá hoặc sử dụng kết quả chứng nhận của bên thứ ba. Các sản phẩm rủi ro cao bắt buộc phải quản lý chặt.
Luật mới cũng quy định, tất cả những hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc. Vấn đề này đang được các bộ, ngành đẩy mạnh, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Một giải pháp khác trong Luật là xác lập rõ cơ chế phân công, phân cấp quản lý, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ sẽ quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa chỉ do một Bộ, ngành quản lý, một đối tượng chỉ chịu sự điều chỉnh của một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cách làm này giúp tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Theo người đứng đầu Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cần tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ công bố tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại.
Các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm.
Đáng chú ý, Luật đã bổ sung chế tài xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn, bao gồm xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời công khai thông tin vi phạm trên nền tảng số quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ xây dựng vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, hải quan, cảnh báo quốc tế và phản ánh từ người tiêu dùng. Cơ chế này sẽ cho phép phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý nhanh các trường hợp hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho rằng, việc Quốc hội thông qua hai đạo luật quan trọng này không chỉ khắc phục các khoảng trống pháp lý trong quản lý chất lượng mà còn tạo dựng một hệ sinh thái pháp luật hiện đại, minh bạch, hiệu quả, dựa trên nền tảng công nghệ số và hội nhập quốc tế.