Mỏi mắt tìm “nàng tiên cá”

Ở Việt Nam, loài Dugong (bò biển) được tìm thấy nhiều nhất tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tuy nhiên, do tình trạng săn bắt nhiều năm, nên loài bò biển này đang dần mất tích ngay chính nơi được coi là thiên đường của chúng.

Đe dọa tuyệt chủng

Dugong theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là “người con gái đẹp”, còn ở Việt Nam, loài vật này được biết với những cái tên như “nàng tiên cá”, bò biển hay cá Cúi. Đây là loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam. Còn theo Sách đỏ thế giới, loài này được xếp vào dạng sắp nguy cấp, với số lượng còn lại không nhiều.

Tại Việt Nam, người ta tìm thấy Dugong ở vùng biển Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang). Nhưng từ năm 1990 đến nay, số lượng loài bò biển bị suy giảm nhanh chóng do môi trường thay đổi và bị săn bắt. Số lượng cá thể bò biển ở Côn Đảo ước tính chỉ còn đếm trên bàn tay. Riêng ở Phú Quốc thì có thể còn trên dưới 100 con, nhưng theo nhiều chuyên gia và những ngư dân địa phương thì đến nay số liệu trên đã không còn chính xác.

Bảng tuyên truyền bảo vệ Dugong được dựng ở nhiều tuyến đường trên đảo Phú Quốc.

Chúng tôi tìm về làng chài cổ Hàm Ninh (Phú Quốc), nơi được coi là vùng trọng điểm về Dugong. Theo lời kể của những người già tại đây, trước kia, vùng biển Phú Quốc còn rất hoang sơ, Dugong nhiều vô kể, chỉ cần chèo ghe ra xa vài km là đã có thể nhìn thấy Dugong bơi lội. Nếu đi biển mà bắt gặp tiếng hú của Dugong thì báo hiệu sẽ gặt hái đầy ghe thuyền cá. Nhưng lâu dần, lời đồn đại về những tác dụng thần kỳ của xương và nanh Dugong khiến loài vật này đứng trước nhiều nguy hiểm. Người ta đua nhau đóng ghe, sắm lưới to để đi đánh bắt Dugong. Hàng trăm cá thể Dugong dần dần biến mất khỏi quần đảo Phú Quốc.

Anh Nguyễn Văn Mực, ngư dân trong làng đang ngồi trên thuyền gỡ cá khỏi lưới tại cảng Hàm Ninh kể, trước đây làng cũng có nghề đi bắt bò biển, việc mổ Dugong là thường xuyên như mổ trâu, mổ lợn, trong làng có một số người già là kỳ cựu của nghề này. “Nhưng bây giờ nghề này cũng không còn. Thế hệ chúng tôi và bọn trẻ sau này hầu như ít người được nhìn thấy con bò biển nữa”, anh Mực kể.

Ông Nguyễn Hồng Cường, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc cho hay, biển Phú Quốc nối liền với bờ biển Campuchia, nơi có thảm cỏ biển phong phú. Theo kinh nghiệm của ngư dân, cứ tầm tháng 9 đến tháng 11 thì Dugong sẽ di cư về Phú Quốc ăn cỏ biển với số lượng thường xuyên là 30 con. “Dugong là loài động vật có vú, thường chỉ lặn xuống biển 15 phút để ăn cỏ rồi phải ngoi lên thở, nên khi bị vướng lưới thường sẽ bị chết ngạt. Ngư dân bắt được đem Dugong đi xẻ thịt bán. Người dân cứ đồn đoán từ xương, răng, da thịt... Dugong đều là “thần dược” và có giá cao nên loài này có thời gian bị truy lùng săn bắt. Sau này khi Nhà nước có quy định bảo vệ, cấm đánh bắt loài này thì hoạt động đánh bắt đã ngừng nhưng số lượng Dugong còn lại không nhiều”, ông Cường cho hay.

Để Dugong không chỉ còn trong truyền thuyết

Mặc dù loài Dugong đã được ghi trong sách đỏ, là loài nguy cấp cần bảo vệ, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu có cầu thì vẫn có thể có nguồn cung các sản phẩm từ Dugong tại Phú Quốc. Sau khi rong ruổi khắp làng chài Hàm Ninh, qua chia sẻ của một số người dân thì giá Dugong khá cao với giá 700.000 - 800.000 đồng/kg thịt và từ 62 - 65 triệu đồng cho một cặp răng nanh. Tuy nhiên, khi hỏi chỗ mua hoặc đưa địa chỉ, số điện thoại người bán thì người dân đều từ chối.

“Nàng tiên cá” đại dương đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Qua trao đổi với vài người dân nữa trong vùng, chúng tôi tìm đến chợ Dương Đông, là khu chợ lớn nhất tại huyện đảo Phú Quốc. Khi chúng tôi hỏi muốn một cặp răng nanh bò biển để lấy hên, thì những người bán hải sản tại chợ đều từ chối không có bán. Nhưng ngay sau đó, một người đàn ông trung niên chủ động đến hỏi chúng tôi: “Em muốn mua bò biển hả? Mua nguyên con hay chỉ mua nanh?”. Người đàn ông này ra giá một cặp nanh là 80 triệu đồng và giá cho một cân thịt là 900.000 đồng, nguyên con thì sẽ được chuyển đến tận nơi. Tuy nhiên, khi hỏi xin số điện thoại để liên hệ lại, người đàn ông này nhất định không cho và bỏ đi.

Ông Nguyễn Hồng Cường, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc kể, việc buôn bán Dugong nhiều năm nay đã giảm nhưng vẫn còn có tình trạng buôn bán lén lút. Trong cuộc đời bảo tồn của mình, ông Cường đã nhiều lần đi điều tra, bắt các đối tượng buôn bán Dugong. Có lần khi nhận được tin báo người dân ở xã Hàm Ninh vừa xẻ thịt Dugong và chạy xe đi giao hàng, nhưng muốn họ dừng xe để kiểm tra thì phải là cảnh sát giao thông mà không phải lúc nào cũng có lực lượng để phối hợp nên vụ đó bị “xổng”. Một lần khác, có thông tin báo cho khu bảo tồn là có người dân bắt được con Dugong hơn 100 kg. Khi lực lượng chức năng đến thì Dugong đã bị xẻ thịt hết. Sau đó có lập biên bản và xử phạt ngư dân đó 5 triệu đồng và tiêu hủy số thịt Dugong còn lại.

Dugong (tên khoa học: Dugong dugon) là loài động vật có vú lớn, sống ở bờ biển cạn từ châu Phi đến châu Úc. Dugong thường sống đơn độc, hay từng đôi mẹ - con, rất ít gặp theo thành từng nhóm nhỏ hoặc thành từng đàn lớn. Dugong trưởng thành có thể dài đến 3 m, trung bình từ 2,4 đến 2,7 m; cân nặng trung bình 250 đến 400 kg, có thể nặng đến 500 kg; tuổi thọ lên đến 70 năm.

“Việc bảo vệ Dugong cũng gặp không ít khó khăn do ý thức người dân chưa cao. Đơn vị bảo tồn chỉ có chức năng tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt nên muốn kiểm tra, giám sát phải phối hợp các đơn vị chức năng khác, nhưng sự phối hợp này đôi khi chưa được trôi chảy và chế tài chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng vi phạm”, ông Cường cho biết.

Cùng với đó, mọi con số về loài này vẫn chỉ là ước lượng vì vẫn chưa có một nghiên cứu hay thống kê chính thức nào về Dugong. Bên cạnh đó, địa bàn rộng và có nhiều nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia nên việc bảo tồn bò biển - vốn là loài di cư cũng gặp nhiều khó khăn.

TS Võ Văn Quang, Trưởng phòng Nguồn lợi thủy sinh, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, mặc dù số lượng Dugong ở nước ta không nhiều nhưng vai trò của chúng trong hệ sinh thái biển và đời sống các cộng đồng cư dân vùng ven biển là rất quan trọng. Việc bảo vệ Dugong phải được áp dụng theo các công ước về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết như Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES), Công ước RAMSAR về bảo vệ các vùng đất ngập nước và Công ước về đa dạng sinh học (CBD) đối với bò biển.

“Việc xác lập các khu vực cấm đánh bắt thủy sản ở các vùng có bò biển sinh sống và khuyến khích các hoạt động kinh tế ít tác động đến hệ sinh thái và môi trường cũng cần được thực hiện, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến các thông tin cần thiết về bảo tồn bò biển đến các cộng đồng dân cư ở các khu vực có bò biển sinh sống”, TS Quang đề xuất.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, chính quyền đã có quy định cấm săn bắt, tiêu thụ Dugong và tuyên truyền, vận động, đặc biệt là đối với những ngư dân khai thác trên biển không đánh bắt, không xẻ thịt loài quý hiếm này. Hiện Phú Quốc có 4 xã có tổ tình nguyện cộng đồng bảo tồn biển và hàng năm tổ chức “Ngày hội Bảo vệ Dugong” nhằm tuyên truyền vận động người dân, học sinh trong vùng tham gia bảo vệ Dugong và biển Phú Quốc.

Thu Trang
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN