Minh bạch thu, chi tiền từ thiện để đảm bảo uy tín cho nghệ sỹ

Vì một vài lý do nào đó chậm công khai chi tiết các khoản quyên góp tiền từ thiện, một số nghệ sỹ Việt như: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, Hoài Linh... đang trở thành tâm điểm nhắc tới trên cộng đồng mạng.

Chú thích ảnh
Năm 2020, lũ trên sông Hiếu dâng cao khiến nhiều nhà dân ở huyện Cam Lộ bị nhấn chìm. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN.

Dư luận còn chưa nguôi ngoai vụ việc nghệ sỹ Hoài Linh “ngâm” tiền từ thiện tới 6 tháng, không phát ngay cho bà con bị ảnh hưởng trong đợt lũ lụt miền Trung nghiêm trọng xảy ra năm 2020 thì gần đây, vụ việc “lùm xùm” liên quan tới nghệ sỹ làm từ thiện lại được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phần lớn các ý kiến trong cộng đồng mạng đề nghị: Không chỉ phải sao kê đầu vào những khoản quyên góp nhận được, mà các khoản chi tiêu, chi phí, cứu trợ, ủng hộ… tức là đầu ra cũng cần phải được công khai rõ ràng.

Sự việc xuất phát từ việc MC, diễn viên Trấn Thành kêu gọi ủng hộ người dân miền Trung năm 2020 với tổng số tiền nhận được là 9,4 tỷ đồng nhưng MC này lại chuyển 3 tỷ đồng đồng cho MC Đại Nghĩa và hơn 6,4 tỷ đồng cho bà Ngọc Hương (mẹ Hồ Ngọc Hà) làm từ thiện, thay vì gửi cho ca sỹ Thủy Tiên như lời hứa ban đầu. Còn ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bị bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) “tố” trên mạng xã hội là nhận được số tiền kêu gọi quyên góp thực tế 96 tỷ đồng, nhiều hơn con số mà ca sỹ công bố.

Ca sỹ Thủy Tiên từng không quản ngại gian nan, vất vả đem những khoản đóng góp từ thiện của các mạnh thường quân đến bà con miền Trung bị ảnh hưởng đợt lũ lụt năm 2020 từng được cộng đồng ghi nhận, khen ngợi. Tuy nhiên đến nay, không ít ý kiến vẫn thắc mắc về sự minh bạch đối với số tiền mà người hâm mộ, mạnh thường quân đã đóng góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt thông qua Thủy Tiên.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Hoài Linh đăng video xin lỗi khán giả lần 2, giải trình về việc chậm trễ giải ngân 14 tỷ đồng tiền từ thiện ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Ảnh: YouTube.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 6/9, luật sư Đỗ Minh Hiển - Văn Phòng Luật sư JVN cho biết: “Các hoạt động thiện nguyện của các nghệ sỹ hay nhiều tổ chức, cá nhân thực thi cần được công khai, sao kê minh bạch giao dịch thu, chi là việc làm rất cần thiết vì liên quan tới tiền bạc cũng như niềm tin của các nhà hảo tâm đóng góp”. 

Sao kê giao dịch ngân hàng sẽ cho mọi người thấy rõ thời gian, số tiền giao dịch, chi tiết các hoạt động nộp, rút tiền mua bán hay phát tiền cứu trợ từ tài khoản quyên góp. Việc công khai số tiền nhận được từ mạnh thường quân cũng như chi tiêu là điều rất quan trọng để mọi người nắm rõ số tiền đóng góp có được các nghệ sỹ sử dụng đúng mục đích hay không, đảm bảo uy tín cho nghệ sỹ”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp), những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội gần đây chỉ là những thông tin dư luận, chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Nếu để vụ việc kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm và làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế. 

“Nếu vụ việc này không có đơn tố cáo hoặc cơ quan chức năng không xác minh, dư luận không thể biết được chân tướng sự việc thế nào. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra có đủ căn cứ để có thể thụ lý tin báo, làm rõ sự việc để xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp xác định có sai phạm chứ không cần phải đợi đến đơn tố cáo, tố giác của những người trong cuộc”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết. 

Nội dung này đã được quy định rất rõ trong phần xác minh tin báo tố giác tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự và thông tư liên tịch năm 2017 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Từ đó, cơ quan chức năng có thể làm rõ các giấy xác nhận về việc từ thiện; điều tra xác nhận chi tiêu có bị làm giả mạo, gian dối hay không?

Theo ông Đặng Văn Cường, nếu số tiền rút ra ít hơn số tiền chuyển đến hoặc có việc chuyển khoản cho bên thứ ba mà không phải là người được hưởng tiền từ thiện, hành vi đó có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định điều 175 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.

“Sao kê tài khoản ngân hàng xuất phát từ nhu cầu xác thực tài chính, kiểm tra tài chính. Việc này phải tuân thủ tuyệt đối theo pháp luật. Hiện, chỉ có chủ tài khoản và người được chủ tài khoản ủy quyền hơp pháp mới yêu cầu được ngân hàng sao kê tài khoản của khách hàng. Chi phí sao kê tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng. Tuy nhiên, một số cơ quan có thẩm quyền theo quy định cũng có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản của người khác. Nội dung sao kê gồm các thông tin về chủ sở hữu, số dư đầu kỳ, các thông tin giao dịch phát sinh trong kỳ như: Chi tiêu, thanh toán hóa đơn, rút tiền”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho biết.

Hiện nay, mạng xã hội trở nên hỗn loạn với những lời, tin nhắn mắng chửi, bới móc, tìm kiếm thông tin cá nhân, xúc phạm lẫn nhau, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm niềm tin và đạo đức của con người, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và có thể làm suy giảm hiệu quả của hoạt động từ thiện trong thời gian tới đây. Nhiều ý kiến cho rằng: Cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng; đồng thời xác minh làm rõ sự việc để xử lý những sai phạm theo quy định pháp luật. Hiện, hoạt động kêu gọi từ thiện vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP. 

“Đã đến lúc cần phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sỹ nói chung, chứ không chỉ có Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sỹ trên không gian mạng, để quản lý chặt hơn nữa việc phát ngôn, hoạt động từ thiện, đặc biệt hoạt động quảng cáo của các nghệ sỹ. Cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các quy định và chế tài đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và cần sửa đổi bổ sung kịp thời Nghị định 64/2008/NĐ-CP, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động ngay để tránh những tiêu cực có thể phát sinh”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Giới luật sư cho rằng: Khi sửa đổi bổ sung Nghị định 64, cần quy định rõ những trường hợp nào, tổ chức, cá nhân được phép kêu gọi, tiếp nhận, phân phát hàng, tiền cứu trợ. Nội dung kêu gọi phải quy định thời hạn kêu gọi, mục đích từ thiện, thời gian thực hiện hoạt động từ thiện, kinh phí cho việc tổ chức, minh bạch số tiền tiếp nhận, số tiền phân phát bằng các sổ sách, chứng từ, có thể là cần phải có sự xác nhận của cơ quan chức năng.

Với những số tiền lớn từ 1 tỷ đồng trở lên, bắt buộc phải có bên thứ ba giám sát việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, yêu cầu người tiếp nhận tiền từ thiện phải liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ...

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Nhóm đối tượng liên quan đến ‘bác sỹ Khoa’ dùng tài khoản giả để vận động từ thiện
Nhóm đối tượng liên quan đến ‘bác sỹ Khoa’ dùng tài khoản giả để vận động từ thiện

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhóm đối tượng cùng hoạt động tham gia một số tài khoản giả liên quan vụ tin hư cấu về "bác sĩ nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai", hay còn gọi là vụ “bác sỹ Khoa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN