Nhờ đó, những mục tiêu chính gồm ổn định chỗ ở cho đồng bào, khôi phục cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế bền vững cho người dân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng loạt các công trình thiết yếu như giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, điện sinh hoạt và sản xuất đã được phục hồi.
Nỗ lực tái thiết đời sống và sản xuất cho đồng bào
Sau các trận bão lũ năm 2020, Quảng Nam có gần 45.000 ngôi nhà bị hư hại cần được sửa chữa; trong đó, có 740 nhà hư hại hoàn toàn, 1.524 nhà bị thiệt hại nặng từ 50-70%. Với quyết tâm không để người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, ngay sau khi thiên tai đi qua, tỉnh đã khẩn trương làm nhà ở tạm cho đồng bào, nhất là đồng bào ở vùng sạt lở núi, đồng bào các dân tộc thiểu số. Quảng Nam đã chi khẩn cấp hơn 112 tỷ đồng để các địa phương, cơ quan, đơn vị khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Riêng với nhà ở, nhất là nhà ở của đồng bào ở những khu vực sạt lở núi, vùng có nguy cơ sạt lở núi cao đã được các địa phương chọn địa điểm khác để xây dựng các khu tái định cư và đang khẩn trương làm lại mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam Nguyễn Phi Hùng cho biết, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm trong cả nước đã đăng ký ủng hộ số tiền trên 130 tỷ đồng để giúp đồng bào vùng bị thiên tai khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống, làm mới và sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, khôi phục sản xuất. Đến nay, số tiền đã được các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm chuyển vào tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hơn 103 tỷ đồng. Với số tiền này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam đã phân bổ về các địa phương để giúp bà con khắc phục thiệt hại sau thiên tai. Trong đó, gần 23 tỷ đồng để xây dựng 572 nhà ở mới, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà; hơn 25,7 tỷ đồng sửa chữa gần 2.400 ngôi nhà ở, với mức hỗ trợ bình quân 11 triệu đồng/nhà và hỗ trợ vốn cho hàng chục nghìn gia đình khôi phục sản xuất.
Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) Trần Duy Dũng cho biết, sau các trận bão và mưa lũ lớn gây sạt lở nặng vào tháng 10/2020, huyện Nam Trà My có 19 người chết, 13 người mất tích và 33 người bị thương nặng, trong đó riêng tại xã Trà Leng có 10 người chết, 20 người bị thương và hiện còn 13 người mất tích, 95 ngôi nhà của đồng bào bị sụp đổ, vùi lấp, nước cuốn trôi. Hiện, công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn được huyện tiếp tục thực hiện. Hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, công trình nước sạch bị hư hại nặng. Hàng nghìn ha cây trồng hư hại, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Với sự giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đơn vị, đồng bào cả nước và của tỉnh Quảng Nam, hiện nay đời sống bà con nơi đây đã dần ổn định, sản xuất được khôi phục.
Ứng phó với vấn đề sạt lở đất ở khu vực miền núi tại Thừa Thiên - Huế, cơ quan chức năng đã và đang triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai và di dời, tái định cư... Tính đến thời điểm nay, Thừa Thừa Thiên - Huế đã di dân tái định cư vùng ảnh hưởng thiên tai được 389 hộ với các hình thức bố trí dân cư: ổn định tại chỗ, tập trung, xen ghép. Tổng nguồn vốn được phê duyệt từ các dự án đầu tư bố trí dân cư của Trung ương và địa phương hơn 39 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương 28,5 tỷ đồng.
Tạo sinh kế mới và bền vững
Khoe với mọi người về “Sổ hồng” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) được chính tay Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng trao, già làng Hồ Văn Đề, ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My xúc động nói: “Gần một năm trôi qua, cuộc sống của người dân ở nhiều vùng sạt lở núi đã dần trở lại bình thường. Với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và người dân cả nước, hàng trăm ngôi nhà của đồng bào ở huyện Nam Trà My bị trôi sập hoàn toàn đã được làm lại khang trang, vững chãi theo mô hình nhà truyền thống của đồng bào. Hàng loạt các công trình thiết yếu như giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, điện sinh hoạt và sản xuất đã được phục hồi. Cuộc sống của đồng bào vùng cao này đang từng ngày hồi sinh và thay da đổi thịt”.
Huyện Phước Sơn là một trong số những địa phương bị thiệt hại nặng sau các trận sạt lở núi cuối năm 2020, đến nay gần 100 ngôi nhà của đồng bào bị hư hại hoàn toàn hoặc bị vùi lấp đã được làm mới. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà hảo tâm và đồng bào cả nước, Quảng Nam đã triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ chính, gồm ổn định chỗ ở cho đồng bào, khôi phục cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tỉnh đang nỗ lực để đến trước mùa mưa lũ năm nay, bà con ở vùng sạt lở núi sẽ có nơi ở an toàn và trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh cơ bản khắc phục xong thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khắc phục khó khăn và ưu tiên nhiều nguồn vốn để tái thiết cuộc sống cho đồng bào vùng sạt lở núi, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Tần chia sẻ, khó khăn trong công tác thực hiện di dời tái định cư là định mức chi phí hỗ trợ thấp, hộ bố trí di dời xen ghép/tập trung chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; bố trí tại chỗ 10 triệu đồng/hộ; thiếu kinh phí trong khi nhu cầu tái định cư rất lớn. Một số địa phương thiếu quỹ đất hoặc bố trí khu tái định cư xa với hoạt động sản xuất trước đó. Việc lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển sản xuất vào chương trình bố trí dân cư còn chưa thực hiện được. Giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên - Huế có kế hoạch thực hiện 17 dự án di dời khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh cho khoảng 1.200 hộ dân với các hình thức bố trí dân cư tập trung; bố trí xen ghép và tại chỗ, với tổng kinh phí dự kiến 220 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện các dự án tái định cư, tỉnh đặc biệt chú trọng đến phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Trên cơ sở đó, tỉnh thiết kế và xây dựng các khu tái định cư phù hợp cũng như bố trí đất sản xuất ở những vị trí thuận lợi, có sự đồng thuận cao của đồng bào để bà con yên tâm gắn bó lâu dài với nơi ở mới.
Tại Quảng Trị, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh này cần di dời trên 2.740 hộ dân với gần 11.000 khẩu thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở an toàn để ổn định cuộc sống và sản xuất, trong đó có hơn 1.400 hộ di dời đến nơi ở mới tập trung, còn lại di dời đến ở xen ghép. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với việc thực hiện công tác di dân tái định cư là tiến độ đầu tư không đáp ứng theo quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, nhu cầu di dời dân cư phòng tránh thiên tai, nhất là ở vùng sạt lở đất rất nhiều nhưng nguồn vốn bố trí của nhà nước hàng năm quá thấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ, nhu cầu di dời tái định cư để phòng tránh thiên tai còn rất nhiều, trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hằng năm chỉ đáp ứng 15 - 20% so với nhu cầu thực tế. Chính sách hỗ trợ di dân vẫn còn ở mức thấp nên khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân đến định cư. Ngoài vấn đề nhu cầu về nhà ở, khi di dân cần có các chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu giúp người dân có tư liệu sản xuất. Quảng Trị đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các dự án di dời, tái định cư cho người dân sống ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với nhu cầu vốn trên 512 tỷ đồng.
Ngoài vốn ngân sách, Quảng Trị huy động nguồn lực quốc tế để hỗ trợ người nghèo ứng phó với thiên tai. Đầu năm 2021, tỉnh đã khởi công xây dựng nhà ở kiên cố, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Theo đó, 106 hộ ở 5 huyện (Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh) đã được ADB tài trợ với tổng số vốn trên 14,3 tỷ đồng, để xây dựng nhà ở kiên cố, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai. Những hộ dân được ADB tài trợ xây dựng nhà đợt này đều là hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng của thiên tai cuối năm 2020. Theo đó, mỗi căn nhà kiên cố được xây dựng có giá trị từ 100 - 140 triệu đồng, người được hưởng lợi đóng góp thêm kinh phí, bà con trong vùng giúp đỡ ngày công lao động và vật liệu tại chỗ để làm lại nhà ở mới tại những khu đất đã được quy hoạch đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Tái định cư gắn với ổn định sinh kế bền vững cho đồng bào vẫn còn là câu chuyện dài. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ của đồng bào cả nước, cuộc sống và sản xuất của đồng bào ở những vùng sạt lở núi, vùng lũ quét đã được tái thiết căn bản. Để ổn định chỗ ở cho đồng bào, bên cạnh việc tìm kiếm các quỹ đất tái định cư ổn định lâu dài cũng như đất sản xuất, với nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả, các tỉnh Miền Trung đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia vào trong từng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn nhằm cải thiện sinh kế cho đồng bào. Cùng với khôi phục cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, vật tư, cây con giống, hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các thiết chế về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được những địa phương trong vùng sạt lở núi thuộc tỉnh miền Trung đặc biệt chú trọng, để giúp bà con yên tâm gắn bó lâu dài với các khu tái định cư và có đời sống vật chất, tinh thần bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ.