Thuốc lá đang gây nguy hại lớn cho xã hội, nên phải tìm mọi giải pháp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, trong đó, cần ủng hộ tăng thuế với mặt hàng thuốc lá, ngăn chặn nhập lậu thuốc lá... Đó là ý kiến của bà Doãn Thị Thuận, hàm Vụ trưởng Vụ báo chí- Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ) trong cuộc hội thảo “Thuế thuốc lá với lợi ích của việc tăng thuế thuốc lá”, diễn ra ngày 13/9, tại Ban Tuyên giáo TƯ (Hà Nội).
“Cái chết từ từ”Với 16 triệu người hút thuốc, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới về số lượng hút thuốc. Theo kết quả điều tra quốc gia về tình trạng hút thuốc ở người trưởng thành năm 2010, thì cứ hai nam giới ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, có một người hút thuốc.
Ở độ tuổi từ 15 - 24, cứ 4 người nam giới thì có một người hút thuốc. |
Còn về kết quả thống kê mức độ tiêu thụ, thì theo số liệu của Tổng cục thống kê và Hiệp hội thuốc lá, sản lượng thuốc lá tiêu thụ nội địa đã tăng từ 1.249 triệu bao năm 1990, lên 4.385 triệu bao vào năm 2013, đạt mức tăng trung bình 11%/ năm. Và trong giai đoạn10 năm (từ 2002-2012), tiêu thụ thuốc lá bình quân theo đầu người một năm đã tăng từ 835 lên 945 điếu (tăng khoảng 1,2%/năm).
“Điều đáng lo ngại là có một tỷ lệ đáng kể người nghèo hút thuốc và người nghèo có xu hướng hút thuốc nhiều hơn người giàu (chiếm tới 57%) và số chi tiêu của người nghèo cho thuốc lá cũng cao hơn người giàu. Trong khi ai cũng cũng biết là hệ lụy của việc hút thuốc lá với người nghèo sẽ cao hơn rất nhiều, trước tiên là việc gia tăng đói nghèo vì sử dụng thuốc lá lấy đi một phần ngân sách gia đình. Bên cạnh đó, người nghèo sử dụng thuốc lá cũng dễ bị mắc bệnh hơn do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc còn hạn chế”,Ths. Bs Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Health Bridge Canada tại Việt Nam cho biết.
Cũng theo Ths. Bs Hoàng Anh, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên ở Việt nam rất cao: Cứ 6 em thì có 1 em hút thuốc trước tuổi lên 10, dẫn tới nguy cơ cao về việc nghiện thuốc lâu dài. Bên cạnh đó, ở độ tuổi 15-24, cứ 4 người nam giới thì có 1 người hút thuốc, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng lao động cũng như vấn đề sức khỏe sinh sản, do những hệ lụy của thuốc lá.
“Thuốc lá được chứng minh là có liên quan đến 25 loại bệnh tật và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư phổi, thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ. Theo số liệu của Bộ Y tế, số người nhập viện do các bệnh mãn tính đã tăng từ 39% năm 1986, lên 62,4% năm 2006 và chủ yếu là các bệnh có liên quan đến thuốc lá như ung thư, tim mạch, bệnh đường hô hấp. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, số người tử vong do thuốc lá mỗi năm tại Việt Nam là 40.000 người và con số này có thể gia tăng lên 70.000 người vào năm 2030 nếu không sớm có những biện pháp hữu hiệu”, một chuyên gia sức khỏe chia sẻ.
Cần rất mạnh tayMột trong những nguyên nhân của việc người dân Việt Nam hút thuốc lá nhiều và nghiện nhiều, mà các chuyên gia đưa ra, là giá thuốc lá ở nước ta quá rẻ. “Quan trọng là giá thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, thấp hơn nhiều nước, thậm chí là thấp hơn giá thuốc ở các nước ở châu Phi và các nước đang phát triển. Giá thuốc lá ở Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/bao, nên người tiêu dùng dù thu nhập thấp vẫn có thể “duy trì” hút thuốc hàng ngày được, đây thực sự là một điều đáng lo ngại”, Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, phân tích.
Cũng theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, giá thuốc rẻ một phần vì thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp (hiện nay là 65%), chỉ cao hơn có Lào và Campuchia. “Thuế tăng không đáng kể, trong khi thu nhập của người dân lại tăng, GDP tăng hàng tháng, trong khi thuế thuốc lá hàng chục năm cũng không “nhúc nhích” hoặc có tăng thì tăng nhỏ giọt, chính vì vậy sức mua tăng là điều không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, việc xử lý với thuốc lá nhập lậu của chúng ta thiếu cương quyết, dẫn tới thuốc lá lậu được bán tràn lan, với giá cũng rất rẻ, khiến cho nguồn cung càng dồi dào, việc giảm tỷ lệ người nghiện thuốc lá xuống vì thế lại càng khó khăn”, bà Hoàng Anh chia sẻ.
Hiện tại, trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính, đã có lộ trình cho việc tăng thuế thuốc lá từ 65% hiện nay lên 70% vào ngày 1/1/2016 và lên 75% từ 1/1/2019. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, mức tăng thế này chẳng khác gì “muối bỏ bể”.
“Mức tăng này là quá thấp và không giải quyết được vấn đề gì. Theo mức tăng này, dự kiến tiêu dùng thuốc lá sẽ chỉ giảm nhẹ vào năm 2016 và 2019, khi bắt đầu áp thuế mới, còn ngay sau đó thì sẽ tăng trở lại. Và như vậy, tính chung giai đoạn 2014-2020, tiêu dùng thuốc lá vẫn trong xu thế tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ hầu như không giảm, giữ nguyên ở mức 47,4% từ năm 2014-2020, trong khi Mục tiêu của chiến lược Quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới là giảm từ 47,4% năm 2012 xuống còn 39% năm 2020”, một chuyên gia dẫn chứng.
Để có thể giải quyết triệt để việc giảm tỷ lệ người hút và nghiện thuốc lá, đảm bảo sức khỏe và sự lành mạnh cho xã hội, theo các chuyên gia, chỉ có cách là “tăng quyết liệt”, tăng đến mức gần gần đôi mức thuế. Cụ thể, theo bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), để đạt được Mục tiêu quốc gia giảm tỷ lệ hút thuốc lá, thì mức tăng phải là từ 65% hiện nay lên 105% vào năm 2015 và lên 145% vào năm 2018. Còn với trường hợp không thể tăng “tối đa” như trên, thì mức tăng cũng lên là 85% vào năm 2015,105% vào năm 2018 và 125% vào năm 2020, nhằm giữ sức mua không thay đổi.
Bên cạnh đó, theo bà Phan Thị Hải, cũng cần có những chiến dịch tuyên truyền sâu rộng hơn trong xã hội, để mọi người đều thấm thía tác hại của thuốc lá, từ đó biết tự bảo vệ mình trước “cái chết từ từ” này.
P.V