Mạnh tay ngăn chặn mũ bảo hiểm rởm

Chưa đến ngày thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm (MBH) mới nhưng tại các đại lý trên địa bàn Hà Nội đã có rất nhiều cửa hàng lợi dụng chủ trương này tự ý tăng giá cao hơn giá niêm yết nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Cùng với đó là hàng loạt các vụ vi phạm về nhập lậu mũ bảo hiểm không đạt chuẩn về chất lượng sau đó dán tem giả của nhà sản xuất để tung ra tiêu thụ. Chính vì vậy, từ ngày 21/3, tất cả các chi cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) trên cả nước đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.

Đội QLTT số 12 kiểm tra cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm tại kiốt 3, C15 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


* Còn nhiều kẽ hở

Báo cáo nhanh của Cục Quản lý Thị trường (QLTT) cho thấy: 100% đơn vị kinh doanh MBH và mũ có kiểu dáng giống MBH đều có vi phạm. Đến ngày 19/3, trên cả nước có 34/63 chi cục QLTT tiến hành kiểm tra MBH, với tổng số 997 vụ, xử lý 598 vụ, tịch thu, tạm giữ 51.548 mũ. Các vi phạm chủ yếu bao gồm: MBH có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc, không có nhãn hàng hóa, không có dấu hợp quy và chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng; có kiểu dáng giống như MBH nhưng không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Trong số mũ được kiểm tra, hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hoá không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Theo ông Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng Chống hàng giả -Cục QLTT, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giật lách luật, thậm chí xé rào để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cùng với đó, qua khảo sát tại các cửa hàng tại phố Huế, chùa Bộc, những chiếc mũ bảo hiểm có giá bán niêm yết của nhà sản xuất 180.000 đồng, nhưng tem niêm yết giá đã bị bóc và được dán giá 200.000 đồng. Dù cho người tiêu dùng thắc mắc theo biển quảng cáo là người đổi mũ bảo hiểm sẽ được trợ giá 20.000 đồng nhưng vẫn phải trả 180.000 đồng và thực chất là không được hỗ trợ. Chẳng hạn như chiếc mũ bảo hiểm hiệu Bktec 10 giá 180.000 đồng, không hề có niêm yết giá của nhà sản xuất. Tuy nhiên, sau khi thoả thuận thì chủ cửa hàng lại đồng ý bán với giá 150.000 đồng. Đáng chú ý là nếu đổi mũ bảo hiểm giả, sẽ được hỗ trợ 20.000 đồng. Vậy là giá chiếc mũ bảo hiểm này chỉ có 130.000 đồng.

Cũng với chiếc mũ hiệu Bktec, Osaka này, tại một cửa hàng khác lại có giá bán là 180.000 đồng và chủ cửa hàng cũng đồng ý hỗ trợ 20.000 đồng cho người mua. khi được hỏi là tại sao giá mũ lại tăng cao như vậy thì hầu hết các cửa hàng này đều trả lời: Do công ty tăng nên chúng tôi phải tăng thôi. Như vậy, cùng một loại mũ nhưng mỗi nơi một giá khác nhau, điều đáng nói là giá MBH sau khi trợ giá tại cả hai đại lý trên đang cao hơn rất nhiều so với mức giá thực tế mà nhà sản xuất đưa ra là 85.000 đồng và các công ty trên đều khẳng định sản phẩm mũ bảo hiểm này chưa hề tăng giá trong hơn 1 tháng qua.

Trong khi đó, cùng chủng loại, tại cửa hàng số 28 đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) bán với giá 140 nghìn đồng (đã giảm 20 nghìn đồng). Còn với các cửa hàng trên đường Chùa Bộc, giá bán giao động từ 120-140 nghìn đồng (chưa giảm giá).

Nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn vì giá mũ mặc dù được quảng cáo có hỗ trợ nhưng người bán lại tự ý nâng giá lên rồi lại hạ giá xuống. Theo họ nếu cửa hàng đẩy giá mũ lên rồi giảm xuống thì việc hỗ trợ chỉ là danh nghĩa. Cơ quan quản lý phải làm cách nào để nhà sản xuất phải cam kết không tăng giá và công bố giá bán của từng loại mũ cụ thể để người tiêu dùng tránh khỏi tâm lý bị xâm hại.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp kinh doanh đều khẳng định cửa hàng đã đăng ký hỗ trợ giá cho người mua và MBH bán tại đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Chúng tôi không dám bán MBH kém chất lượng vì nếu vi phạm, Cục QLTT sẽ xử phạt 10 triệu đồng. Với mức tiền này, có bán hết MBH cả cửa hàng mới đủ tiền phạt”. Một doanh nghiệp trả lời. Sắp tới cửa hàng sẽ xin hỗ trợ về số lượng từ các hãng Bktec, Osakar, Honda, Protec vì mỗi lần chỉ được nhập 200 đến 300 chiếc khiến nguồn hàng khan hiếm. Hiện, nhiều cửa hàng không thể thực hiện được việc đổi MBH theo kế hoạch vì lượng bán và đổi quá lớn, trung bình khoảng 80 chiếc/ngày.

Ông Đỗ Thanh Lam, Cục Phó Cục QLTT cho hay: Qua các đợi kiểm tra liên ngành vừa qua, rất nhiều cửa hàng bán MBH đã tự ý nâng giá, thậm chí là gấp đôi so với giá niêm yết của nhà sản xuất. Nhà sản xuất biết nhưng không thể kiểm soát được giá tại đại lý. Tuy nhiên không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể phạt được đại lý vì không có đại lý, họ cũng không thể tiêu thụ được hàng. Bởi vậy, cần phải có biện pháp kiểm soát cụ thể từ các cơ quan chức năng để tránh gây mất niềm tin với người dân về chủ trương đúng đắn này.

* Cần có chế tài nghiêm ngặt


Đợt kiểm tra của Bộ Công Thương hướng vào các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH giả, có kiểu dáng tương tự như MBH…. Bên cạnh việc kiểm tra kiểm soát về chất lượng mũ, các lực lượng chức năng còn xử lý nghiêm những trường hợp tự ý tăng giá mũ bảo hiểm, gây bất ổn thị trường. Đánh giá của Bộ này cho thấy với những nỗ lực của các lực lượng chức năng, chỉ trong thời gian ngắn, vấn nạn MBH rởm, kém chất lượng từng bước được dẹp, MBH đạt chuẩn đang dần lấy lại được thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là thành công bước đầu, còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, hiện vẫn còn nhiều bất cập khiến một số địa phương chần chừ trong công tác này. Chẳng hạn như: Việc thu giữ chủ yếu của người bán vỉa hè, cửa hàng nhỏ, khó xử lý; khi tịch thu không có kho chứa, kinh phí tiêu hủy không có. Bên cạnh đó, do Cục QLTT không trực tiếp quản lý các chi cục địa phương mà chỉ chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ, vì vậy, không có sự chỉ đạo xuyên suốt và bất cập trong công tác phối kết hợp.

Cùng với đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng triển khai còn quá mỏng, cả tổ công tác của Cục chỉ có 4 người; phương tiện, trang thiết bị và kinh phí hoạt động... hầu như không có, khiến công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều hạn chế…

Để cuộc chiến với MBH rởm, kém chất lượng đạt kết quả, Cục QLTT đề xuất không chỉ trong thời điểm này mà lâu dài, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, công tác hậu kiểm phải quyết liệt, thậm chí “đánh” vào thi đua của từng lực lượng. Đồng thời, phải có chế tài mạnh hơn khi xử lý các trường hợp vi phạm bởi hiện nay chỉ tập trung vào phạt hành chính thì không triệt để xử lý vi phạm.

Đối với những đơn vị, doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh MBH kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, tự ý tăng giá cần xử phạt nặng, như: Rút giấy phép, tự bỏ kinh phí để tiêu hủy.... Đặc biệt, nhanh chóng thành lập đội đặc nhiệm thay mặt các lực lượng trên cả nước xử lý các điểm kinh doanh MBH không đạt chuẩn. Địa phương nào bỏ ngỏ, buông lỏng kiểm soát sẽ xử lý người đứng đầu cơ quan quản lý tại địa phương. Bên cạnh đó, cần gấp rút thành lập Tổng cục QLTT để chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, góp phần ổn định thị trường.


Uyên Hương
Bỏ quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm 'rởm'
Bỏ quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm 'rởm'

Sau khi lấy ‎ý kiến thăm dò của người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định bỏ quy định xử phạt đối với người đội mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN