Lúng túng quản lý thị trường xe đạp điện

Xe đạp điện hiện được sử dụng khá phổ biến tại các thành phố lớn, với đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên và người có tuổi. Tuy nhiên, thị trường xe đạp điện đang trở nên mất kiểm soát khi có quá nhiều nhãn hàng, chủng loại xe được bày bán.

Hiện nay, rất nhiều xe đạp điện không rõ nguồn gốc đang được bày bán công khai trên thị trường.

So với loại phương tiện phổ biến hiện nay là xe gắn máy, xe đạp điện có nhiều ưu thế hơn. Đầu tiên, loại phương tiện này có mức giá khá "mềm". Chỉ cần bỏ ra từ 11 triệu đồng là người tiêu dùng có thể sở hữu một chiếc xe đạp điện chất lượng tốt. Trong khi đó, xe máy có giá khoảng 17 triệu đồng trở lên; đó là chưa kể đến phí đăng ký, bảo hiểm… Sử dụng xe đạp điện, người dùng còn tiết kiệm do chi phí nạp điện thấp hơn đổ xăng rất nhiều. Ngoài ra, do phí gửi xe đạp điện hiện nay được tính như xe đạp bình thường nên người dùng cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ.


Thị trường xe đạp điện hiện nay khá phong phú về chủng loại với sự xuất hiện của nhiều nhãn mác như Yamaha, Giant, Delta, E-Bike, Viha, E-GO, Bluewing… Xe đạp điện, đặc biệt là xe do Trung Quốc sản xuất có nhiều kiểu dáng mới lạ, bắt mắt. Nhiều xe được thiết kế giống như những chiếc xe máy, cũng có đồng hồ tốc độ, đèn pha, xi nhan, giảm xóc, ngăn chứa đồ,… nên được giới học sinh, sinh viên ưa chuộng. Đặc điểm chung những loại xe này là vừa có thể chạy bằng điện vừa đi được như xe đạp bình thường, tốc độ tối đa vào khoảng 20-30 km/giờ. Kích thước và trọng lượng xe gọn nhẹ (28-35 kg/chiếc). Mỗi lần nạp điện chỉ hết 3 số điện chưa tới 5.000 đồng mà có thể chạy được khoảng 40-60 km. Đáng lưu ý, hiện nay người sử dụng xe đạp điện không cần đến bằng lái.


Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức về số lượng xe đạp điện, xe máy điện lưu thông tại nước ta; tuy nhiên, bằng trực quan có thể thấy số lượng phương tiện này đang tăng mạnh. Do xe đạp điện không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, không phải nộp phí đường bộ, nên việc kê khai nhập khẩu xe đạp điện chủ yếu dựa vào khai báo của đơn vị nhập khẩu.


Chị Thùy Anh (Hàng Bồ, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có nhu cầu mua một chiếc xe đạp cho con đi học, nhưng khi đi mua thì chị thấy rất khó chọn do tên tuổi của các hãng đều lạ. “Chọn mua xe máy dễ hơn vì người tiêu dùng đã biết thương hiệu của các hãng uy tín. Thị trường xe đạp điện toàn hãng lạ, chúng tôi mua theo kiểu ăn may, chứ không biết hàng có đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật hay không”, chị Thùy Anh cho biết.


Ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý xe hai bánh chạy điện. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) căn cứ các quy định hiện hành tổ chức đăng kiểm xe máy điện; khẩn trương rà soát, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng phương tiện; Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu, thực hiện việc đăng ký phương tiện là xe đạp điện và xử lý các hành vi điều khiển xe đạp điện gây ra vi phạm Luật Giao thông.

Anh Nguyễn Văn Trường, chủ một cửa hàng xe đạp điện (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết: Anh nhập xe đạp điện từ một công ty cung cấp, còn về xuất xứ của những chiếc xe này, hay chúng được đưa vào nước ta như thế nào, anh không thể biết được.


"Xe đạp điện được bày bán trên thị trường chủ yếu là do Trung Quốc sản xuất. Nhiều xe được giới thiệu là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan, nhiều khả năng cũng là xe do Trung Quốc sản xuất vì chúng không kèm theo giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Thêm vào đó, các loại hàng nhái, hàng rởm cũng rất nhiều. Người tiêu dùng nên đến những địa chỉ có uy tín nếu có nhu cầu mua xe đạp điện”, anh Trường cho biết.


Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua, xe đạp điện được nhiều người dân chọn mua do giá hợp túi tiền, đi lại thuận tiện, hơn nữa còn không bị bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Trong trường hợp đó, không ít doanh nghiệp đã nhập xe về bán. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện đúng pháp luật thì vẫn còn có doanh nghiệp vi phạm.


“Từ đầu năm đến nay, có hơn 30 trường hợp vi phạm đã bị phát hiện và xử lý. Gần 300 xe đạp điện các loại đã bị tịch thu do không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, còn nhiều vi phạm khác được kiểm tra phát hiện như bán không đúng giá niêm yết”, ông Lam cho biết.


Theo ông Lam, để quản lý thị trường xe đạp điện, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó quan trọng là cần phải có một văn bản quy phạm pháp luật để giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại; thiết kế kênh phân phối phù hợp để hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý và đảm bảo chất lượng.

 

Bài và ảnh: Thu Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN