Lũ về... nhưng kém vui!

Những ngày gần đây, nhiều cơn mưa lớn xuất hiện kéo dài kết hợp nước lũ từ thượng nguồn, nước đã tràn đồng hầu hết các huyện, thị tại tỉnh Đồng Tháp. Tuy nước đã về, nhưng bà con kém vui do nguồn lợi thuỷ sản không nhiều như các năm trước.

Tính đến ngày 10/10, mực nước lớn nhất tại các trạm thượng nguồn sông Mê Kông ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 31 - 59 cm và cao hơn cùng kỳ năm 2015 từ 80 - 264 cm. Riêng, tại trạm PhnomPenh Port thấp hơn trung bình lũ nhiều năm 113 cm. Tại Đồng Tháp, hiện mực nước lũ tại các nơi trong tỉnh đang lên chậm.


Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đồng Tháp nhận định, mực nước các nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt đỉnh vào đầu nửa tháng 10, sau đó sẽ xuống thấp. Cũng theo đánh giá của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đồng Tháp, mực nước tại các nơi trong Tỉnh ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2015 từ 2 - 102 cm, nhưng thấp hơn mực nước trung bình cùng kỳ giai đoạn năm 2000 - 2015 từ 46 - 96 cm và thấp hơn mức báo động 1 từ 2 - 116 cm. Riêng, khu vực thành phố Cao Lãnh và các huyện, thị cuối nguồn phía Nam tỉnh như Tháp Mười, Lai Vung, Châu Thành có mực nước cao hơn mức báo động 1, thậm chí một vài nơi trên báo động 2, báo động 3.

Anh Nguyễn Văn Tý (ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang) giăng lưới bắt cá kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình khi mùa nước lũ về. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Nước về, nhưng theo ghi nhận tại các địa phương, nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên trong mùa lũ năm 2016 không cao. Theo đó, tình hình đánh bắt thuỷ sản của người dân, đặc biệt là các hộ dân gắn bó với nghề đánh bắt thuỷ sản mùa nước nổi ngày càng giảm dần, do nguồn lợi thuỷ sản năm nay tự nhiên không còn như các năm trước.


Ông Nguyễn Văn Công, ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết: "Tưởng nước lũ năm nay lớn, nên mừng, không ngờ nước lũ nhỏ mà không có bao nhiêu cá. Đi giăng lưới, đặt dớn ở Gò Chùa, Gò Bói, huyện Tân Hồng cách đây hơn 20 km, thậm chí có khi qua giáp ranh cánh đồng Campuchia mới có kha khá cá bán, chứ đặt ở đây là thua, chỉ đủ cá ăn hằng ngày".


Theo người dân tại ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, năm nay không chỉ cá tôm ít, mà cua ốc cũng không còn nhiều. Là người có kinh nghiệm đặt lợp cua hơn chục năm, bà Đinh Thị Bánh ở ấp Bình Lý cũng chia sẻ: "Năm ngoái mỗi ngày thu hoạch hơn 20 kg cua, ốc. Năm nay thu hoạch chưa được 15 kg mỗi ngày, trong khi giá cua không tăng, chỉ dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/kg".


Ông Trần Phước Lộc, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự cho biết: "Sở dĩ, lượng cá tự nhiên năm nay ít là do lũ về muộn lại thấp nên các loài tôm, cá sinh sản chậm. Thêm vào đó, bắt đầu có lũ về, nhiều hộ dân sử dụng ngư cụ đánh bắt theo kiểu tận diệt, nên nguồn thuỷ sản cũng không còn".


Trước tình hình này, lãnh đạo địa phương đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tháo dỡ các như ngư cụ nằm trong danh mục cấm khai thác huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn.

Chương Đài (TTXVN)
Lũ không về, nông dân Tiền Giang lo lắng
Lũ không về, nông dân Tiền Giang lo lắng

Nước lũ không về, việc làm đất, cày trục ngâm lũ chuẩn bị cho sản xuất Đông Xuân đã khó khăn, nan giải. Những làng nghề chỉ làm ăn sung túc trong mùa lũ cũng bị tác động mạnh, coi như mai một hoặc làm ăn cầm chừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN