Sáng 1/3, nhiều người dân Hà Nội hồi hộp, lo lắng khi hay tin nghi có 4 người nhảy xuống sông Hồng (đoạn qua cầu Đông Trù) tự tử. Một chiếc xe ô tô màu trắng 5 chỗ ngồi và 1 đôi dép người lớn, 3 đôi dép trẻ em được để lại trên bờ, cùng với lá thư tuyệt mệnh có nội dung vì buồn chán cuộc sống nên 4 mẹ con quyết định nhảy cầu. Từ dữ liệu này, cơ quan chức năng nhận định ban đầu là một vụ tự tử.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an phường Thượng Thanh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Các lực lượng chức năng đã đi thuyền máy tìm kiếm nạn nhân quanh khu vực cầu Đông Trù. Trong cái giá lạnh tê người, hàng chục cán bộ, chiến sỹ cùng một số người dân làm nghề chài lưới bên sông đã lật từ đám cây, vạt cỏ với hy vọng tìm ra manh mối vụ việc. Ở trên bờ, các phóng viên báo chí cùng đông đảo người dân nóng lòng chờ thông tin về một sự may mắn nào đó.
Hơn 5 giờ đồng hồ tìm kiếm từ khu vực lòng nước sâu đến các bờ bãi ven sông, lực lượng chức năng không phát hiện ra nạn nhân. Cuộc tìm kiếm chỉ kết thúc khi Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin lại với lực lượng Công an Hà Nội là 4 người nghi tự tử ở Cầu Đông Trù đang bình an tại quê nhà. Cụ thể, lực lượng chức năng xác định: Chị N.T.T.H (trú xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là người điều khiển chiếc xe ô tô trên, chở 3 con trai đến cầu Đông Trù. Sau đó, 4 mẹ con xuống xe bỏ đi, mục đích để dọa chồng chứ không có ý định nhảy cầu tự tử. Chị H đã gọi điện báo cho gia đình chồng biết 4 mẹ con vẫn an toàn.
Nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm vì không có ai xấu số, thiệt mạng. Vụ việc trên thực ra chỉ là hành vi dọa dẫm của một phụ nữ khi mâu thuẫn với người chồng của mình. Sẽ không có gì đáng nói và không ảnh hưởng đến ai khi hành vi đó diễn ra tại một không gian gia đình hẹp. Tuy nhiên ở đây, người phụ nữ đã dựng ra một “màn kịch” hoàn hảo cho hành vi dọa dẫm của mình với địa điểm được chọn là nơi có đông người qua lại. Vì vậy, những vật chứng như đã nêu ở trên xuất hiện vào thời điểm đầu giờ sáng đã gây tác động tâm lý rất lớn đối với những ai chứng kiến; khiến lực lượng chức năng phải lập tức vào cuộc để điều tra.
Chỉ vì một suy nghĩ nông nổi đã làm bao người phải vất vả, căng thẳng, lo lắng. Không chỉ mất thời gian cho lực lượng chức năng mà còn gây tốn kém, tiền của, tài sản của Nhà nước. Hành vi này thật cần phải lên án và có chế tài xử lý nghiêm để răn đe những hành vi tương tự có thể xảy ra.
Cuộc sống gia đình, nhất là cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”. Tuy nhiên trước sóng gió, vợ chồng càng cần phải bình tĩnh suy xét mọi nhẽ thiệt hơn để tìm hướng giải quyết hợp lý. Việc hai người trưởng thành chung sống không hòa hợp, có thể chia tay. Song trong trường hợp, hai vợ chồng có con chung càng cần phải có sự cân nhắc thấu đáo hơn. Không lẽ, cứ mỗi khi “cơm không lành, canh không ngọt” lại nghĩ đến chuyện ly dị hay quay về nhà mẹ đẻ hoặc tệ hơn là tự tử để giải thoát.
Pháp luật không cấm công dân tự kết liễu đời mình, nhưng không cho phép xúi giục người khác tự sát hoặc ép buộc, tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Công dân sinh ra phải có bổn phận với cha mẹ, nghĩa vụ với gia đình và xã hội. Có người từng nêu quan điểm, là một người mẹ phải có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các con đến khi trưởng thành; đồng thời, có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già.
Người mẹ không những không bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con mà lại mang con đi tự tử (sát hại con hoặc xúi giục con tự sát cùng mình) thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Không ít các ý kiến đã thẳng thắn đề nghị cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm trường hợp này để răn đe. Bởi vì thực tế, có thể ai đó sẽ bắt chước hành động này, khiến cho xã hội rối ren, lực lượng chức năng vất vả điều tra, xác minh.
Do vậy, trước khi hành động hãy suy nghĩ thấu đáo, đừng để việc cá nhân làm ảnh hưởng đến cả xã hội.