Vì lợi ích cộng đồng
Một số tuyến phố nhỏ, ngõ nhỏ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hình thành từ những năm 1980 và không còn phù hợp với thực tế đô thị hiện nay, thậm chí còn "bóp nghẹt" sự phát triển, đồng thời là tác nhân gây ùn tắc giao thông. Vì vậy, quận đã và đang tiến hành mở rộng nhiều tuyến phố, ngõ nhỏ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt, giao thương của người dân.
Đơn cử như việc xây dựng các tuyến phố như: Thể Giao với phố Lê Đại Hành, đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài; đường Thi Sách kéo dài, phố Dương Văn Bé… Những dự án này, ban đầu cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Song, sau nhiều lần đối thoại, vận động thuyết phục, cùng chính sách đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng đảm bảo quy định nên nhiều hộ dân đã đồng thuận bàn giao đất để thực hiện công trình. Đến nay, các con phố trên đã trở nên thông thoáng và khang trang hơn, minh chứng thuyết phục cho chủ trương mở rộng con ngõ nhỏ xuống cấp vì lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thuận lợi. Nằm trên con phố Bạch Mai, ngõ chùa Liên Phái (phường Cầu Dền) chật hẹp mà hàng ngày lưu lượng người qua lại giao thương khá lớn. Ùn tắc xảy ra thường xuyên và rất nguy hiểm nếu phát sinh hỏa hoạn hay có trường hợp cần cứu thương. Đây là một trong những tác nhân gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.
Trước thực tế trên, UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 9/5/2014 về việc xây dựng, mở rộng ngõ chùa Liên Phái (từ phố Bạch Mai đến đường Đê Tô Hoàng) và chia thành 3 giai đoạn thực hiện với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.040 m2, số hộ phải di dời một phần là 84 hộ và 2 điểm đất tổ chức do UBND phường quản lý.
Mục đích của dự án để hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, cải thiện cảnh quan đô thị, nâng cao đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận; đồng thời góp phần giữ gìn, bảo vệ tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đã được xếp hạng chùa Liên Phái.
Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân. Tuy nhiên, trải qua gần 3 năm thực hiện, dự án vẫn chưa hoàn thành do một số hộ dân cố tình chây ì, không chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Các hộ đưa ra yêu cầu được bồi thường về đất và tài sản trên đất theo giá thị trường chứ không chấp nhận giá bồi thường theo quyết định đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Lý giải về việc này, ông Ninh Anh Hải - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng chia sẻ, dự án phục vụ mục đích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội và giao UBND phường Cầu Dền làm chủ đầu tư. Vì sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trong xây lắp nên không thể thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo thỏa thuận.
Lãnh đạo UBND phường Cầu Dền cũng khẳng định, phía địa phương đã vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước hiện hành nhằm bù đắp cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng ngõ chùa Liên Phái; đồng thời giải thích thấu đáo các ý kiến, kiến nghị trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Song, trước việc một số hộ dân cố tình không chấp hành quy định của Nhà nước trong giải phóng mặt bằng, UBND quận đã chỉ đạo phường xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện cưỡng chế thu hồi đất và phương án phá dỡ đối với hộ không chấp hành. Dự kiến, tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ trong tháng 5 này.
Bà Nguyễn Thị Thường số nhà 23 ngõ chùa Liên Phái chia sẻ, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt và mong muốn chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để người dân sớm ổn định, được hưởng lợi ích từ dự án mang lại.
Đối thoại để tạo đồng thuận
Quận Hai Bà Trưng đang triển khai và dự kiến thực hiện giải phóng mặt bằng 31 dự án, thu hồi đất của 86 tổ chức và 4.026 hộ dân; trong đó, trọng điểm là dự án đường Vành đai 2 (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng). Để thực hiện giải phóng mặt bằng đối với dự án trên, quận dự kiến sẽ thu hồi trên 425.710 m2 đất và bố trí gần 13.670 tỷ đồng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất.
Chia sẻ kinh nghiệm trong đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND quận nhấn mạnh đến việc đối thoại với nhân dân, coi đây là tinh thần xuyên suốt chủ đạo trong phần việc vốn được coi là nhậy cảm và khó khăn này.
Điểm khác biệt ở quận Hai Bà Trưng so với các địa bàn khác là việc thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng với nhiều cán bộ chủ chốt tham gia. Các thành viên được Hội đồng phân công trên tinh thần rõ người, rõ việc và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình làm việc, trên cơ sở đảm bảo đúng quy trình giải phóng mặt bằng. Tinh thần chỉ đạo của Hội đồng là tập trung tuyên truyền, đối thoại từ cấp cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không tạo điểm nóng gây mất trật tự an toàn xã hội - ông Trung cho hay.
Trong trường hợp người dân khiếu nại, thắc mắc, quận sẽ lập tức cử ngay tổ công tác gồm nhiều phòng chuyên môn, chính quyền phường, thậm chí là mời lãnh đạo các sở đến gặp gỡ, đối thoại, giải thích và ghi nhận ý kiến, kịp thời tháo gỡ bất cập cũng như đáp ứng ngay những nguyện vọng chính đáng của người dân. Điều này giúp người dân cảm thấy được tôn trọng nên thiện chí trong việc chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng.
Nhờ cách làm trên, đến nay quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - cầu Mai Động (giai đoạn 1) mà không phải cưỡng chế trường hợp nào.
Còn đoạn cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng (giai đoạn 2) của đường Vành đai 2 có 1.387 hộ dân, 44 tổ chức thuộc diện giải phóng mặt bằng, nhưng hiện quận đã phê duyệt phương án bồi thường gần 700 hộ và 9 tổ chức; 300 hộ và 9 tổ chức đã và đang phá dỡ. Tổng kinh phí đã chi trả gần 2.000 tỷ đồng. Quận Hai Bà Trưng đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt toàn tuyến xong trước tháng 7/2019 và vừa phê duyệt vừa phá dỡ bàn giao từng đoạn cho nhà đầu tư.
Thành phố Hà Nội ghi nhận, tại tuyến đường Vành đai 2, mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nhất, song quận Hai Bà Trung lại có ít khiếu kiện nhất, đảm bảo tiến độ đề ra và là một trong những địa bàn thực hiện tốt giải phóng mặt bằng.