Lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn 2018-2021 được bù lương mức cao nhất là bao nhiêu?

Bạn đọc hỏi: Tôi là một lao động nữ về hưu từ đầu năm 2018 và so với đồng nghiệp về hưu từ năm 2017 thấy thiệt gần 10%. Vậy trong thời gian tới tôi có được bù khoản chênh lệch này hay không và mức bù sẽ là bao nhiêu?

Về vấn đề này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021.

Theo đó, 91.000 lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn này, có thời gian đóng BHXH từ 20 năm tới 29 năm 6 tháng, sẽ nhận mức hỗ trợ khác nhau (từ 0,27- 12,31%).

Cụ thể, đối tượng điều chỉnh trong Nghị định là số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mà tỉ lệ hưởng lương hưu tính theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 và Khoản 2, Điều 74 của Luật BHXH thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017, bảo đảm hài hòa với lộ trình điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nam giới bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng thời điểm.

Bảng điều chỉnh cụ thể bù lương hưu với nữ giai đoạn 2018-2021 như sau:

 

 

Theo Bộ LĐTBXH, từ ngày 1/1/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014, quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018.

Cụ thể: Do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm, còn của nữ thì áp dụng thay đổi ngay trong năm 2018, nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%). Đồng thời, cũng tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam (lao động nam chỉ giảm 1% đến 2%).

Do thời gian đã đóng BHXH của lao động nữ là khác nhau, nên tỉ lệ hưởng lương hưu bị giảm trừ cũng khác nhau, dẫn đến các mức điều chỉnh cũng phải tính toán khác nhau tùy thuộc vào số thời gian đã đóng BHXH và năm nghỉ hưu. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nguyên tắc tính toán một trường hợp mẫu, sau đó áp dụng cho các trường hợp tương tự.

Giả sử lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH, thì tỉ lệ hưởng lương hưu năm 2018 theo Luật là 65%; tỉ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng BHXH nhưng nghỉ hưu ở năm 2017 là 75%; mức giảm sẽ là 10% trong 1 năm (2018 so với 2017). Nếu kéo dãn lộ trình giảm tỉ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022, thì mỗi năm, lao động nữ sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng 1/5 của 10%) so với năm trước. Như vậy, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; năm 2019 giảm 4%; năm 2020 giảm 6%; năm 2021 giảm 8% và năm 2022 giảm 10%. Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng thêm số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính theo Luật BHXH (10%) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới, tức là sẽ tăng thêm vào tỉ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4%; năm 2021 là 2% và từ năm 2022 thì không được điều chỉnh vì kết thúc lộ trình như nam giới.

Tuy nhiên, cách tính nêu trên mới chỉ tính tăng thêm vào tỉ lệ hưởng lương hưu (tỉ lệ %). Nếu điều chỉnh vào lương hưu (số tiền tuyệt đối), thì mức điều chỉnh sẽ cao hơn tương ứng bằng 12,31% (bằng 8% chia cho 65%) nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018. Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn tiếp theo, mức điều chỉnh tương ứng là: Năm 2019 là 9,23%; năm 2020 là 6,15% và năm 2021 là 3,08%.

Cũng theo tính toán của Bộ LĐTBXH, cũng với cách tính tương tự, có thể tính được mức điều chỉnh cho những trường hợp có thời gian đóng BHXH khác nhau trong khoảng từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng như sau: Lao động nữ đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2018, sau khi được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng thì tiếp tục được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định này. Lao động nữ đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định này được truy lĩnh phần điều chỉnh của những tháng trước đó. Mức lương hưu sau khi điều chỉnh theo quy định của Nghị định này là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.

Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mà có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng trên 91.000 người (Trong đó: Năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.000 người; năm 2020 là 23.500 người và năm 2021 là 25.100 người).

Thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí cụ thể như sau: Năm 2018 phát sinh 27,8 tỉ đồng; năm 2019 là 23,7 tỉ đồng; năm 2020 là 18,1 tỉ đồng; năm 2021 là 10,3 tỉ đồng. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 80 tỉ đồng.

 

XC/Báo Tin tức
Cobots giúp an toàn hơn trong lao động
Cobots giúp an toàn hơn trong lao động

Trong khuôn khổ triển lãm sản xuất Việt Nam 2018 (VME) diễn ra từ ngày 8-10/8, Universal Robots (UR) tổ chức giới thiệu “Tự động hóa và điều khiển tại Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN