Chỉ bán sản phẩm sẵn có
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó, nhiều làng nghề vẫn giữ được tốc độ phát triển tốt như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thêu, dệt lụa… Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề thiếu lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang, Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang cho biết, vài năm trở lại đây, làng nghề Phú Vinh vốn nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan truyền thống, nhưng không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe.
Còn tại làng nghề sản xuất giày da Phú Yên, huyện Phú Xuyên là nơi được đánh giá là nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, người thợ nơi đây đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng nhưng cũng chỉ chủ yếu bán trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài số lượng còn hạn chế và mới chỉ xuất được sang Lào và Campuchia.
Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên chia sẻ, hiện nay, tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 85% tổng thu nhập toàn xã, có trên 70-80% số hộ trong xã có người tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Việc sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống của người thợ được nâng lên. Hiện, một thợ lành nghề làm gia công có thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Là một trong những hộ sản xuất có tiếng ở xã Phú Yên, ông Nguyễn Như Diên, Cơ sở giày dép da Son Linh thừa nhận, hiện cơ sở làm vẫn mang tính chất “hàng cỏ” nhiều, với việc làm ăn nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao. Mẫu mã sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào đối tác đặt hàng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu theo kiểu truyền thống, thông qua các đại lý phân phối.
Tương tự như làng nghề da giày Phú Yên, nghề may xã Từ Thuận, huyện Phú Xuyên được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston nức tiếng gần xa cả trăm năm nay. Ông Đào Ngọc Hùng, Công ty TNHH Hùng Luyến, một trong những hộ sản xuất và buôn bán comple xã Từ Thuận cho biết, đặc thù của việc tiêu thụ sản phẩm là thị trường nội địa chứ chưa xuất khẩu ra nước ngoài được.
Yếu và thiếu nhiều mặt
Quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng chưa được cao, thiếu cơ sở mặt bằng,… đang là điểm yếu mà làng nghề phải đổi mặt. Để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài đòi hỏi các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe; trong khi đó, công nghệ làm ra sản phẩm cuối cùng chưa đáp ứng được yêu cầu của phía khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến cho làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm như: da giày Phú Yên hay may Từ Thuận vẫn quanh quẩn “ao làng”.
Không những vậy, các làng nghề hiện đang đối mặt với việc cạnh tranh về lao động đối với các khu công nghiệp lân cận. Đây là nguyên nhân khiến ông Nguyễn Như Diên dù có khách hàng đặt những đơn hàng lớn, nhưng không dám nhận do không đáp ứng được thời hạn giao hàng.
“Muốn làm to, không dễ tí nào, nhà nào cũng cần thợ, mà nghề này làm theo mùa cũng không giữ được người lao động khi nguồn lực này chảy hết sang các khu công nghiệp”, ông Diên tâm sự.
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên Cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mặc dù các làng nghề đã cố gắng đưa ra các sản phẩm rất đẹp, tuy nhiên, giá trị văn hóa, sự thiết thực của các sản phẩm đối với đời sống của người dân vẫn chưa đạt tới. Thiết bị lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra giá cả không cạnh tranh được với các nước, đặc biệt là Trung Quốc….
Ông Fumio Kato, Giám đốc dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch” trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA cho hay, nhược điểm của các làng nghề Việt nói chung và các nghệ nhân làng nghề nói riêng là không có thói quen ghi chép dữ liệu.
Đó là xem mình đã làm gì và làm như thế nào, để từ đó rút ra kinh nghiệm cho những lần sản xuất. Bên cạnh đó, sản phẩm của Việt Nam to, nặng, mẫu mã đơn điệu làm cho du khách muốn mua nhưng không mua được, cho dù kỹ thuật là hàng đầu thế giới. Một nhược điểm nữa đó là không bao giờ đúng thời hạn giao hàng, chưa kể đến sự khác biệt về chất lượng và sai số chất lượng cực lớn.
Thực tế cho thấy, lâu nay, các làng nghề vẫn kinh doanh theo cách làm truyền thống xưa cũ, đó là sản xuất và bán những cái mình có mà không sản xuất và bán cái thị trường cần; thiếu khả năng tự khai thác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu… Trong xu thế toàn cầu hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 được hi vọng sẽ giúp cho các làng nghề phát triển. Tuy nhiên để tận dụng được những lợi thế này, các làng nghề phải định vị lại trình độ của các chủ thể kinh doanh để có giải pháp áp dụng phù hợp.
Bài 2: Ứng dụng công nghệ thế nào?