Theo các chuyên gia, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn và bán lẻ…
Có thể nói, thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chính xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh ngày nay.
Thực tế cho thấy, câu chuyện Grab và Uber đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua về công tác quản lý cũng như phương thức hoạt động của mô hình ứng dụng gọi xe, khiến hoạt động vận tải công cộng truyền thống gặp nhiều khó khăn do không theo kịp công nghệ.
Bên cạnh đó, sự thay đổi cũng như chuyển mình của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 còn quá thụ động, trong khi đó các dịch vụ áp dụng mô hình số trên thế giới đang ngày càng thay đổi và phát triển, du nhập vào Việt Nam. Điều này đã tạo ra mâu thuẫn giữa những dịch vụ truyền thống và dịch vụ áp dụng công nghệ 4.0.
Đây cũng là những thách thức mà các cơ quan quản lý Việt Nam đang tranh luận để đưa ra những giải pháp phù hợp trong phương thức quản lý cũng như thúc đẩy phát triển, từ đó có thể tiếp cận và hội nhập nhanh, sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đó cũng là lý do “Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018” diễn ra ngày 1/11, do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Viện nghiên cứu phát triển thành phố (HIDS) tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.
Với chủ đề “Thách thức và giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, có 4 vấn đề quan tâm hiện này mà Bộ Thông tin và Truyền thông cần giải quyết: Thứ nhất, làm thế nào triển khai và xây dựng được cơ sở hạ tầng nhanh và hiệu quả. Hiện nay, Bộ đã xây dựng được mạng lưới 3 và 4G rộng khắp trên cả nước, sắp tới Bộ sẽ triển khai mạng 5G. Vì thế, việc xây dựng nội dung số và chính quyền điện tử phù hợp với xu hướng thế giới là điều rất cần thiết.
Thứ 2, đó là làm thế nào để xây dựng được khuôn khổ pháp lý và xử lý hợp lý, hài hòa khi thực hiện nền kinh tế số, ví dụ như câu chuyện Grab và Uber. Thứ 3, làm thế nào đổi mới được giáo dục, dạy nghề đáp ứng nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Thứ 4, quản lý dữ liệu, làm ra dữ liệu và mở ra dữ liệu để người dân có thể sử dụng, áp dụng trong kinh doanh.
Với 4 vấn đề trên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng mong muốn thông qua Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018 sẽ nghe được các ý kiến, các giải pháp của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế toàn cầu, các chuyên gia, diễn giả cao cấp đến từ trong nước và quốc tế để các nhà hoạch định chính sách quốc gia có cái nhìn chiến lược cũng như kinh nghiệm triển khai thực tế tại các tổ chức công và doanh nghiệp.
Nội dung của Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018 có 4 phiên, gồm: kịch bản kinh tế số Việt Nam; công nghệ số tác động đến các quyết định chiến lược của doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; các dịch vụ số hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Diễn đàn đã thu hút trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương, các lãnh sự quán, thương vụ tại TP Hồ Chí Minh, các khu vườn ươm, khu khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và đại diện các trường Đại học… tham gia.