Cùng với khai thác thủy sản, nghề làm khô của người dân nơi đây đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh từ rất lâu. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, cũng là lúc không khí của những làng nghề làm khô ở huyện Đông Hải càng nhộn nhịp. Những cơ sở sản xuất khô tại Đông Hải đang tất bật chuẩn bị các mặt hàng khô truyền thống phục vụ Tết. Nắng to, gió nhiều được xem là yếu tố thời tiết thuận lợi đối với nghề làm khô.
Những ngày này, làng khô tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải luôn trong không khí lao động náo nhiệt. Mỗi người một công việc, xẻ khô ướp muối, mang khô phơi nắng… Tất cả đều diễn ra với nhịp điệu khẩn trương, ai cũng tranh thủ, hy vọng sẽ làm ra nhiều sản phẩm chất lượng trong tiết trời nắng đẹp.
Bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền, ở ấp 1, thị trấn Gành Hào, gắn bó với nghề làm khô đã hơn 20 năm, từ khi còn là thiếu nữ cho đến nay đã có cháu ngoại, cháu nội. Cần mẫn đảo từng con cá khô dưới cái nắng chang chang, bà Tuyền cho biết, năm nào cũng vậy, từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, các thành viên trong gia đình bà lại tất bật vào mùa khô phục vụ Tết. Nghề làm khô của gia đình bà Tuyền cũng như những hộ dân khác ở đây diễn ra quanh năm, nhưng mùa Tết là mùa sôi động nhất, làm nhiều sản phẩm nhất và cho doanh thu tốt nhất. Để con khô tại đây đạt chất lượng, có thương hiệu, những công đoạn làm khô từ thu mua nguyên liệu, đến xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói sản phẩm đều phải đảm bảo đúng quy trình. Những sản phẩm như khô cá lưỡi trâu, khô cá đuối, khô cá lù đù, cá khoai, khô mực, tôm khô… sau khi thành phẩm không chỉ phục vụ thị trường tại Bạc Liêu mà được vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố, là mặt hàng biếu Tết được người dân ưa chuộng.
Làng khô của huyện Đông Hải chia thành nhiều tầng nấc, từ những gia đình làm khô nhỏ lẻ kiểu truyền thống đến các cơ sở sản xuất quy mô. Nhưng dù sản xuất theo hình thức nào, thì con khô ở đây cũng nổi tiếng ngon, là mặt hàng nhiều người kiếm tìm. Đông Hải cũng là địa phương có nhiều vựa khô nhất tỉnh. Người dân làng nghề sau khi sản xuất, một phần bán tự do ra bên ngoài, nhưng phần lớn là bán cho vựa. Từ các vựa, khô sẽ được đóng gói bao bì bán cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, địa phương có trên 30 cơ sở sản xuất, chế biến khô (chủ yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào), mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 700 tấn khô. Nhằm nâng cao giá trị con khô Gành Hào, những năm qua, huyện Đông Hải phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người làm khô yên tâm gắn bó với nghề, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Đến nay đã có trên 10 sản phẩm khô của các chủ thể trong huyện được đánh giá, phân hạng OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng, khô cá kèo…
Năm nay, Gành Hào có trên 30 tấn khô để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trong đó, cung cấp theo đơn đặt hàng của các vựa khô ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh trên 20 tấn, còn lại bán lẻ khoảng 10 tấn. Theo bà Trần Thị Bé, chủ cửa hàng khô Xuân Mai, thị trấn Gành Hào, do tình hình khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm, nguồn nguyên liệu làm khô khan hiếm, giá khô tăng hơn những năm trước. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân làng khô cũng dè dặt không dám sản xuất nhiều vì sợ đầu ra không có. Giá các loại khô có tăng nhưng không nhiều, chỉ từ 10-20% so với thời điểm 1 tháng trước.