Lan tỏa phong trào nói tiếng Anh trong người dân Khánh Hòa

Không chỉ lứa tuổi học sinh, thanh niên, nhiều người dân tỉnh Khánh Hòa ở tuổi 60, 70 vẫn đến các câu lạc bộ tiếng Anh cộng đồng thuộc dự án Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh để tham gia học hằng tuần. Từ đây, phong trào học tiếng Anh được lan tỏa rộng khắp với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Một buổi sinh hoạt tiếng Anh giao lưu giữa các tình nguyện viên của Dự án Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh và các chị em trên địa bàn thành phố Nha Trang.

Thú vị các Câu lạc bộ tiếng Anh

Tại Câu lạc bộ tiếng Anh của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Tân, thành phố Nha Trang, mọi người đều rất chăm chú lắng nghe, đọc to những từ mới khi được tình nguyện viên hướng dẫn.

Bà Trịnh Thị Lên cho biết, buổi sáng, bà buôn bán tại chợ, buổi chiều tranh thủ đến lớp học tiếng Anh. Bà Lên khẳng định, ở tuổi 63, học tiếng Anh chưa bao giờ là muộn. Bản thân bà học tiếng Anh nhằm tự tin giao tiếp với khách hàng người nước ngoài, có thể bán được nhiều món hàng hơn và giao lưu cùng thế hệ trẻ trong gia đình.

Ở tuổi 70, ông Nguyễn Huy Tưởng, ngụ ở phường Phước Tân vẫn không ngại ngùng đọc to và rõ, đúng ngữ âm từng từ tiếng Anh. Ông Tưởng chia sẻ, lúc ông còn trẻ đã được học tiếng Anh nhưng thời điểm đó học xong không sử dụng nhiều, kiến thức cứ vậy mai một dần, rất ngại khi giao tiếp hoặc sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày. Từ khi biết và được tham gia lớp học tiếng Anh vào chiều thứ 6 hằng tuần, ông tự tin đọc và dịch từ, giao lưu cơ bản với các bạn học trong lớp, mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài.

Trong giờ tình nguyện viên (người hướng dẫn các học viên học tập) chưa lên lớp, ông Tưởng vừa ôn kiến thức, vừa tra từ điển để dịch bài tập. Khi gặp từ tiếng Anh thú vị, ông trao đổi với bạn học cùng bàn. Ông Trần Thái Nhật Tân, sinh năm 1971, ngồi cạnh bàn ông Tưởng tự tin giới thiệu bằng tiếng Anh rằng bản thân là một thợ sửa điện và khẳng định, học tiếng Anh nhằm giao lưu kiến thức mặt khác nâng cao trình độ để hướng dẫn thêm cho thành viên khác trong gia đình.

Bà Lê Nguyên Phương Thùy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Tân cho biết, khi mới thành lập câu lạc bộ vào tháng 10/2023, gần như các học viên chưa biết phát âm, nhận dạng mặt chữ nhưng đến nay có thể thông thạo một số câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản, có thể chỉ đường và làm “hướng dẫn viên” cơ bản về thành phố du lịch Nha Trang. Mỗi học viên trong lớp đều hỗ trợ lẫn nhau để cùng học tập hiệu quả.

Để làm được điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phối hợp với các tình nguyện viên của Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng từng học viên và đưa ra phương pháp, hướng dẫn phù hợp từng độ tuổi của học viên. Hội động viên tinh thần học tập bằng cách tặng quà các học viên tham gia học tập chuyên cần, trả lời câu hỏi, tương tác tích cực và có sự tiến bộ trong lớp theo phương châm “Không hiểu thì hỏi, không ngại khó", bà Lê Nguyên Phương Thùy chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tiểu thương ở chợ Đầm, thành phố Nha Trang sau khi tham gia câu lạc bộ tiếng Anh dành cho tiểu thương chợ Đầm đã tự tin giới thiệu hàng lưu niệm cho khách nước ngoài.

Khác với câu lạc bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Tân, Câu lạc bộ tiếng Anh dành cho tiểu thương chợ Đầm, thành phố Nha Trang (thuộc Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh), người tham gia câu lạc bộ, học tiếng Anh xong trực tiếp ứng dụng vào bán hàng. Từ một người gần như “Zero” (số 0) với tiếng Anh, chỉ sau một thời gian ngắn tham gia câu lạc bộ, cô Võ Thị Diệu (42 tuổi, kinh doanh hàng mỹ nghệ lưu niệm) đã có vốn từ khá tốt, dễ dàng hơn khi giao tiếp với khách nước ngoài, nhờ đó, công việc bán hàng thuận lợi hơn.

Có thể giao tiếp tự tin, trò chuyện và giới thiệu các mặt hàng với khách nước ngoài bằng tiếng Anh như bây giờ là điều cô Diệu chưa từng nghĩ tới bởi vốn tiếng Anh ít ỏi từ khi học phổ thông đã bị mai một dần sau nhiều năm không sử dụng. Mặc dù bán hàng lưu niệm, khách hàng là người nước ngoài nhưng vì vốn từ ít nên cô hạn chế giao tiếp. Đến đầu năm 2023, Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh dành cho các tiểu thương, cô Diệu mạnh dạn đăng ký tham gia.

“Khi bán hàng cho khách nước ngoài, tôi bấm giá tiền trên máy tính cầm tay cho khách xem, rồi dùng google tra từ, dịch nghĩa để trao đổi với khách. Du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh, khách nước ngoài tới chợ Đầm ngày một nhiều, tôi càng nhận ra tiếng Anh thực sự rất quan trọng nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Nhờ tham gia Câu lạc bộ tiếng Anh chợ Đầm, tôi thấy mình đã có những tiến bộ vượt bậc so với chính bản thân của những năm trước”, cô Diệu chia sẻ.

Tăng cơ hội giao tiếp với bạn bè quốc tế

Từ tháng 9/2023 đến tháng 6/2024, Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh đã thành lập mới 60 câu lạc bộ sinh hoạt tiếng Anh, nâng tổng số lên 207 câu lạc bộ, vượt 4% so với chỉ tiêu, với khoảng 9.000 thành viên sinh hoạt đều đặn hằng tháng. Chương trình cũng vận động được 190 tình nguyện viên chuyên môn (vượt 27%) tham gia giảng dạy tại các câu lạc bộ; vận động gần 43.200 người tham gia sự kiện, phong trào nói tiếng Anh… Đến nay, chương trình triển khai thực hiện trên địa bàn 6/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gồm: Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên tương tác và sửa từng từ ngữ phát âm ở câu lạc bộ nói tiếng Anh trên địa bàn thành phố Nha Trang.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh. Trong 2 năm qua, khả năng nói tiếng Anh của người dân trên toàn tỉnh được nâng cao, góp phần tích cực vào công tác giáo dục, trao đổi văn hóa, người dân Khánh Hòa có thêm nhiều cơ hội giao tiếp với bạn bè quốc tế.

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Người dân Khánh Hòa nói Tiếng Anh, ông Đinh Văn Thiệu nhìn nhận, từ việc xây dựng mô hình hoạt động cho đến phương pháp điều hành được các đơn vị trong tỉnh phối hợp thực hiện rất tốt. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 6/8 huyện, thị, thành triển khai và thực hiện hiệu quả các hoạt động, lan tỏa tiếng Anh đến từng ngõ, hẻm phố.
Tuy nhiên, Chương trình Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh còn gặp những khó khăn, bất cập như: Việc triển khai thành lập Ban Chỉ đạo tại địa phương còn chậm so với kế hoạch; chưa động viên, tập hợp được cán bộ, giảng viên, sinh viên tiếng Anh tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên chuyên môn; tỷ lệ người dân tham gia vào Chương trình và các sự kiện tiếng Anh tại Khánh Hòa chưa cao...

Do đó, thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị phối hợp để từng bước nâng cao chất lượng, đưa chương trình lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương trong tỉnh.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Đẩy mạnh chương trình học tiếng Anh trẻ em, tăng cường hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh chương trình học tiếng Anh trẻ em, tăng cường hợp tác quốc tế

Ngày 29/6, tại buổi lễ ký hợp tác, Shark Louis - một trong những nhà đầu tư danh tiếng tại Việt Nam và trên thế giới đã chính thức gia nhập Hội đồng quản trị của hệ thống Anh ngữ RES với vai trò Giám đốc chiến lược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN