Theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, tổng đàn lợn của toàn huyện tính đến thời điểm hiện tại là trên 91.560 con, tăng 3.443 con so với cùng kỳ năm 2018. Qua kiểm tra trên địa bàn, từ ngày 26/2/2019 đến nay đã có ba xã Bình Thạnh, N’thol Hạ và Liên Hiệp, trong đó có sáu thôn và chín hộ có đàn lợn bị bệnh và chết phải tiêu hủy do có các triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng, với tổng số lượng lợn nhiễm bệnh là 308 con, chết và tiêu hủy 147 con. Hiện tại số lượng lợn có nguy cơ nhiễm bệnh tại các hộ là trên 504 con.
Cùng ngày, Đoàn đã đến kiểm tra tình hình vận chuyển động vật vào tỉnh tại Trạm kiểm dịch Eo Gió. Tại đây, theo báo cáo của ông Phạm Khánh Dư, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch Eo Gió, đến thời điểm hiện tại Trạm chưa phát hiện trường hợp lợn nhiễm bệnh. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Trạm đã phối hợp với cơ quan thú y tỉnh Ninh Thuận nhằm thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh; phối hợp với các Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện để báo khi có gia súc được nhập về địa bàn nhằm kiểm tra và theo dõi. Đồng thời, Trạm phối hợp với Cảnh sát Giao thông kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc vận chuyển gia súc.
Trước đó, ngày 13/3, Đoàn công tác đã trực tiếp đến kiểm tra và nắm tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại hộ chăn nuôi xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện trên 330 con lợn nhiễm bệnh lở mồm long móng, chưa phát hiện ca bệnh dịch tả lợn châu Phi nào. Công tác tiêu độc khử trùng cũng được đồng loạt tổ chức. Các xác lợn ở suối Cam Ly đã được nhanh chóng tiêu hủy. Các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh được cán bộ thú y hướng dẫn xử lý sạch sẽ nhằm tiêu diệt triệt để mầm bệnh trước lúc có kế hoạch tái đàn.
Ngày 8/3/2019, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cũng đã lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một hộ thuộc xã N’thol Hạ, huyện Đức Trọng. Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn ở đây âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Hiện nay UBND hai huyện Đức Trọng và Lâm Hà đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh trên đàn lợn gây ra.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh trên đàn lợn gây ra, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện Lâm Hà, Đức Trọng tiếp tục tuyên truyền về các giải pháp phòng chống dịch, tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc và cơ sở giết mổ; quản lý chặt chẽ các trang trại và hộ gia đình chăn nuôi để kịp thời xử lý lợn bệnh, không để lây lan.