Lâm Đồng căng sức chống hạn cho cây cà phê

“Nếu trong vài tuần tới, trời không mưa thì vườn cà phê của gia đình tôi không thể ra hoa, có cây không chịu được nắng hạn đang chết khô, trong khi đó, sông, hồ thủy lợi đã cạn kiệt” - ông K’Bít, ngụ tại thôn Gia Bắc 1, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh cho biết. Cũng như ông K’Bít, nhiều nông dân ở khu vực này đang trông ngày, trông đêm mong có nước về để cứu cây cà phê.


Huyện Di Linh là vùng chuyên canh cây cà phê của tỉnh Lâm Đồng đang đối mặt với tình trạng nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt kéo dài nhất trong nhiều năm qua. Chúng tôi về vùng cà phê Di Linh vài ngày sau khi nơi đây có trận mưa hiếm hoi, nhưng dường như trận mưa xấp xỉ 30 mm không thể giúp những rẫy cà phê giải được “cơn khát” đã kéo dài nhiều tháng trời. Nhiều khu vực như Tân Nghĩa, Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Châu... cũng đang diễn ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trầm trọng. Những nương rẫy cà phê đang thời kỳ trổ bông ngày một xác xơ, nhiều vườn cà phê đã đơm trái thì cũng rụng trái vì thiếu nước. Những gốc cà phê đứng trơ ra giữa trời nắng oi ả, lá cây đã bắt đầu chuyển sang màu vàng, rũ xuống.


Ông Nguyễn Thế Tiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho biết, toàn huyện có hơn 41.000 ha cà phê thì mới chỉ tưới được cho 31.000 ha, còn lại thiếu nước. Trong số diện tích đã tưới, một số được tưới hai, ba đợt, còn những nơi ở xa ao, hồ thì chỉ tưới được một đợt. Hiện tất cả các hồ thủy lợi nhỏ trên địa bàn đều cạn kiệt nước, nông dân chủ yếu dựa vào nguồn nước giếng khoan, nhưng không phải hộ nào cũng có điều kiện để đầu tư khoảng 50 triệu đồng để khoan giếng. Theo ông Tiền, hiện cà phê đang trong giai đoạn chờ nước để trổ bông, nếu không có nước tưới thì năng suất chắc chắn bị giảm mạnh.


Chúng tôi đến xã Tân Nghĩa, nơi có hồ thủy lợi Gia Bắc 1, chứng kiến cảnh người dân tất bật kéo ống nước tưới cà phê ngay giữa trưa, nhưng không phải nước từ hồ thủy lợi mà nước giếng khoan, bơm “tăng bo” đến vài lần. Ông Phạm Văn Nghĩa (thôn Gia Bắc 3) cho biết, hồ Gia Bắc 1 đã cạn nước từ hơn tháng nay, gia đình ông phải khoan giếng, đồng thời đào thêm hồ để chứa nước. Giữa buổi trưa nắng oi bức, đứng từ dưới rẫy cà phê nhìn lên trên đỉnh đồi - nơi những gốc cà phê đang “khát nước”, ông Nghĩa đang nối gần 1.000 m ống mới đưa được những giọt nước hiếm hoi đến rẫy. Trước mùa khô năm nay, ông phải mua thêm mảnh đất để đào ao, chờ nước rỉ để tưới giữ cây cho 2 ha cà phê khỏi chết.


Nhưng trường hợp như ông Nghĩa vẫn còn may mắn vì nhiều hộ dân trong xã bỏ tiền khoan giếng hàng chục mét mà không có nước, phải thuê bơm nước với giá 160.000 đến 180.000 đồng/giờ, tùy khu vực gần hay xa nguồn nước. Tính ra với mỗi đợt tưới cà phê, người trồng phải mất từ 3,5 - 7 triệu đồng/ha.


Tại khu vực hồ Gia Bắc 1, ông K’Bít và nhiều người dân trong thôn đang cố gắng nạo vét một đoạn mương để lấy nước. Ông K’Bít cho biết, ông phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ thì nước mới dâng đủ để bơm, xong lại ngồi chờ không kể ngày đêm. Theo ông K’Bít, ngoài nguyên nhân nắng nóng kéo dài còn nguyên nhân khác dẫn đến việc hồ thủy lợi nhanh hết nước, đó là do công trình này chưa có bờ chắn bùn, nên lượng bùn, đất đã trôi từ trên rẫy xuống lòng hồ, khiến hồ bị bồi đắp.


Lâm Đồng là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê thu hoạch hằng năm đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Đắk Lắk. Hiện nay, diện tích cà phê của tỉnh đạt khoảng 136.000 ha, với sản lượng hàng năm lên tới trên 250.000 tấn.


Ông Nguyễn Thế Tiền cho biết, không chỉ người dân mà cả lãnh đạo huyện cũng đang dồn sức để chỉ đạo thực hiện các giải pháp chống hạn cà phê. Giải pháp cấp bách hiện nay là cho mở cống xả đáy các hồ thủy lợi lớn còn nước để điều tiết nước về hạ lưu. Những hộ dân nào có đất sình thì khảo sát hỗ trợ đào ao lấy nước tưới cho cả các hộ lân cận, đồng thời vận động người dân hỗ trợ nhau, nhà có giếng khoan hỗ trợ nhà không có. Huyện cũng tạm thời sử dụng biến áp của hệ thống đèn đường cho những vùng thiếu điện bơm nước. Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, đồng thời vận động nông dân trồng cây che bóng cho cà phê, tăng cường bón phân hữu cơ và tưới tiết kiệm từ đầu mùa khô.


Đặng Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN