Ký túc xá rẻ, đẹp nhưng bất tiện

Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và khu ký túc xá Mỹ Đình (Hà Nội) được đánh giá là những khu ký túc xá tiện nghi, hiện đại nhất Hà Nội nhưng đến nay, sinh viên đến đăng ký ở rất ít.

Bài 1: Vì sao sinh viên không muốn ở

Bến xe buýt xa với chỗ ở, không có mạng internet trong phòng, không biết leo giường tầng,... là những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không muốn về ở những khu ký túc xá hiện đại mới được đưa vào sử dụng.

Không tiện lợi

Tại khu ký túc xá (KTX) Pháp Vân - Tứ Hiệp, chúng tôi gặp Trần Thị Thu Trang, quê Hưng Yên, sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, khi em đang ôn thi. Căn phòng Trang đang ở có diện tích 56,9m2, được bố trí bàn học và tủ đựng đồ mới toanh. Khu vệ sinh được chia làm hai ô, lát gạch men sạch sẽ và lắp bình nóng lạnh. Nhìn khắp gian phòng, các bóng điện chiếu sáng được bố trí khá đều. Sơn tường được dùng bằng sơn chống thấm. Căn phòng này được bố trí 8 giường tầng dành cho 8 người, nhưng tới nay mới chỉ có 3 người ở. Được biết, giá thuê là 205.000 đồng/tháng/người (chưa tính tiền điện, nước). Giá cả này được đánh giá là rất phù hợp với túi tiền eo hẹp của sinh viên. Tiền điện thu 1.800 đồng/số, tiền nước 6.000 đồng một khối. Trong khi ở các phòng trọ trên địa bàn Hà Nội thu 4.000 đồng/số điện.

Khang trang, sạch sẽ, giường và bàn học mới toanh nhưng rất nhiều phòng chưa có sinh viên đến ở.


Trang cho biết: “Em rất hài lòng với cơ sở vật chất tại đây, rộng rãi, thoải mái. Nhưng đi học không tiện, hiện giờ vẫn chưa có xe buýt đi qua. Lúc nào em cũng lo đi học sớm, học chiều còn đỡ, học sáng phải dậy rất sớm. Trong khi trường cách đây gần 7 km. Hiện tại, em đã đóng tiền thuê ở một kỳ nhưng không biết có gắn bó cả 4 năm học ở đây không”.

Trang cho biết thêm: “Ở đây không được nấu ăn, toàn bộ sinh viên phải ăn cơm ở căng tin. Tuy nhiên, không bao giờ ăn hết suất cơm vì không cảm thấy ngon miệng, trong khi bản thân cảm thấy rất đói, sợ rằng tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước đây, trọ ở ngoài dù có hơi đắt đỏ nhưng được nấu ăn, ăn uống theo sở thích. Nhất là mùa ôn thi, chúng em cần được ăn bữa tăng cường nhưng ở đây lại không có. Ra ngoài mua thì cũng không tiện vì xa và đắt đỏ”.

Còn Mạc Văn Huy, sinh viên năm thứ 4, trường ĐH Xây dựng Hà Nội tâm sự: “Nhiều lúc lười lắm, trời nắng còn đỡ, mưa thì chỉ muốn nghỉ học. Từ đây đến trường mình chắc phải gần 6 km. Chưa kể, ra bến xe buýt đã mất hơn 10 phút đi bộ. Hơn nữa, phòng mà có tới 8 người thì rất phức tạp”.

Như chạm phải nỗi lòng, nhiều sinh viên chia sẻ với chúng tôi, mặc dù cơ sở ở KTX khá đẹp, nhưng nhiều sinh viên vẫn chọn ở trọ ở nhà dân để có được sự tự do và thuận tiện. “Ký túc xá đóng cửa vào lúc 23h, chúng em còn trẻ, nhiều lúc đi chơi, đi làm thêm về muộn thì không thể vào được. Bạn bè, người thân tới thăm bọn em cũng không được tiếp khách ở phòng mà phải sinh hoạt cộng đồng”, một sinh viên cho biết.

Đa số những sinh viên đăng ký trọ tại đây học ở các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học kinh doanh và Công nghệ… Qua khảo sát, sinh viên nào cũng “kêu” bất tiện trong việc đi lại, bởi họ phải đi bộ hơn 1km mới đến điểm xe buýt để bắt xe tới trường.

Kiểu mẫu nhưng lỗi thời

Tình trạng này cũng xảy ra với khu KTX Mỹ Đình (Hà Nội), khu ký túc xá gồm 2 tòa nhà, có chiều cao 21 tầng, bao gồm gần 400 phòng ở, đáp ứng 2.328 chỗ ở cho sinh viên. Mỗi phòng tại KTX Mỹ Đình là 45m2, dành cho 6 sinh viên ở.

Khu ký túc xá có tầng dịch vụ, với đầy đủ các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và học tập của sinh viên, gồm: Phòng y tế, bưu điện và tín dụng, bách hóa văn phòng phẩm, thư viện, kho sách, phòng thể thao trong nhà, quầy giải khát, kho bếp, phòng ăn, phòng cắt tóc...

KTX Mỹ Đình, KTX Pháp Vân- Tứ Hiệp được đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành mô hình “ký túc xá kiểu mẫu” của thành phố Hà Nội, đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt và học tập của học sinh - sinh viên. KTX Mỹ Đình còn có chỗ ở cho học sinh khối THPT chuyên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và một phần dành cho sinh viên quốc tế. Các khu ký túc xá này được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên ở đây khi được hỏi vẫn hóm hỉnh rằng: “Đừng để đói mới ăn vì nơi ăn quá xa, sợ đến nơi sẽ lả mất”. Được biết, nhà N1 và N2 chưa có căng tin nên phải qua 5 đơn nguyên của tòa nhà, mới đến được căng tin.

Bên cạnh đó khu ký túc xá cũng chưa có internet. “Thời đại công nghệ, làm việc trên slide, tài liệu tải từ mạng xuống mà không kết nối mạng thì thật bí bách”, Bùi Thị Bích Phương, sinh viên năm 3 Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cho rằng, giường tầng sẽ phù hợp với nhiều năm trước, nhưng đến nay đời sống đã được nâng cao, giường tầng không còn phù hợp. Bích Phương mới đến đây được hơn 1 tháng mà đã chứng kiến nhiều vụ sinh viên bị trượt chân ở giường tầng, hoặc ngã từ trên giường xuống khi ngủ.

Sinh viên ở khu KTX Mỹ Đình cũng gặp phải tình cảnh từ chỗ ở đến bến xe buýt xa. Theo quan sát, trước cổng KTX Mỹ Đình chỉ có một tuyến xe buýt đi qua là xe số 49, lộ trình Trần Khánh Dư đến Khu đô thị Mỹ Đình II. Như vậy, chỉ có sinh viên các trường như Đại học Quốc gia, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Đại học Văn hóa là thuận tiện cho việc đi lại. Còn những sinh viên trường khác như Học viện Hành chính, Đại học Luật, ĐH Ngoại thương, ĐH Cộng đồng, ĐH Đông Đô… phải đi bộ một đoạn đến điểm bắt xe. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho không có nhiều sinh viên đăng ký ở KTX mặc dù ưa rẻ.

Vân Thi

Bài cuối: Sẽ dần hoàn thiện

Nhà ở sinh viên lại lỗi hẹn
Nhà ở sinh viên lại lỗi hẹn

Hàng chục nghìn tân sinh viên khóa học 2012 – 2016 của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội nhiều khả năng lại phải tìm chỗ trọ ở bên ngoài ký túc xá, bởi 2 dự án khu nhà ở sinh viên quy mô lớn nhất của Hà Nội lại lỗi hẹn thêm một năm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN