Nhiều giải pháp mạnh đang được ngành bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai nhằm kiên quyết thu hồi nọ đọng, xử lý các doanh nghiệp cố tình “chây ỳ”.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến nay số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên đến 70 tỷ đồng. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 59 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 2,7 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là 8,061 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài với số tiền lớn lên đến hàng chục tỷ đồng, như Công ty cổ phần may ATHENA huyện Lâm Thao, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Lô, Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Lô...
Nhiều doanh nghiệp còn mất khả năng thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, như: Công ty cổ phần thép Sông Hồng SHS dừng hoạt động, nợ tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 12/2011 do giám đốc vi phạm pháp luật; Công ty cổ phần Xi măng Hữu Nghị đã chấm dứt hợp đồng lao động với 100% lao động từ tháng 8/2014... Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng, tháng sau đóng cho tháng trước còn tiếp tục diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ lớn…
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh nhận định là do một số chủ sử dụng lao động cố tình chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Mặt khác, do quy định mức xử phạt còn thấp, thời gian khởi kiện kéo dài, việc thi hành án chậm hoặc không thu hồi được, công tác thanh tra, nhất là thanh tra liên ngành chưa được thường xuyên, xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm không kiên quyết, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên một bộ phận người lao động, người dân chưa hiểu hết chính sách nhân văn về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Để hạn chế việc nợ đọng, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các bộ phận chức năng đôn đốc, thu nợ, đặc biệt là những đơn vị nợ đọng số lượng nhiều, kéo dài; yêu cầu bảo hiểm xã hội các huyện, thành, thị thường xuyên thông báo, đến từng đơn vị còn nợ đọng để đôn đốc việc thu nộp; nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn để đưa ra những biện pháp đôn đốc, xử lý kịp thời; phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, các ngân hàng thương mại tiến hành thu nợ.
Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng các ngành hữu quan tiến hành thanh tra các đơn vị sử dụng lao động, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình “chây ỳ”. Nếu đơn vị “chây ỳ”, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý từng bước theo luật định. Bên cạnh đó, ngành phối hợp với cơ quan thi hành án thu hồi tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị đã có quyết định của Tòa án, thị trấn tham gia bảo hiểm bắt buộc; tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động…