Theo báo cáo của 27 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có 31.428 doanh nghiệp (chiếm 25,1% số doanh nghiệp) nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với số tiền lên tới 2.220 tỷ đồng, trong đó, 15.534 doanh nghiệp có số nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ 1.710 tỷ đồng.
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động, năm 2017, các cấp công đoàn Hà Nội đặt quyết tâm dù khó khăn cũng khởi kiện những doanh nghiệp này ra tòa.
Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết, khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ mới và quan trọng của tổ chức công đoàn thành phố.
Theo đó, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, công đoàn ngành chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội quận, huyện và Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội để được hỗ trợ về chuyên môn, cung cấp thông tin và chuẩn bị hoàn thiện các hồ sơ khởi kiện.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Đống Đa Nguyễn Khương Anh cho biết, việc trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cho tổ chức công đoàn là quy định phù hợp với tình hình mới, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, giúp tổ chức công đoàn có thêm cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt vai trò của mình.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới nên các cấp công đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề liên quan đến thủ tục, các bước tiến hành tố tụng khi cán bộ công đoàn còn hạn chế về kiến thức pháp luật...
Để khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm, công đoàn quận sẽ mời Hội Luật gia, các luật sư tư vấn. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động Hà Nội cần sớm mời các chuyên gia về pháp luật Bảo hiểm xã hội tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn.
Bà Cù Thị An, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm cho rằng: Cái khó đối với tổ chức công đoàn là trước đây, cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội là với tư cách cơ quan bị thiệt hại quyền lợi nên không cần được ủy quyền của người lao động nơi doanh nghiệp bị khởi kiện.
Hiện nay, công đoàn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp phải được người lao động ở đó làm đơn, ủy quyền. Trong khi đó, khu vực ngoài Nhà nước không phải doanh nghiệp nào cũng có tổ chức công đoàn, đó là chưa nói tới sức ép, sự cản trở của người sử dụng lao động đối với việc người lao động làm đơn, ủy quyền cho công đoàn khởi kiện…
Trước những khó khăn trên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ đạo, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai hướng dẫn về công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân và tập thể; đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở về kỹ năng, phương pháp tham gia khởi kiện, quy trình tố tụng, tích cực chuẩn bị các điều kiện để tiến hành khởi kiện doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động... Đến nay, các cấp công đoàn thành phố đã chuyển hồ sơ lên Tòa án, khởi kiện 18 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Năm 2016, qua công tác kiểm tra, các cấp công đoàn đã tham gia giải quyết, can thiệp, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và đã được người sử dụng lao động giải quyết (166 người được trở lại làm việc, 260 người được giải quyết trợ cấp thôi việc, 397 người được giải quyết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nhiệp với tổng số tiền được chi trả hơn 23 tỷ đồng).
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động Hà Nội đề nghị UBND thành phố trong quá trình chỉ đạo, đổi mới, sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải lấy người lao động làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách, việc làm cho người lao động.
Đồng thời, Thành ủy cần chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn tăng cường, ổn định mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, giảm thiểu các vụ tranh chấp lao động, nghỉ việc tập thể, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; phối hợp với công đoàn thực hiện tốt kế hoạch “Năm vì lợi ích đoàn viên” 2017.
Tổ chức công đoàn Thủ đô đề nghị thành phố tiếp tục ra Chỉ thị về “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn”, vì năm 2016, tình hình tai nạn lao động, cháy nổ tại Hà Nội tăng đột biến, riêng tai nạn lao động nghiêm trọng chết người tăng gần 200% so với năm 2015.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khẩn trương phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành hướng dẫn các cấp công đoàn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để khởi kiện những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội ra Tòa.