Kiên Giang: Mưa lớn, dông lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đêm 28 đến chiều 29/7, khu vực tỉnh Kiên Giang chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 2 nên xảy ra mưa lớn, kèm theo dông, lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Dông, lốc làm sập, tốc mái nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, từ ngày 16-19/7. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Theo đó, mưa lớn kèm theo dông, lốc đã làm bị thương 5 người ở huyện Gò Quao, thiệt hại 37 căn nhà, trong đó, đổ sập 11 căn nhà, tốc mái 26 nhà dân ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, Châu Thành, Hòn Đất và Vĩnh Thuận, ước giá trị thiệt hại về vật chất ban đầu hơn 1 tỷ đồng. Mưa lớn, dông, lốc còn gây đổ ngã nhiều cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh và ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội ô thành phố Rạch Giá.

Tại huyện Giồng Riềng, mưa lớn, dông, lốc gây thiệt hại hơn 180 ha lúa Thu Đông 2023, tổn thất từ 30 - 100% và 8 ha khoa lang thiệt hại khoảng 70%.

Trước đó, do thời tiết diễn biến phức tạp, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang tạm ngừng hoạt động các tuyến trình Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại kể từ 6 giờ 00 phút ngày 27/7 cho đến khi có thông báo mới. Riêng tuyến Rạch Giá - Hòn Sơn (Kiên Hải) và ngược lại họat động bình thường.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn Kiên Giang, do chịu ảnh hưởng bởi rìa phía Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc, đồng thời, kết hợp với trường gió Tây Nam có cường độ mạnh nên khu vực vùng biển Kiên Giang tiếp tục có mưa và cục bộ có nơi mưa to; gió Tây đến Tây Nam cấp 5, có lúc giật cấp 6, cấp 7 và độ sóng cao khoảng 2 m. Do đó, các tuyến trình Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại vẫn tạm ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, Chi cục Thủy lợi chủ động mở các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành mở tất cả các cửa Công Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp đảm bảo an toàn cho sản xuất. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang trực tiếp xuống hiện trường tại địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai và tổ chức thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại.

Tại các huyện bị thiệt hại do thiên tai đã bố trí chỗ ở tạm thời, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” giúp người dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Các huyện đã tạm ứng ngân sách hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân, huy động lực lượng khắc phục hậu quả như thu dọn cây xanh bị đổ ngã, giúp dân dọn dẹp nhà cửa bị đổ sập, sửa lại nhà ở bị tốc mái, chằng chống lại nhà, phát quang cây cối ven đường, xung quanh nhà, nhất là những tuyến đường có khả năng cây cối đổ ngã, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra do thiên tai. Các huyện tổ chức xác minh, tiến hành các thủ tục trình UBND tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh cho các hộ dân bị thiệt hại, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Mưa lớn làm hàng trăm ha lúa Hè Thu ở Đắk Lắk bị ngập
Mưa lớn làm hàng trăm ha lúa Hè Thu ở Đắk Lắk bị ngập

Ngày 29/7, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) Bùi Mạnh Hải cho biết, trong những ngày qua, trên địa bàn xã và các vùng lân cận có mưa lớn kéo dài, nước từ các lưu vực sông Krông Ana và suối đổ về gây ngập lụt tại một số vùng sản xuất vụ Hè Thu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN