Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ cho hơn 201.000 người, số tiền trên 258 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch phê duyệt hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh đã chi hỗ trợ cho hơn 58.600 người, với số tiền trên 131 tỷ đồng. Mặt khác, tỉnh hỗ trợ 32.359 người dân Kiên Giang trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có dịch gặp khó khăn mức 1,5 triệu đồng/người, với tổng số tiền hơn 48,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngành, huyện, thành phố trong tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, hội từ thiện, cá nhân… đã vận động tiền mặt và hàng hóa, nhu yếu phẩm, với tổng giá trị khoảng 125 tỷ đồng, hỗ trợ cho 258.468 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, trong đó tiền mặt 17 tỷ đồng, còn lại là hiện vật quy ra tiền.
Từ đầu tháng 6/2021, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Kiên Giang phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống đại dịch COVID-19 và ra lời kêu gọi: “Toàn dân tham gia và ủng hộ nguồn lực, kinh phí phòng, chống dịch COVID-19”, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay ủng hộ nguồn lực, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, đến nay Ban cứu trợ cấp tỉnh tiếp nhận bằng tiền mặt hơn 16,6 tỷ đồng và hiện vật trị giá gần 1,9 tỷ đồng, đã phân bổ đến các huyện, thành phố hỗ trợ người dân và bàn giao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Theo đó, phân bổ hơn 12,7 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và các đồn biên phòng, khu cách ly, khu vực phong tỏa, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thị Vệ chia sẻ: “Cùng với Uỷ ban MTTQ tỉnh vận động, huy động xã hội phòng, chống dịch bệnh, Mặt trận cấp huyện và xã đã vận động tiền, hiện vật tổng trị giá gần 160 tỷ đồng để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh còn phối hợp với các tổ chức thành viên, đơn vị liên quan hỗ trợ trên 10 triệu suất cơm miễn phí cho bệnh nhân, cán bộ y tế, lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch, bệnh nhân F0, F1…; hỗ trợ người dân từ các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh trở về Kiên Giang hàng trăm ngàn suất ăn, nước uống và nhu yếu phẩm.
Trong gần 2 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Kiên Giang, nhất là hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới". Cụ thể như: chuyến xe 0 đồng của Ban vận động huyện Tân Hiệp và Phật giáo Hòa Hảo; bếp ăn từ thiện Trúc và Bếp Tâm Lành (thành phố Rạch Giá); xe gạo nghĩa tình của huyện Giang Thành; chuyến xe thiện nguyện vận chuyển rau, củ, quả của huyện Vĩnh Thuận; những chuyến hàng ra đảo của Tỉnh Đoàn…
Nhóm thiện nguyện Tâm Lành (thành phố Rạch Giá) tổ chức bếp Tâm Lành “thổi lửa nấu cơm ngon” hỗ trợ, tiếp sức cán bộ y tế, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện và anh em, chiến sĩ đang căng mình làm nhiệm tại các chốt “vùng đỏ”, “vùng xanh” trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Chị Hoàng Đức Nhã, ở thành phố Rạch Giá, thành viên nhóm thiện nguyện Tâm Lành chia sẻ; Ban đầu, bếp Tâm Lành tổ chức nấu cơm hỗ trợ những cán bộ y tế, bệnh nhân nghèo hoàn cảnh khó khăn đang cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây cũng như ở một số bệnh viện khác cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua khó khăn, bệnh tật. Bếp Tâm Lành từ chỗ chỉ nấu vài trăm suất cơm đã tăng lên 1.000 - 1.200 phần/ngày và khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã tăng lên 1.500 - 1.700 phần cơm/ngày hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nhã cho biết thêm, ngoài việc đóng góp của các thành viên trong nhóm thiện nguyện Tâm Lành, nhóm vận động các nhà hảo tâm, kêu gọi người thân, anh em, bạn bè chung tay, góp sức cho bếp Tâm Lành đỏ lửa, đem đến những phần cơm ngon cho những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những bệnh nhân nghèo khó rất cần sự chia sẻ, tiếp sức của cộng đồng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", bếp Tâm Lành chuyển sang nấu cháo dinh dưỡng buổi sáng để hỗ trợ cho người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đó, từ 6 - 8 giờ hàng ngày, Bếp Tâm Lành cấp phát miễn phí bình quân 100 suất cháo dinh dưỡng cho người lao động nghèo khó khăn như người bán vé số kiến thiết, phụ hồ, lao động nặng nhọc…