Tại buổi đối thoại, đoàn viên, công nhân lao động nêu tâm tư nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị đối với doanh nghiệp như: Hỗ trợ tiền xăng, tăng mức hỗ trợ tiền xăng; đảm bảo việc làm ổn định với mong muốn thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng trở lên; hỗ trợ tiền thuê nhà, miễn phí 100% đối với người lao động ở trong nhà tập thể do doanh nghiệp xây dựng hoặc thuê; tăng hỗ trợ đối với làm thêm, làm tăng ca tương xứng với công sức người lao động; tạo sân chơi, giải trí cho công nhân lao động; hỗ trợ chi phí cho người lao động gửi con dưới 6 tuổi để an tâm lao động sản xuất...
Đối với chính quyền, cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn, các công nhân lao động đề xuất, kiến nghị tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp để có thể mua đất xây nhà, hỗ trợ cho người lao động mua nhà trả góp từ 10 năm trở lên; nâng mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống; tổ chức các khóa học nâng cao tay nghề; tạo điều kiện cho đoàn viên, công nhân lao động có việc làm ổn định, có sân chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi; xây dựng khu vui chơi, giải trí tập thể, nhà trẻ gần khu tập trung đông doanh nghiệp; quan tâm chăm lo tốt hơn đối với đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, sức khỏe giảm sút do mắc dịch COVID-19…
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng trong tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay như: Thiếu nguyên liệu và thiếu lao động phục vụ sản xuất; vận động công nhân tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn do nhiều lao động không đồng ý đóng; chi phí sản xuất tăng, việc xuất khẩu qua các thị trường gặp nhiều khó khăn... Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị được hỗ trợ trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm nguồn lao động phục vụ sản xuất; bố trí quỹ đất hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà ở tập thể, khu vui chơi giải trí cho công nhân; có chính sách ưu đãi lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp trong vay vốn đầu tư hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Mau, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành cho hay, ngành chế biến thủy sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực, đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành kinh tế này của huyện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thiếu nguyên liệu sản xuất, nguồn lao động, giá vận chuyển xuất khẩu tăng cao… và điều kiện vật chất, tinh thần phục vụ đời sống, vui chơi giải trí của người lao động. Nhân buổi đối thoại hôm nay, huyện tiếp thu, nghiên cứu và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi thiết thực, chính đáng, kịp thời hỗ trợ công nhân lao động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm đến các nội dung của hợp đồng lao động, nhất là về tiền lương, nội dung công việc phải làm dẫn đến thiệt thòi khi giải quyết các chế độ chính sách như: bồi thường bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc, thôi việc...
Mặt khác, phần lớn công nhân đều làm thêm giờ, có thời điểm làm thêm giờ quá thời gian quy định, tiền lương sản phẩm làm tăng ca chưa tương xứng với công sức người lao động bỏ ra. Thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 6,5 - 7,2 triệu đồng/người, thu nhập thấp nhất 3,9 triệu đồng/người/tháng, cao nhất gần 20 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, thu nhập của người lao động ngành thủy sản tương đối cao so với một số ngành nghề khác. Tuy nhiên, để đạt mức thu nhập khá cao này, công nhân phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ. Bên cạnh đó, phần lớn công nhân lao động ở nhà thuê từ 650.000 - 1.000.000 đồng/phòng/tháng và nhà ở tập thể doanh nghiệp…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang Trương Thanh Thúy nhấn mạnh: Hiện nay, doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động, thậm chí có doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, người lao động phải nghỉ việc, mất thu nhập. Vì vậy, việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại này với mong muốn sẽ phần nào giải quyết được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, doanh nghiệp.
Trong buổi đối thoại, đại diện các cơ quan chức năng, UBND huyện Châu Thành và Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao đổi, trả lời, giải đáp những ý kiến của đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp nêu ra. Các kiến nghị, đề xuất được ghi nhận là cơ sở quan trọng để đề xuất tỉnh, các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và chăm lo thiết thực cho người lao động.
Tại buổi đối thoại, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang trao tặng cho 50 đoàn viên, công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn trong các doanh nghiệp gồm quà và tiền mặt, mỗi suất 400.000 đồng.