Trong đợt đấu thầu thuốc năm 2013- 2014 vừa qua của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dư luận có nghi vấn về chất lượng của các mặt hàng thuốc được sản xuất và nhập khẩu từ các nước thuộc Châu Á (bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc).
Để làm sáng tỏ vấn đề này, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện việc chọn mẫu để kiểm định chất lượng một số thuốc trúng thầu lần đầu. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện phải nghiêm túc chấp hành việc lấy mẫu kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng và tăng cường giám sát, theo dõi và báo cáo chất lượng các thuốc trúng thầu lần đầu được đưa vào sử dụng. Đó là một trong những nội dung mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa báo cáo Bộ Y tế và UBND thành phố về kết quả đấu thầu tập trung các gói thầu thuốc đợt 1 năm 2013-2014.
Qua phân tích kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu vừa qua của Sở Y tế thành phố, trong tổng số trên 3.700 tỷ đồng giá trị các mặt hàng thuốc này trúng thầu, số sản phẩm do các nhà cung ứng đến từ các nước thuộc Châu Á chiếm một tỉ lệ rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ thuốc chủ yếu được sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 63%, tại Ấn Độ là 6,79%, Trung Quốc chỉ chiếm 0,25%, Hàn Quốc chiếm gần 2,1%.
Về việc lựa chọn thuốc trúng thầu được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các thông tư hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế. Theo đó, các thuốc có điểm kỹ thuật từ 70 điểm trở lên và giá thấp nhất sẽ được xét trúng thầu. Các thuốc này đã được kiểm nghiệm đạt chất lượng và cấp giấy phép lưu hành sản phẩm nên không thể nói có thuốc kém chất lượng vẫn trúng thầu. Đến thời điểm hiện nay, Sở Y tế chưa nhận được phản ánh nào từ phía các đơn vị sử dụng về chất lượng thuốc điều trị.
Liên quan đến một số mặt hàng thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu theo giấy phép chuyến, Sở Y tế thành phố lý giải là do một số thuốc được cấp giấy phép nhập khẩu trên cơ sở dự trù thuốc của một số cơ sở y tế. Về mặt chuyên môn các thuốc này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn, tuy nhiên việc các doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu các mặt hàng trên tham dự thầu cung ứng thuốc cho cơ sở y tế ngoài các đơn vị có dự trù được ghi trong giấy phép nhập khẩu là chưa đúng về thủ tục hành chính. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định, Sở Y tế đã hủy kết quả đấu thầu của các mặt hàng này và sẽ tổng hợp nhu cầu từ các cơ sở điều trị để lập dự trù gửi các doanh nghiệp cung ứng và đề nghị các đơn vị lên kế hoạch nhập khẩu, đề nghị Bộ Y tế xem xét, giải quyết theo quy định để đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị.
Đối với các mặt hàng bị hủy kết quả trúng thầu, để đảm bảo thuốc phục vụ điều trị, Sở Y tế đang khẩn trương lập kế hoạch mua sắm để trình UBND thành phố phê duyệt theo hình thức áp dụng kết quả đấu thầu của các tỉnh, thành phố và sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng để lập dự trù, đề nghị Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định để nhập khẩu hoặc cung ứng ngay nếu các doanh nghiệp có đủ nguồn thuốc để kịp thời phục vụ điều trị.
Cũng theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đợt đấu thầu vừa qua đã tiết kiệm được trên 1.400 tỷ đồng so với kế hoạch mua sắm trước đó; đồng thời bảo đảm tính thống nhất về giá ở các cơ sở y tế của thành phố; tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị; nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện và sự cạnh tranh cho nhiều nhà cung cấp tham gia đấu thầu và thực hiện theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị về khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kết quả đấu thầu thuốc tập trung này còn được sử dụng cho nhà thuốc của bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập để thanh toán với cơ quan bảo hiểm y tế.
H.Chung