Kì thú nghề săn sùng đất

Với giá bán dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg nên nghề săn sùng đất được xem là nghề “hái” ra tiền, giúp nhiều nông dân ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) kiếm được trên dưới 500.000 đồng/ngày, từ loại côn trùng mà trước đây họ thường săn về chỉ để cho… gà ăn.


Lộc trời cho!


Có dịp về huyện Sơn Tịnh vào những ngày này, đi qua các vùng bãi bồi, ven sông nhiều người hiếu kì dừng lại xem nông dân đang hì hục lật từng thớ đất trên những thửa hoa màu cuối vụ thu hoạnh, để bắt côn trùng. Người dân nơi đây ví von như “lộc của trời”.

 

Những thửa ruộng sau khi đã thu hoạch hoa màu được người dân đào xới nhiều lần để săn sùng đất.


Sùng đất là con gì mà sao họ săn lùng ráo riết vậy? Theo những người dân địa phương, nơi đây được xem là “thủ phủ” của sùng đất. Vào mùa sùng đất, những người từ Đà Nẵng, Huế… về tận nơi để thu mua với giá cao ngất ngưởng, đắt hơn cả tôm tươi. Có kinh nghiệm nhiều năm mưu sinh trong nghề, anh Nguyễn Văn Hải, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh chia sẻ: “Nói là nghề nhưng thực ra dụng cụ săn sùng đất cũng rất đơn giản, chỉ cần cái cuốc và một xô nước mang theo, khi bắt được thì ngắt ruột bỏ nhanh sùng vào để giữ cho sùng được tươi, và không bị đen, cuốc dùng để đào sùng lưỡi phải dài, mỏng, mới có thể đào sâu bắt được những con sùng to”. Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ vào giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch). Vì chu kì vòng đời ngắn, nên đến mùa sùng đất là nông dân ở đây lại tranh thủ “hái lộc” từ con vật được xem là trời cho này. Sùng đất tuy không hiếm, nhưng để săn được những con sùng đất tươi ngon, đặc quánh sữa, to gần bằng ngón chân cái, mỗi tay đào sùng thường giữ cho mình những bí quyết riêng. Bên tiếng cuốc thình thịch, quệt những giọt mồ hôi, ông Nguyễn Thế Trầm xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, chia sẻ: “Nhìn thì thấy đơn giản vậy, nhưng không phải ai cũng gặp may mắn khi mưu sinh bằng nghề này. Nhiều trai tráng sức vóc lắm, cuốc bẫm được mươi phút, tìm đỏ cả mắt nhưng cũng đành về tay không”.

 

Chiến lợi phẩm sau hàng giờ săn lùng là những con sùng đất đặc quánh sữa.

 

Sau khi săn được sùng đất người dân nhanh chóng ngắt để lấy phân ra ngoài, bỏ nhanh vào xô hoặc chậu nước để giữ cho sùng được tươi lâu hơn.


Người dân địa phương cho biết sùng đất là loại côn trùng sạch, bởi chúng sinh sống ở những vùng đất, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại. Nơi phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được sùng. Lúc trước, sùng đất nhiều vô kể, người dân đào về chỉ để cho gà ăn. Nhưng vài năm trở lại đây nhiều nhà hàng, quán ăn, hay các tay sành nhậu… xuống tận nơi để thu mua với giá cao, giúp nhiều nông dân thực sự đổi đời. “Trước kia người dân ở đây không dám ăn vì hình dạng bên ngoài “nhờn nhợn” của nó, nhưng giờ thì phải nhịn thèm, có bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu hết rồi!”, ông Nguyễn Ngọc Phúc, một tay săn sùng vui vẻ nói. Trung bình, mỗi ngày một người đào sùng cũng kiếm được trên dưới 2 kg sùng đất. Với giá bán như hiện nay, nghề săn sùng đất đã giúp nhiều nông dân có của ăn của để. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa bệnh, nên tại các nhà hàng, quán ăn, món này được xem là đặc sản và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Anh Hoài Thuận, chủ nhà hàng Golden Hills trên đường Phan Bội Châu, TP Quảng Ngãi chia sẻ: “Nhiều người bị mê mẩn bởi mùi thơm và cái vị béo, ăn hoài không thấy ngán, và đặc biệt bởi công dụng bổ thận của nó, nên món này tại nhà hàng luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Theo ông Trần Phước Hòa, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm hộ dân mưu sinh bằng nghề săn sùng đất, và nhiều người đang từng ngày đổi đời nhờ loại côn trùng này.


Món ngon từ sùng đất


Sùng đất được chế biến thành nhiều món khác nhau, từ xào, luộc, nướng… hoặc cũng có thể phơi khô để ngâm rượu, có tác dụng mạnh trong việc bổ thận, đặc biệt là với phái mày râu. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì hai món sùng xào hoặc nướng được nhiều người ưa thích nhất. Sùng đất sau khi đào được đem về rửa sạch đất cát, luộc hoặc nướng sơ qua cho chín vừa, sau đó ướp gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, củ sả tươi, mắm muối như ướp thịt, càng nhiều sả càng thơm, để khoảng 30 phút cho gia vị ngấm đều rồi mới làm các món ăn.

 

Một tay săn sùng không chuyên đang khoe chiến lợi phẩm của mình.


Ở các nhà hàng sùng đất được chế biến theo yêu các của thực khách, nhưng thường thì các tay sành nhậu hầu hết đều rất ghiền món sùng đất nướng. Chị Nguyễn Cảnh Đào, một chủ quán tại xã Tịnh Giang chia sẻ: “Thực khách ăn một lần món sùng đất nướng là hầu như “nghiện” món này. Với món nướng, bằng cách cho sùng đất đã thấm gia vị lên vỉ rồi đặt trên bếp than rực đỏ. Trở vỉ nhiều lần và phải thật đều tay để sùng không bị cháy sém, thấy chín đều, bay mùi thơm ngon là dùng được”. Có lẽ không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, mọi người cùng quây quần thưởng thức. Những món trên, tùy sở thích có thể ăn cuộn với lá lốt non, lá mơ, xà lách, bánh tráng mỏng, rau sống... Hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt. Theo cách nói hóm hỉnh của ông Trần Phước Hòa - Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh: “Sùng đất có thể ngâm rượu để bồi dưỡng cơ thể, chữa trị đau nhức, mạnh gân cốt và đem lại sung mãn cho phái mày râu...”.

 

Bài và ảnh: Bạch Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN