Đây là khu vực chưa có hệ thống thoát nước và phụ thuộc vào hệ thống tự chảy, nên nếu mưa to, mức nước 2 sông dâng cao, thì toàn bộ khu vực đại lộ Thăng Long không tiêu thoát được nước, dẫn đến ngập sâu.
Sở Xây dựng thông tin, trong khu vực nội thành hiện vẫn còn 16 điểm úng ngập khi mưa lớn. Đó là các khu vực phố Đội Cấn, đường Phạm Văn Đồng; phố Thanh Đàm (quận Hoàng Mai), phố Nguyễn Khuyến; ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; phố Trường Chinh; ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng; phố Cao Bá Quát; ngã ba La Pho – Thụy Khuê; phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); đường Ngọc Lâm; phố Hoàng Như Tiếp...
Trước mùa mưa năm 2019, Thành phố đã triển khai các dự án và giảm được 2 điểm úng ngập, đó là đường Giải Phóng (đoạn Bến xe phía Nam) và phố Nguyễn Chính.
Bên cạnh đó là các điểm ngập cục bộ trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 23, tỉnh lộ 21B, đường gom đại lộ Thăng Long…
Chỉ ra nguyên nhân của hiện trạng ngập úng trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, với diện tích 77,5 km2, còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo Quy hoạch được phê duyệt, nên tồn tại úng ngập khi xảy ra mưa lớn.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV thoát nước của Thành phố đã thực hiện thường xuyên việc duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, trọng tâm là đập Thanh Liệt, cụm công trình đầu mối Yên Sở, cụm công trình Bắc Thăng Long – Vân Trì và hệ thống hồ điều hòa, các trạm bơm cục bộ...
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội tiếp tục phát triển và nâng cấp “Trung tâm giám sát, điều hành hệ thống thoát nước”; nâng cấp và lắp đặt bổ sung camera giám sát điểm úng ngập, trạm đo mưa, thiết bị đo mực nước tự động trên sông và các hồ điều hòa để nắm bắt thông tin theo thời gian thực, từ đó vận hành, điều tiết mực nước một cách đồng bộ, hiệu quả. Đơn vị cũng cập nhật, cung cấp thông tin tình hình mưa bão, úng ngập kịp thời cho người dân.
Để hoàn thiện công tác cảnh báo, từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục nâng cấp phần mềm HSDC Maps, bổ sung các chức năng cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh của điểm ngập, đồng thời tương tác với người dân thông qua chức năng gửi thông tin sự cố... Hà Nội cũng tiếp tục vận hành 15 điểm camera giám sát; vận hành hệ thống thoát nước theo thời gian thực tại lưu vực 5 con sông của Thành phố.
Tuy nhiên, ông Võ Tiến Hùng cũng khuyến cáo, bên cạnh những biện pháp mà các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện, để khắc phục tình trạng ngập úng rất cần có sự vào cuộc của mỗi người dân và các cơ sở kinh doanh. Mỗi người dân, cơ sở kinh doanh cần có ý thức không đặt tấm chắn, vật cản lên hệ thống thoát nước, đặc biệt là các ga thu nước. Bên cạnh đó, cần lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống tách dầu mỡ trước khi xả ra môi trường…