Số người đăng ký thất nghiệp liên tiếp tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua cân đối thu chi, các nhà quản lý khẳng định không có nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù vậy, vẫn cần sớm sửa đổi những quy định liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp để chính sách này phù hợp hơn với thực tiễn.
Có nhiều nguyên nhân khiến số người đăng ký thất nghiệp trong quý I năm nay tăng gần 70% so với quý I năm 2011.
Số đăng ký thất nghiệp tăng liên tục
Những ngày cuối tháng 4/2012, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội thường xuyên đón nhận người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Chị Trương Thị Dung, công nhân của Công ty Nissei (Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội) đến đăng ký tại đây cho biết chị đã làm việc ở công ty này 4 năm nhưng thu nhập không cải thiện đáng kể, nên xin nghỉ việc để tìm một công việc khác. Tự nghỉ việc là một trong rất nhiều lý do khiến lượng người đăng ký thất nghiệp tại Hà Nội tăng liên tục từng tuần, từng tháng trong thời gian qua.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với trên 36.000 người đăng ký thất nghiệp trong quý I/2012. Chỉ mới nửa đầu tháng 4, số người đăng ký thất nghiệp đã bằng số đăng ký cả tháng 3/2012. Trung bình có 600 - 700 người/ngày đăng ký thất nghiệp tại 6 điểm đăng ký tại thành phố. Khoảng 90% số đó là lao động có mức lương thấp làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV |
Trên quy mô toàn quốc, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2010 có 189.611 người đăng ký, năm 2011 có 335.901 người đăng ký. Còn trong quý I/2012 là 116.620 người đăng ký thất nghiệp. Theo ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ - TB&XH), nếu so sánh quý I năm nay với quý I năm 2011 thì thấy tăng gần 70%. Thất nghiệp tập trung nhiều ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, một số thành phố lớn khác. Số thất nghiệp chủ yếu là lao động trong lĩnh vực gia công, chế biến, cơ khí...
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng gia tăng số người đến đăng ký thất nghiệp là... số người tham gia BHTN tăng. Vì đã tham gia BHTN từ khi đang đi làm, nên khi thất nghiệp đương nhiên đa số lao động đều đi đăng ký để được nhận BHTN. Lý do thứ hai là một số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm nhân lực. Cũng có yếu tố là doanh nghiệp di dời cơ sở, nhà máy ra khỏi thành phố do gây ô nhiễm môi trường hoặc do đáp ứng quy hoạch.
Một nguyên nhân khác đến từ phía người lao động là sau một năm làm việc, họ mong muốn có việc làm thu nhập cao hơn, phù hợp hơn nên chủ động xin thôi việc. Trong số đó, không ít người từ các tỉnh về các thành phố lớn làm ăn, nay ở quê nhà cũng đã có nhiều doanh nghiệp và cần tuyển lao động địa phương, họ mong muốn về quê để giảm chi phí sinh hoạt... Lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ - TB&XH) khẳng định Bộ đã có dự báo về vấn đề này.
Lợi dụng kẽ hở của chính sách
Số thu của BHTN tăng lên theo từng năm và hiện nay đang kết dư lớn. Cân đối thu chi tính đến cuối năm 2011, quỹ này còn kết dư 14.638 tỷ đồng.
Tuy vậy, chính sách BHTN qua quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số kẽ hở. Theo ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay tình trạng phổ biến ở các thành phố lớn là người lao động thôi việc ở doanh nghiệp này để hưởng thất nghiệp sau đó lại sang doanh nghiệp khác để làm việc. Theo đại diện Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, số lượng người đăng ký thất nghiệp tăng cũng do con số thất nghiệp ảo. Lý do: Người lao động sau khi làm việc cho công ty 1 - 2 năm thì làm đơn giả thôi việc. Cả người lao động và doanh nghiệp đều không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, doanh nghiệp còn được lợi vì họ giữ được chân lao động. Thế nên không ít doanh nghiệp đã “bắt tay” với lao động để thực hiện điều này.
Thừa nhận thực tế này, tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khương cũng kêu khó: “Khoảng 20.000 cán bộ Bảo hiểm xã hội của chúng tôi không thể theo dõi tình hình lao động tại tất cả các doanh nghiệp. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để theo dõi vấn đề này”.
Theo quy định, người lao động đóng BHTN từ 12 - 36 tháng thì trong vòng thời gian đó, nếu bị thất nghiệp, lao động sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% tiền lương đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc. Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quãng thời gian từ 12 - 36 tháng này rộng quá nên dễ bị lợi dụng, theo kiểu lao động sẽ làm đến 12 tháng để hưởng được 3 tháng bảo hiểm chứ không làm tới 36 tháng. “Nếu sửa đổi, nên quy định theo kiểu lũy tiến. Ví dụ, đóng BHTN thì được hưởng 3 tháng lương. Những ai đóng nhiều thời gian hơn thì hưởng cao hơn. Nhà nước phải có điều tra, nghiên cứu tính toán cho phù hợp giữa đóng và hưởng. Quan trọng là phải thiết kế mức đóng”, ông Điều Bá Được đề xuất.
Mạnh Minh - Đan Phương