Không để di dân tự do

Dân di cư tự do đang trở thành gánh nặng đối với nhiều tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Tình trạng dân di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch bố trí, sắp xếp và quản lý dân cư ở các địa phương; đồng thời, làm tăng thêm nạn phá rừng và nhiều tệ nạn xã hội khác.


Di cư vì “miếng cơm, manh áo”


Năm 2005, cơn bão số 7 đã gây ra lở đất lớn ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên, Sơn La. Gia đình ông Hạng A Dê (dân tộc Mông) cũng như nhiều gia đình khác, bị đất lở bao phủ hầu hết diện tích đất trồng cấy. Không còn ruộng để sinh sống, gia đình ông quyết định di dân vào Tây Nguyên để định cư.
“Tôi may mắn có họ hàng bên vợ đã vào đây sinh sống từ năm 1996. Do vậy, chúng tôi đã liên hệ và được họ giúp đỡ vào Tây Nguyên tái định cư tại thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đăk G'Long, tỉnh Đăk Nông”, ông Dê nói.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo ông Dê, lúc mới vào, gia đình ông không đất sản xuất, không có tiền để mua đất. Do vậy, gia đình ông chỉ còn cách phá rừng để khai hoang, trồng cà phê để có thu nhập, đồng thời trồng thêm các loại cây khác để tăng thu nhập. Sau 3 năm định cư, gia đình ông được chính quyền xã làm cho giấy tờ tùy thân, nhưng đến nay, toàn bộ diện tích đất do gia đình ông khai phá vẫn chưa có giấy tờ sở hữu.


Ông Nguyễn Minh Tiến,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang:

Bố trí vốn cho vùng cao

Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo trong cả nước. Người dân chủ yếu sống ở vùng núi cao. Từ năm 2005 - 2014 đã có gần 1.000 hộ (hơn 4.000 dân) di cư ra khỏi tỉnh, chủ yếu là dân tộc Mông. Do vậy, đề nghị Chính phủ có chính sách quy hoạch, xây dựng khu tái định cư tại các vùng còn nhiều quỹ đất sản xuất, để điều hòa dân cư ở tỉnh có dân di cư tự do, nhằm tổ chức đưa dân đến định cư theo kế hoạch, chấm dứt tình trạng di dân tự do.

Ông K’So Phước, Chủ tịch Hội đồng
dân tộc của Quốc hội:

Rà soát lại để người dân có đất sản xuất

Đang có một nghịch lý, đất Tây Nguyên rất rộng nhưng lại là một trong những vùng dân thiếu đất sản xuất nhất. Nguyên nhân là do chức năng quản lý nhà nước, công tác quy hoạch và bố trí dân cư rất kém. Vì vậy, phải rà soát và xác định rừng phòng hộ, đặc dụng ở đâu là bất khả xâm phạm. Còn lại quy hoạch lại để người dân có đất sản xuất.

“Chúng tôi thường sống thành một khu vực cùng với bà con cộng đồng dân tộc Mông của mình. Do vậy, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập môi trường văn hóa mới. Tuy nhiên, do chỗ ở của gia đình chúng tôi cách trung tâm y tế xã tới 15 km, cách trung tâm xã, huyện cũng khoảng 15 km nên việc tiếp cận các cơ sở vật chất như y tế, giáo dục là rất khó khăn”, ông Dê cho biết.


Tương tự, cách đây 5 năm, anh Lò Văn Hưng (dân tộc Mông, Cao Bằng), do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã di dân tới thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Ga, tỉnh Đắk Lắk.


“Chúng tôi vào đây từ hai bàn tay trắng, không có đất sản xuất, chỉ còn cách phá đất rừng để lấy đất sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã khai phá được hơn 1 ha đất rừng để trồng cà phê, chăn nuôi bò, thu nhập hàng năm được 70 triệu đồng”, anh Hưng cho biết.


Có thể nhận thấy rằng, đa số đồng bào di cư vào khu vực Tây Nguyên là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi vào đây, họ không có tiền, không có đất sản xuất, phải phá rừng để lấy đất trồng cấy.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Nguyên là khu vực đón nhận nhiều dân di cư nhất cả nước. Năm 1976, dân số Tây Nguyên mới chỉ có hơn một triệu người, với 18 dân tộc anh em. Đến nay, số dân Tây Nguyên đã lên đến trên 5 triệu người, có gần đủ trong số 64 các dân tộc của cả nước. Bên cạnh các chương trình di dân theo kế hoạch, nhu cầu về cuộc sống khiến nhiều hộ dân di cư tự do vào khu vực này, chủ yếu từ vùng miền núi phía Bắc chuyển vào.


Người dân di cư đã làm cho dân số, cơ cấu dân cư và thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên biến đổi nhanh chóng, gây ra không ít khó khăn, bức xúc cho các địa phương.


Phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội


Theo các tỉnh Tây Nguyên, dân di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đáng chú ý là một số phần tử xấu lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để kích động người dân rời bỏ nơi sinh sống và di cư tự do.


Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay còn gần 10.000 hộ dân di cư tự do đang sống phân tán, chưa có dự án sắp xếp ổn định hoặc bố trí theo quy hoạch ổn định đời sống bà con. Trong đó, hơn 7.500 hộ chưa có đất hoặc chưa được làm thủ tục cấp đất ở, đất sản xuất.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, tình trạng di dân tự do làm tăng thêm nạn phá rừng và nhiều tệ nạn xã hội khác. Do số lượng dân di cư tự do quá lớn, phân bổ không tập trung nên gây ra tranh chấp đất đai tại nhiều nơi. Số hộ nghèo đói tăng lên, sức khỏe cộng đồng không được bảo đảm, tình trạng thiếu học tăng nhiều.


Tương tự, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ UBND tỉnh Đăk Nông cho biết: “Dân di cư đa phần không có tay nghề, hầu hết không được đào tạo. Do đó, tỷ lệ lao động ở nông thôn của tỉnh là hơn 86%. Di dân tự do còn tác động đến Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, mỗi năm chúng tôi thực hiện quyết liệt cũng chỉ giảm được 2 - 3% số hộ nghèo. Bởi vì, cứ giảm xong thì dân nghèo di cư tự do lại nhập cư vào tỉnh”.


Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng bị ảnh hưởng. “Tỉnh Đăk Nông phấn đấu đến năm 2015, có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhưng nếu rà soát lại thì cố gắng lắm cũng chỉ đạt 12 - 13%”, ông Luyện than.


Theo các địa phương, sau khi hỗ trợ tái định cư cho người dân di cư thì họ lại kéo thêm cả họ hàng vào sinh sống, khiến mật độ dân số tăng lên chóng mặt. Khi các cơ quan chức năng xuống kiểm tra thì số người tới sau lại tản ra, trốn vào rừng rồi sau đó họ lại về nhà sinh sống bình thường. Chính việc dân di cư quá lớn đã làm cho cơ sở hạ tầng bị quá tải, nhiều trẻ em không được đến trường học, tệ nạn xã hội có nguy cơ gia tăng.


Ngăn di cư tự do từ gốc


Nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, để giải quyết tình trạng dân di cư tự do cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là nguồn kinh phí thuộc các dự án đã được Chính phủ phê duyệt để tiếp tục bố trí theo quy hoạch cho các hộ di dân tái định cư.


Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, phải kết hợp giữa ổn định đời sống của đồng bào nơi đi, những nơi bà con đến. Đồng thời, phải ngăn từ xa, quản lý tốt về đất rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, nâng cao nhận thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy ở cơ sở.


Về vấn đề tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, cho biết: “ Bộ Tài chính đang làm dự toán ngân sách năm 2015. Nếu coi vấn đề di dân là ưu tiên thì sẽ được bố trí dự toán. Nhưng kinh phí sẽ không quá lớn, vì khả năng của ngân sách còn nhiều khó khăn. Đồng thời, phải sắp xếp các thứ tự ưu tiên để đầu tư”.


Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Các địa phương tới hết năm 2014 rà soát tình trạng di cư tự do, từ đó bảo đảm sức khỏe, giáo dục và đời sống người dân. Bộ Nông nghiệp rà soát kiến nghị của các địa phương, Bộ Tài chính ứng trước vốn cho các công trình cấp bách, không để người dân sống cảnh màn trời chiếu đất.


Các địa phương cũng cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân không di cư tự do. Để ngăn người dân không di cư tự do từ gốc, cần xây dựng và triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ để hỗ trợ cải thiện đời sống của người dân. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ sớm xây dựng dự án quy hoạch dân cư nơi đi và nơi đến cùng những chính sách hỗ trợ để giải quyết dân di cư tự do”.


Hữu Vinh (thực hiện)

Khổ như di dân tái định cư thủy điện Lai Châu
Khổ như di dân tái định cư thủy điện Lai Châu

Đường sá lầy lội, nguy cơ sạt lở cao, mặt bằng chậm tiến độ; hệ thống các công trình xây dựng cơ bản dở dang… là thực trạng tại những nơi ở mới của hàng trăm hộ dân tái định cư thủy điện Lai Châu, thuộc xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN