Khó cấm, khó quản xe 3, 4 bánh tự chế

Quy định đình chỉ lưu hành các loại xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế có hiệu lực từ năm 2008. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc loại bỏ hoàn toàn gần 16.000 xe tự chế, tìm xe thay thế và hỗ trợ người dân chuyển hướng làm ăn vẫn đang là bài toán nan giải với các địa phương. Khó cấm, khó quản, nên nhiều xe vẫn “ung dung” hoạt động.


Chưa tìm được xe thay thế


Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tại các phố Đê La Thành (quận Đống Đa), Trường Chinh (quận Thanh Xuân), Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm)… của Hà Nội, người đi đường vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều xe 3 bánh tự chế lưu thông trên đường hay đỗ sát vệ đường chờ khách. Anh Việt Hùng, quê Hưng Yên, chủ một xe 3 bánh thường xuyên hoạt động trên phố Trần Nhật Duật, cho biết: “Ở quê, việc làm thêm ít, thu nhập lại không cao, nên tôi quyết định vay hơn 10 triệu đồng mua chiếc xe 3 bánh lên Hà Nội chở thuê từ năm 2010. Cả gia đình trông hết vào chiếc xe này. Giáp Tết, những người lái xe 3 bánh có nhiều việc. Tôi cũng cố gắng “cày kéo” để có tiền gửi về cho gia đình ăn Tết…”.

 

Xe 3 bánh tự chế tụ tập ở đường Giải Phóng (Hà Nội).


Trao đổi với phóng viên, hầu hết các chủ xe đều cho biết, họ đã nhiều lần được tuyên truyền chuyển đổi nghề. Tuy nhiên đến nay, do chưa bị bắt, chưa bị xử lý nên họ vẫn tiếp tục hành nghề. Chỉ cần bỏ ra số vốn từ 15 - 20 triệu đồng mua một chiếc xe, bình quân mỗi ngày mỗi người cũng kiếm được vài trăm nghìn. Dịp sát Tết, thu nhập có thể tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Những người làm nghề chở hàng bằng xe 3 bánh không bị gò bó về thời gian. Trong khi nhu cầu của người dân vận chuyển hàng bằng xe 3 bánh lại rất lớn, vì để tiện lợi, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với taxi, xe tải. Loại xe này lại có ưu điểm nhỏ gọn hơn xe tải, có thể lưu thông qua những ngõ ngách nhỏ. Với những ưu điểm vượt trội trên mà loại xe này vẫn có đất sống.


Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, thành phố hiện chỉ có khoảng 200 xe 3 bánh được cấp phép cho thương binh, người tàn tật điều khiển, còn lại rất nhiều xe tự chế của các đối tượng giả danh thương binh.

 

Nhiều xe 3 bánh, xe ba gác vẫn ung dung hoạt động trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.


Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung công quỹ”. Theo đó, Bộ GTVT phải loại bỏ gần 16.000 xe, nhưng đến nay, sau hơn 5 năm, cả nước mới hỗ trợ thay thế cho người dân chuyển đổi sang xe tải nhẹ để chuyển đổi nghề được khoảng 6.000 xe, với số tiền hỗ trợ hơn 54 tỷ đồng. Như vậy, còn gần 10.000 xe nữa nằm trong diện phải xử lý, đó là chưa kể số xe tự chế mới phát sinh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:

Đến năm 2020 xóa bỏ hết xe công nông, xe tự chế

 Các địa phương vẫn đang tiếp tục tuyên truyền thực hiện việc đình chỉ các phương tiện không đủ điều kiện tham gia giao thông, vì không thể để các loại phương tiện mất an toàn tham gia giao thông. Tuy nhiên, các địa phương, các ngành liên quan cũng cần phải nghiên cứu tìm ra phương tiện thay thế các loại xe này cho người dân sử dụng. Bộ GTVT sẽ sớm ban hành quy định về đăng kiểm, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với một số loại xe trong diện thay thế theo hướng vận dụng các tiêu chí, quy định về an toàn kỹ thuật ở khung thấp nhất có thể, để các phương tiện thay thế đáp ứng được nhu cầu của người dân, mà giá bán không quá cao. Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục có chính sách những hỗ trợ đối với cả nhà sản xuất lẫn người có phương tiện cần chuyển đổi, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sẽ xóa bỏ các loại phương tiện tự chế này.

 

Ông Nguyễn Xuân Thủy,
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT):

Giá xe phải phù hợp với túi tiền của người nghèo

Giá xe thay thế phải phù hợp với khả năng của người lao động nghèo. Người dân cũng quan tâm tới việc tính năng xe thay thế có phù hợp với thực tế, nhu cầu vận tải hay không. Nếu giải quyết được hai nút thắt này thì việc chuyển đổi xe tự chế mới có thể thành công được.

 

Trung tá Nguyễn Chí Công, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an Hà Nội):

Xử lý vi phạm rất nan giải

Núp dưới danh nghĩa là cựu chiến binh, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn…, nhiều người điều khiển xe công nông, xe ba gác, xe 3, 4 bánh, xe tự chế vẫn ung dung hoạt động trên nhiều tuyến phố Hà Nội, phớt lờ lệnh cấm của Chính phủ. Mỗi khi có đợt cao điểm chuyên đề xử phạt, không ít chủ xe tụ tập, gây sức ép cho lực lượng chức năng, dẫn đến việc xử lý vi phạm rất nan giải.


Thực tế, Bộ Tài chính đã phê duyệt hơn 860 tỷ đồng để Bộ GTVT hỗ trợ cho các chủ phương tiện chuyển đổi, xóa bỏ xe 3, 4 bánh tự chế. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và nghề nghiệp cho chủ phương tiện 3, 4 bánh tự chế tại các địa phương gặp khó khăn về thủ tục hồ sơ. Cùng với đó, ngành GTVT và các địa phương chưa tìm được phương tiện hỗ trợ thay thế. Điều này đang khiến cả cơ quan chức năng lẫn người dân rơi vào bế tắc. Thêm vào đó, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý phương tiện trong diện cấm, nên tình trạng xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế vẫn lưu thông nhiều, nhất là tại các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận, Hà Nội…


Từ năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo thí điểm sản xuất, lắp ráp xe ô tô 4 bánh, gắn động cơ loại 500 kg để thay thế các loại xe cấm lưu hành. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Khoa học Công nghệ, loại xe này có kết cấu đơn giản hơn so với xe ô tô, nhưng chỉ thích hợp khi lưu thông ở vùng đồng bằng.

Cần hỗ trợ cho người nghèo


Theo các chuyên gia, hiện nay, để thay thế dứt điểm các loại xe 3, 4 bánh tự chế, việc cần làm đầu tiên là phải tìm được loại phương tiện thay đổi, đảm bảo an toàn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nơi có số xe 3, 4 bánh tự chế cần phải thay thế nhiều nhất cả nước.


Chị Nguyễn Thị Tân ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: Nhiều hộ dân trước đây có tới hai xe công nông. Các xe này hàng ngày chở vật liệu, đổ phế thải thuê cho mấy quận nội thành. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, nhiều hộ đã chuyển qua mua xe tải nhỏ chở hàng thuê. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi phí ban đầu để mua xe tải là rất lớn. Trong khi đó, loại xe này lại không chở được vật liệu nặng như xe công nông. Bởi vậy, không ít hộ vẫn giữ xe công nông làm kế sinh nhai.


Sở GTVT các địa phương mới đây đã báo cáo với Bộ GTVT về những khó khăn khi thực hiện chủ trương loại xe 3, 4 bánh tự chế, do chưa tìm được xe thay thế. Còn xe 4 bánh theo diện hỗ trợ của Nhà nước lại hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với đường giao thông nông thôn, nhất là địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết: Cả nước còn gần 10.000 xe thuộc diện phải chuyển đổi. Nếu có loại xe thay thế phù hợp, thì chắc chắn không chỉ có chủ của số xe trên sẽ chuyển đổi mà nhiều người dân khác cũng có nhu cầu sắm sửa dùng làm phương tiện vận chuyển.


Thực tế, các loại xe trong diện cấm lưu hành liên quan mật thiết đến kế sinh nhai của người dân, đặc biệt là người lao động nghèo. Nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển đổi, tạm dừng hoạt động loại xe này, ngành GTVT và các địa phương cần có sự tính toán thấu đáo về chính sách hỗ trợ, để đảm bảo ổn định sản xuất cho người lao động nghèo. Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đăng kiểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư chế tạo lắp ráp xe vận tải nhẹ có công năng phù hợp với điều kiện từng địa phương; đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ lộ trình thực hiện trong 5 năm tới.


Vậy là, sau 5 năm, câu chuyện tìm phương tiện thay thế xe 3, 4 bánh tự chế, xe công nông vẫn chưa được giải quyết triệt để.

 

Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN